Tin tức/(Trường THCS Đông Lỗ)/Tin nhà trường/
VẺ ĐẸP PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

Phụ nữ Việt Nam là nguồn nhân tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam. Lịch sử đã và luôn minh chứng sự hiện diện của phụ nữ trong các vai trò quan trọng của xã hội và qua các thời kỳ lịch sử.

Qua hàng ngàn năm lịch sử, phụ nữ Việt Nam cống hiến rất nhiều cho nền độc lập, thống nhất dân tộc. Với sự mở đầu trang sử là cuộc chiến chống quân xâm lăng của Hai Bà Trưng bằng lời thề xuất quân:

Một xin rửa sạch nước thù,

Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng,

Ba kẻo oan ức lòng chồng,

Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.

Vài thế kỷ sau người thiếu nữ Triệu Thị Trinh tự khẳng định là một nhi nữ hào kiệt, "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông." Từ các cuộc chiến tranh anh hùng của nước nhà đã sinh ra những phụ nữ đảm đang, bất khuất, để lại danh tiếng cho các đời sau như Nguyễn Thị Minh KhaiVõ Thị SáuMạc Thị Bưởi,  Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị ĐịnhNguyễn Thị BìnhNhất Chi MaiNguyễn Thị Út (Út Tịch)…

Các cuộc chiến tranh sau này xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu trong khó khăn gian khổ. Họ là những con người gan dạ không quản ngày đêm và bom đạn, vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng cho chiến tranh. Tinh thần của họ là"Ruộng rẫy như chiến trường, cuốc cày như vũ khí", gồm có hàng vạn nữ nông dân và công nhân "tay cày, tay súng", "tay búa, tay súng" làm nên một hậu phương vững chắc, trên ruộng đồng, công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ...

Họ là những phụ nữ ba đảm đang, ba sẵn sàng việc nước, việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc. Đã có biết bao bà mẹ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im (Tạ Hữu Yên). Có mẹ ở Hà Bắc đã vá hơn hai trăm chiếc áo cho bộ đội, chiến sĩ: 

Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc

 Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc

 Quần nhau với giặc, áo con rách thêm

 Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo

Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo

Đời mẹ nghèo thương áo rách/ Áo rách nên thương.

(Nguyễn Văn Tý).

Người mẹ trong bài thơ “Đất quê ta mênh mông”  của Dương Hương Ly đã:

          Ðào hầm từ lúc tóc còn xanh

Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc

 Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác

 Bao đêm ròng tiếng cuốc vọng năm canh.

Tấm lòng mẹ rộng mênh mông như luỹ như thành, có thể dấu cả sư đoàn dưới đất.

Chính những việc làm tưởng như nhỏ nhoi của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên một Dáng đứng Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam tạc vào thế kỷ. Những bà má ở Hậu Giang, bà Bầm ở Trung du, bà Bủ ở Việt Bắc, mẹ Tơm ở Thanh Hoá, mẹ Suốt ở Quảng Bình, chị Út Tịch ở Cầu Kè, Trà Vinh… và biết bao các mẹ, các chị đã đi vào thơ ca, nhạc, hoạ. Chị Út Tịch với quyết tâm đánh Mỹ đến cùng Còn cái lai quần cũng đánh. Những cô gái người Pa cô, Vân Kiều đi tải đạn, và tay vót chông miệng hát không nghỉ. Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tuổi đẹp như trăng rằm từ 18 đến 20 đã ngã xuống để làm xanh một khoảng trời con gái (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhiều cô gái Em ở nông trường hay ra biên giới miệng vẫn hát vang lời ca Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! Những cô giáo ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay ở vùng sâu, vùng xa hy sinh cả tuổi xuân để đem chữ Cụ Hồ tới đàn em thơ ở các bản làng dân tộc xa xôi, hẻo lánh.

Người phụ nữ bước ra từ các cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, được nhân dân và nhà nước Việt Nam tôn vinh là những nữ anh hùng và những bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng 8 chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".  

Trên bất kỳ lĩnh vực nào, ở giai đoạn lịch sử nào ta cũng đều bắt gặp tên tuổi của những phụ nữ nổi tiếng, làm vẻ vang dân tộc. Cả thế giới đều tôn vinh phụ nữ. Chúng ta hãy nhìn lại những quan niệm về vẻ đẹp của người PNVN xưa và nay. Vẻ đẹp ấy biểu hiện qua hình thể, lý tưởng và lẽ sống, trí tuệ và tâm hồn. Hay nói một cách khác đó là vẻ đẹp về hài hoà giữa hình thức và nội dung

Mặc dù bị ảnh hưởng không ít từ các nền văn hóa ngoại quốc trong suốt hàng nghìn năm bị đô hộ, phụ nữ Việt Nam vẫn giữ gìn được nét đẹp vốn rất riêng cho họ khi hiếm quốc gia nào có được. Xã hội càng ngày phát triển, con người càng văn minh nhưng những đức tính truyền thống của người phụ nữ từ nông thôn đến thành thị vẫn nguyên giá trị, đó chính là những vẻ đẹp trong gia đìnhxã hội; vẻ đẹp người làm vợ, làm mẹ… vẻ đẹp ý nhị, lịch sự...

Những nét đẹp hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với những đức tính truyền thống tạo nên dáng vẻ và tính cách mang ý nghĩa với bản chất thuần Việt, tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ Á Đông.

Người phụ nữ ngày nay là những công dân bình đẳng trong cộng đồng xã hội đó. Sống có trách nhiệm với cộng đồng, có hoài bão và nỗ lực trong công việc, đã thể hiện phẩm chất đạo đức của chữ Hạnh. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, thước đo về chuẩn mực đạo đức đã có sự đổi khác, khi xét Tứ đức người phụ nữ cần có sự hiểu biết nhất định về hoàn cảnh lịch sử trong các giai đoạn để có ứng xử phù hợp, sự kế thừa và phát triển thêm những giá trị đạo đức ở người phụ nữ trong cuộc sống ngày nay cho phù hợp với thời đại, cũng là vấn đề mà xã hội đang quan tâm.

 

Tác giả: c2donglo

Xem thêm

Văn bản mới

VŨ KHÚC SÂN TRƯỜNG
TIẾT MỤC VĂN NGHỆ: CỐ GIÁO EM LÀ HOA Ê BAN
KỶ NIỆM 9A NIÊN KHÓA 2014-2018
  • Thông báo
  • Ba công khai
Website Đơn vị