Tin tức/(Trường THCS Đông Lỗ)/Tin nhà trường/
'Thưa đồng nghiệp, vợ chồng tôi thạc sĩ lương không đủ sống'

"Thưa đồng nghiệp, vợ chồng tôi thạc sĩ lương không đủ sống"

Nên có chính sách để những người được đào tạo công phu, làm đúng nghề, hễ càng tận tâm, tận lực, càng được đãi ngộ cao; hay là hùa nhau "góp ý" làm thêm nghề khác, để đủ sống?

Chuyện muôn thuở, giảng viên đại học bán xôi hay không bán xôi, nói rộng ra là có nên làm nghề tay trái không liên quan chuyên môn, gần đây lại được đem ra tranh cãi. Ngồi xem dư luận, không thiếu những ý kiến, kiểu, nghề nào cũng đáng quý như nhau; rằng, lương không đủ sống thì giữ sĩ diện làm chi. Tất thấy một số điều không thể không bàn.

Có nghề, ta mới có bề vẻ vang

Trước năm 1945, dưới thời thuộc Pháp, học sinh tiểu học đã được học bài Yêu Nghề, dịch từ văn học Pháp, mà sau 70 năm, tôi vẫn thuộc:

Mỗi người chăm sóc một nghề

Có nghề ta mới có bề vẻ vang.

Nghề nào càng lợi dân bang

Lại càng đáng trọng, lại càng đáng yêu

...

Thầy bảo: Người dịch là cụ Nguyễn Văn Vĩnh và giảng kỹ: Đã chọn nghề để hành nghề cả đời thì phải "chăm sóc" nghề của mình. Thầy giáo tiếp: Đó là trau dồi nghề cho tinh thông, tận tâm với nghề, và truyền nghề để nghề khỏi mai một đi...

Bài thơ trên cũng khẳng định: Không phải các nghề đều đáng trọng như nhau. Mà, nghề nào càng làm lợi cho dân, cho nước (bang)... càng đáng trọng. Thầy giảng rất kỹ 3 cái chữ "càng" trong câu thơ.

Sĩ diện và kẻ sĩ

“Sĩ diện”, danh từ này, cách nay hàng trăm hoặc ngàn năm, đã nhảy vào nằm trong kho từ vựng của ta rồi. Nghĩa ban đầu của sĩ diện chỉ đơn giản là thể diện của kẻ sĩ. Xin nói ngay để tránh những ý kiến lạc đề: Ai cũng có thể diện; bất cứ ai cũng cần giữ thể diện của mình. Sĩ diện là danh từ, ví dụ trong câu: Giảng viên đại học có nên gạt sĩ diện để đi bán xôi? Nhưng nhiều khi nó được dùng như động từ, để mỉa mai những người quá tự tôn (ví dụ, câu: Cái bà giảng viên đại học kia chỉ sĩ diện hão).

Bàn tiếp: Thời xưa (cổ hủ) trong xã hội có một tầng lớp gọi là "kẻ sĩ" - nếu đúng nghĩa, đó là tầng lớp tinh hoa của xã hội; thật sự được xã hội kính trọng. Dường như, họ càng phải giữ thể diện hơn người khác. Không cứ nước ta, nước Nga trước 1917 cũng có một từ tương ứng "giới kẻ sĩ". Vấn đề là thời nay có còn "kẻ sĩ" nữa hay không? Có lẽ không còn nữa.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trời xếp loại: Các nền văn minh

Bác nông dân đào mương bằng xẻng, miệt mài, mồ hôi tuôn ra như tắm, sức lao động bỏ ra tương đương 6000 Calo. Cả ngày, bác đào-đắp được 20 m3 đất.

Bác công nhân dùng máy xúc, chăm chỉ, mồ hôi ướt lưng, sức lao động bỏ ra tương đương 4000 Calo, năng suất là 200 m3/ngày (gấp 10 bác nông dân).

Câu hỏi tiếp: Ai sáng tạo cái máy xúc để bác công nhân có công cụ làm việc?

Quy luật tiến hóa nhân loại là: Thoạt đầu từ chỗ "mông muội" nhờ tích lũy tri thức, loài người kiến tạo nên nền văn minh nông nghiệp. Bước tiếp, cũng do tích lũy tri thức, máy móc thay dần các công cụ cầm tay, nhiên liệu thay cho sức kéo của súc vật..., loài người bước vào văn minh công nghiệp. Đến nay, nền văn minh tri thức đã ló dạng - khi ở nước Mỹ tỷ lệ công nhân (áo) cổ trắng đã cao hơn tỷ lệ công nhân mặc áo cổ xanh.

