Thứ ba, 19/11/2024 18:32:40
Làm gì khi học sinh nói bậy?

Ngày: 04/01/2018

Gắn kết với sự nghiệp trồng người được hơn 11 năm tưởng chừng chủ đề ngày nào khi mới ra trường đã cũ nhưng không hẳn vậy. Trong một tình huống khi sinh hoạt tổ, đồng chí tổ Phó nói “dạo này bắt đầu thấy hiện tượng học sinh nói bậy, các đồng chí xem thế nào tìm ra giải pháp”. Thiết nghĩ, nói bậy với học sinh không phải xa lạ, nhưng để bắt gặp thì thật hiếm hoi. Với trường hợp này thường là 2 diện học sinh hoặc cá biệt, không ngoan và việc nói năng vô lễ là thường xuyên theo thói quen; diện thứ 2 là do ảnh hưởng tình huống nhất thời (bị điểm kém, vi phạm nội quy bị thầy cô nhắc nhở, bị kiểm tra sách vở khi không ghi bài,...). Và hướng xử trí của cô giáo trong 2 trường hợp này cũng không giống nhau. Vậy xử lý tình huống này như thế nào, có cần thiết không? Xin thưa rất cần!

Với học sinh diện 1 khi gặp phải, chúng ta hãy bình tĩnh gọi em đó gặp riêng rồi khuyên bảo, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm. Nếu tôi là giáo viên chủ nhiệm thì sẽ trao đổi với phụ huynh để uốn nắn dần học sinh. Những trường hợp này là rất khó, thậm chí có nhiều em đã hình thành thói quen nói lúc nào cũng phải kèm theo những từ bậy do môi trường gia đình hay thường xuyên tiếp xúc với những người hay văng tục. Do đó nên có biện pháp lâu dài để uốn nắn, có thể kết hợp với đoàn thanh niên để giáo dục đạo đức cho em. Bởi học sinh ở lứa tuổi ẩm ương này, đôi khi bạn bè cùng trang lứa trao đổi, khuyên nhủ các em lại nghe hơn người lớn.

Còn những em nhất thời do bực bội hay không kiềm chế được cảm xúc, thiếu suy nghĩ mà buột miệng thì nên nhẹ nhàng tìm hiểu lý do bằng cách có thể trực tiếp hỏi em đó hoặc bạn bè. Nếu học sinh đang nóng nảy buông lời xúc phạm thì tôi sẽ nói với em đó rằng những lời em nói cô (thầy) đã nghe, và bây giờ em hãy bình tĩnh suy nghĩ lại những lời nói em vừa nói ra và cho cô biết em nói đúng hay sai và tôi vẫn sẽ tiếp tục bài giảng hay công việc của mình.

Ngoài ra, chúng ta nên tìm cách hỏi các bạn của học sinh cùng lớp đó để tìm hiểu nguyên nhân học sinh nổi nóng và nói hỗn láo để xem liệu có vấn đề gì về tâm lý, gia đình hay không và sẽ gặp em đó để trao đổi thẳng thắn.

Như cô Đặng Thị Mai – nguyên giáo viên nhà trường từng chia sẻ: hầu hết các học sinh sau khi cô giáo dành thời gian gặp và trao đổi riêng đều đã có những thay đổi tích cực. “Học sinh bây giờ cái tôi rất lớn nhưng do chưa chín chắn nên chúng ta cần tìm cách gần gũi nắm bắt tâm tư của các em thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

          Vậy ai là người giáo dục học sinh khi các em nói bậy?

          Đối với giáo viên, có lẽ thường các thầy cô chỉ nhắc nhở khi xảy ra tình huống. Một số ít không phản ứng gì, coi như chưa nghe thấy; một số cho rằng đây là nhiệm vụ của Đoàn-Đội, của GVCN. Nhưng xin hỏi có thầy cô nào từng tốt nghiệp ngành sư phạm mà không trải qua môn Tâm lý học và làm quen với tình huống sư phạm? Hay vì thời lượng tiết học không cho phép dư thời gian để giải quyết tình huống?.. Một tiết học luôn có nhiều tình huống, tích cực có, tiêu cực có. Với cương vị là người thầy, người cô, ngoài việc trang bị cho các em kiến thức trong từng tiết học cần thiết lắm việc trang bị kỹ năng ứng xử cho các em và nhiều kỹ năng khác.

          Xin nêu 1 tình huống của cô Phương: Cô Phương nhớ nhất sự việc với học sinh lớp 12 cách đây hơn 2 năm bởi đó là lần đầu tiên cô nghe thấy một học sinh văng tục ngay tại lớp. Đây cũng là lần đầu tiên cô phải đối mặt.

“Lần đó, sau khi ra bài tập cho cả lớp, tôi đi vòng quanh lớp để giúp một số em thì nhìn bàn cuối thấy 1 học sinh nam không chú tâm làm bài và thay vào đó nói chuyện riêng. Tôi đi xuống hỏi em đưa vở để xem đã làm xong chưa và đúng sai thế nào thì em vội lấy tay che vở. Biết học sinh không làm bài, tôi yêu cầu em đưa vở cho kiểm tra xem ghi chép ra sao thì em bảo không có vở. Tôi hỏi em tên gì, học sinh này không nói và chỉ văng tục”, cô Phương kể.

Sau đó, cô Phương nói nhỏ để chỉ em đó đủ nghe: “Em à, những gì em vừa nói cô đã nghe rõ cả, em hãy nhớ lại những gì đã nói và nghĩ xem em nói với cô như vậy có được không nhé, còn bây giờ em lấy vở chép bài tập trên bảng và làm bài đi”.

Sau đó, cô Phương chia sẻ trước lớp: “Những điều chúng ta nói ra sẽ chẳng bao giờ rút lại được, lời nói xúc phạm người khác dù chúng ta có xin lỗi thì cũng đã khiến họ tổn thương. Nên trước khi nói, cô mong các em nên suy nghĩ cho chín chắn. Một lát sau, tôi quay lại bàn em thì thấy em cũng đã làm bài và hỏi em đã suy nghĩ về lời nói lúc nãy chưa. Học sinh đã đứng dậy xin lỗi. Sau được biết học sinh chỉ buột miệng, sau đó được các bạn khuyên nhủ thêm, học sinh tự nhận sai và xin lỗi cô. Tôi cũng không xoáy sâu và nhanh chóng trở lại bài dạy và xem như không có chuyện gì xảy ra để học sinh có được tâm lý tốt nhất”.

Cô Phương quyết đinh giảng lại bài để cho em học sinh hiểu và làm, bởi cô hiểu cũng vì do không làm được bài khiến em chán nản sinh ra nói chuyện riêng.

Sau tiết học, cô Phương cũng tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của của học sinh đó để trao đổi, tìm hiểu về học sinh và cùng giáo viên chủ nhiệm kịp thời giáo dục em.

Còn thầy cô khi đứng trước tình huống này sẽ làm gì???

 

THCS Hùng Sơn
Tin liên quan