Thứ ba, 19/11/2024 20:37:24
Dạy đạo đức từ chính những việc nhỏ nhất

Ngày: 27/12/2014

Các em học sinh ngoan là biết vâng lời bố mẹ, thầy cô, biết học hỏi điều hay điều tốt từ bạn bè, người thân, biết nhường nhịn, sẻ chia, giúp đỡ nhau. Nhiều phụ huynh không chỉ ở thành phố, mà ngay ở những làng quê nghèo, bố mẹ làm trăm việc chỉ những mong con cái thành tài. Hệ quả là các bậc cha mẹ gồng mình lên luôn chân tay, sẵn sàng với phương châm "hy sinh đời bố củng cố đời con", cha mẹ nhận làm hết mọi việc để con rảnh rang toàn tâm toàn ý cho việc đèn sách thi thố với đời. Các em mang về cho gia đình giấy khen, giấy thi đỗ đại học, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Cha mẹ các em mát mặt với xóm làng, dòng họ.
 
Vậy các em có xứng là "trò giỏi - trò ngoan" không? Tôi chỉ thấy tê tái khi chứng kiến những bậc phụ huynh lao động quần quật, nhưng con đi học về đến cái bát mẹ cũng không cho rửa, con đi học xa, bố mẹ gọi điện lên hỏi thăm thì quát thượng lên "con đang bận học, mẹ gọi gì mà gọi lắm thế". Đấy là lúc các em còn ngồi trên ghế nhà trường, còn phụ thuộc tài chính vào cha mẹ. Khi các em có công ăn việc làm ổn định, cha mẹ đâu đã yên tâm, lại lo phải làm để mua nhà cửa trên thành phố cho con. Vậy mà chỉ những va chạm rất đời thường, các bậc cử nhân, thạc sĩ này có thể nhảy dựng lên xỉa xói cha mẹ mình. Và cha mẹ sợ làm con mất sĩ diện, lại giấu nhẹm đi.

Vấn đề học sao cho giỏi là ước mơ chính đáng của bố mẹ, thầy cô. Thế còn việc dạy đạo đức cho các em có khó không? Tôi nghĩ, vài tiết dạy đạo đức trong nhà trường chưa mang lại cho các em điều gì. Môn Đạo đức hay môn Giáo dục công dân thường bị xem nhẹ, đưa vào cho gọi là có. Giáo viên dạy môn này bị xem là môn phụ nên thường dạy à ơi cho hết tiết, học sinh thì tranh thủ môn phụ để nói chuyện riêng vì kiểu gì hết học kỳ, điểm phẩy vẫn trong ngưỡng an toàn. Dạy đạo đức mà là phụ ư? Đây là phạm trù rộng, có học cả đời cũng không hết. Chỉ là dạy thế nào cho thu hút sự chú ý của các em. Và các thầy cô có thực sự tâm huyết với giáo trình đạo đức của mình không.

Tôi đã trải qua thời đi học nhiều sóng gió. Lớp trưởng lớp 12 của chúng tôi chỉ vì va chạm hiểu lầm với cô chủ nhiệm mà cô cũng sẵn lòng hạ hạnh kiểm, bêu riếu học trò khắp nơi. Bạn bị cú sốc tinh thần quá lớn. Có phương pháp dạy đạo đức nào thiết thực và hiệu quả hơn là sự thể hiện lối sống, cách hành xử của chính thầy cô? Lúc đó, tôi chỉ ước giá cô bình tĩnh, yêu thương học trò nhiều hơn để cô trò có thể ngồi lại đối thoại với nhau, hiểu rõ tâm tư của học trò thì đâu đến mức ra trường, bạn tôi không bao giờ muốn gặp lại cô nữa. Thầy cô gương mẫu, tận tâm, học trò chắc chắn sẽ sống tốt. Có những em học trò cá biệt, sống bất cần đời, nhưng may mắn gặp được thầy cô động viên đúng lúc, các em bỗng tìm thấy điểm tựa tinh thần để phấn đấu vươn lên. 

Trong giảng đường rộng lớn, đâu tránh nổi những em cá biệt. Các em được sinh ra trong gia đình bất hòa, hoặc bản thân các em đang tuổi mới lớn, sốc nổi chưa làm chủ được hành vi của mình, chỉ một va chạm nhỏ như cãi vã, nghi kị nhau cũng có thể thổi bùng thành đánh lộn, gây thương tích, thậm chí gây án mạng.

Nhà trường và gia đình có vai trò quan trọng trong việc dạy đạo đức, lối sống cho các em. Tôi không đồng ý với kiểu dạy con bâng quơ, chửi mắng cho hả giận khi phụ huynh thấy con em mình bị bạn hoặc các anh chị ức hiếp. Chúng ta dễ dàng nghe thấy bố mẹ bảo "sao không đánh lại cho nó sợ, ngu thế". Vậy thì việc các em rủ rê lôi kéo các bạn khác để đánh hội đồng bạn kia có gì xa xôi nữa.

Tôi dạy con biết nhường nhịn bạn khi chơi đùa, biết tự vệ phản kháng khi bạn có hành động xấu. Con bé thì giúp bố mẹ những việc nhỏ. Bố mẹ nên để con tham gia việc nhà, việc sản xuất nông vụ để con biết quý giá trị lao động, từ đó mới biết trân trọng tình cảm gia đình. Đó chính là việc dạy đạo đức đơn giản nhất dành cho các em.

Nguyễn Thị Loan (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Tin liên quan