Đãi ngộ thế nào là công bằng?

Mọi nghề đều đáng quý, nhưng có nghề cần học nhiều (đầu tư thời gian, công sức, chi phí...), có nghề chỉ cần đủ sức khỏe tối thiểu và chỉ cần học... lỏm. Có nghề ngày xưa bị coi thường, nay ngược lại. Ví dụ diễn viên hề. Vậy, đãi ngộ nghề nghiệp thế nào là công bằng? Tất nhiên, công bằng không phải là bình quân đãi ngộ; thậm chí "văn hay, chữ tốt không bằng học dốt nhiều tiền" (câu tục ngữ của một thời chưa xa).

Đáng bàn là chuyện "ngày xưa". Từ xưa, các cụ ta cho rằng... có những nghề, xã hội phải đãi ngộ để người ta "đủ sống". Nếu không, hậu quả sẽ không nhỏ đối với xã hội.

Đó cũng chính là những nghề mà xã hội đòi hỏi người hành nghề phải toàn tâm trau dồi cho tinh thông, tận tâm vì nghề và giữ lương tâm nghề nghiệp. Không phải bỗng dưng mà có quy định những nghề phải có lời thề nghề nghiệp.

Bởi vậy những người làm nghề này tuy không có cơ hội giàu "nứt đố, đổ vách"; nhưng để bù lại, họ phải được sung túc và được xã hội kính trọng. Ví dụ, nghề quân nhân, nghề thầy thuốc, nghề xử án... Ông thày dạy võ bắt môn sinh phải thề "chỉ sử dụng võ để bảo về kẻ yếu". Ngành y thì có lời thề thầy thuốc.

Giờ cứ thử hỏi vui: Một vị chánh án, nếu không đủ ăn, liệu có thể làm thêm bất cứ nghề nào lương thiện (ví dụ, nghề diễn vai hề; nghề bưng bê trong nhà hàng)?.

Còn câu hỏi nghiêm túc là: Nghề thầy giáo - dưới cơ chế hiện hành coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu - có thuộc loại trên hay không? Hay nói cách khác, nên có chính sách để những người được đào tạo công phu, làm đúng nghề, hễ càng tận tâm, tận lực, càng được đãi ngộ cao; hay là hùa nhau "góp ý" làm thêm nghề khác, để đủ sống?

Hay là vứt bỏ sĩ diện, tới mức dám tuyên bố khắp...

Cứ mỗi lần kết thúc bài giảng (hoặc mỗi khi bế mạc Hội Đồng chấm luận văn tốt nghiệp), giảng viên đại học dám đứng lên, mời mọi người nán lại vài phút để nói thêm câu sau đây (đại ý):

Thưa các vị đồng nghiệp, thưa các bạn sinh viên! Lẽ ra các vị, các bạn có thể ra về, nhưng xin nán lại một phút nghe tôi nói về cái nghề thứ hai của tôi: Lương của vợ chồng tôi không đủ sống cho một gia đình 2 con, cả chồng và vợ là thạc sĩ, giảng viên đại học.

Rằng tôi làm thêm nghề bán xôi vì được mọi người góp ý rằng thời ta nghề nào cũng vinh quang. Tôi xin khẳng định, tôi bán xôi vào thời gian mà lẽ ra tôi được nghỉ ngơi, không lấy giờ nhà nước. Tôi đem theo đây cả một nồi xôi nóng, đảm bảo vệ sinh, ngon và rẻ. Ai cần ăn xôi, xin cứ ra cổng trường, sẽ nhận ra chồng tôi (cũng là thầy các bạn) đang đứng bán xôi ở đó.

Theo GS.NGND. Nguyễn Ngọc Lanh


Tác giả: GS.NGND. Nguyễn Ngọc Lanh

Xem thêm

Văn bản mới

VŨ KHÚC SÂN TRƯỜNG
TIẾT MỤC VĂN NGHỆ: CỐ GIÁO EM LÀ HOA Ê BAN
KỶ NIỆM 9A NIÊN KHÓA 2014-2018
  • Thông báo
  • Ba công khai
Website Đơn vị