Thứ hai, 20/05/2024 21:43:31
Gương người tốt việc tốt

Ngày: 08/05/2017

       Khi những chiếc lá phượng nhỏ li ti nhẹ rơi theo gió, lấp lánh, lấp lánh theo cái quy luật của thời gian, cho đến khi bông phương rực lửa đỏ cả sân trường. Đàn ve có lẽ chúng khá khôn ngoan núp mình trong chùm lá xanh ngát kia, để có không gian, thời gian dạo lên những bản tình ca sâu lắng, khiến cho lòng người vui hay buồn gì cũng chẳng đoán được nữa . Thì khi ấy, con người ấy, gương mặt ấy, ánh mắt đượm buồn ấy, và cô giáo ấy lại sáng lên.

      Khi lá phượng rơi đến khi bông phượng rực lửa đỏ cả sân trường

       Chiều nay, sau buổi dạy, như thường lệ cô giáo ấy tung tăng trong khuôn viên trường, dạo bộ và ngắm những bông mẫu đơn đỏ thắm, bông dâm bụt vàng tươi, bông nhài trắng tinh khôi. Cô chọn bông thật đẹp chụp vào điện thoại rồi lại nhoẻn cười, cô cười gì không biết, chỉ nhìn cô cười đủ biết cô đang vui, cái vui cái vô tư của cô được rèn rũa theo tháng năm trên bục giảng. Cái nghề đi với cái nghiệp, cái nghiệp trồng người cao quý còn hơn những gì mà bấy lâu nay người ta tôn vinh trên sách vở. Có lẽ đâu đấy ai đó chưa hiểu, chưa xót xa thông cảm cho cái nghề. Cứ nhìn cô là thấy cả một khoảng trời mênh mông tình nghĩa. Sâu thẳm trong tâm hồn trong sáng ấy là sự nhọc nhằn lo toan ít ai biết được.

                            Cô ngắm bông dâm bụt vàng tươi

       Kí ức cô ấy trong mình ùa về làm mình thấy xót xa cho thân phận của người đàn bà hai sương một nắng, nhọc nhằn với những lo toan. Thương cô nhiều lắm! Mến phục trước nghị lực phi thường đó. Mình xin được chia sẻ với các bạn về tấm gương cô ấy, đồng nghiệp của mình. Cô giáo Trần Thị Hằng- Giáo viên Trường Tiểu học Thường Thắng, Huyện Hiệp Hòa, Tỉnh Bắc Giang. Giống như các cô giáo cùng trang lứa khác, Năm 1995 cô tốt nghiệp . Hai mươi tuổi cô bắt đầu bước chân trên bục giảng, dòng chữ viết còn chưa được thẳng vì ngày đó bảng đen không có dòng kẻ. Yêu cái nghề, là động lực thôi thúc cô phải quyết tâm say sưa vì nó. Tuổi trẻ kinh nghiệm giảng dạy gần như chưa có. Không biết thì phải học thôi, cô nói vậy. Mười năm liền cô giữ chức vụ là Phó bí thư, Bí thư chi Đoàn Nhà trường. Học chẳng bao giờ là thừa nên năm 2000 mặc dù mới kết hôn và sinh con, cô quyết tâm đi học Đại học sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội để nâng cao trình độ, nâng cao tri thức. Năm 2005 cô tốt nghiệp và cũng là lúc cô hạnh phúc chào đón đứa con thứ hai. Những tưởng cô sẽ là người hạnh phúc nhất vì có một gia đình hoàn hảo, hai con một gái, một trai. Chẳng ai ngờ được cô chia tay chồng trong sự ngỡ ngàng của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè. Chúng tôi thay phiên nhau tới nhà, động viên, an ủi, sợ cô suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô nói cái duyên cái nợ chỉ được đến đây thôi. Vì con vẫn phải sống tốt cho con học tâp chứ ! Khó khăn chồng chất khó khăn khi mà một mình cô bươn chải nuôi dạy hai con với đồng lương ít ỏi. May mắn hai con của cô rất ngoan và thương mẹ, chăm chỉ học tập, học giỏi và biết giúp đỡ mẹ công việc nhà. An ủi, động viên khi mẹ không vui. Chăm sóc khi mẹ ốm đau.

                    Các con là động lục sống và làm việc của cô

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chỉ có tiết kiệm chi tiêu mới giúp cho cuộc sống của ba mẹ con cô ổn định. Không đầu hàng số phận. Bắt đầu từ đây cô thay đổi hoàn toàn. Mạnh mẽ, cứng rắn hơn. Tập trung vào công việc là cách tốt nhất làm cho cô vui. Cô vui vì nỗ lực của cô được đền đáp. Nhiều năm liền học sinh của cô tham gia giao lưu Olympic Tiếng Anh, giao lưu nghe nói giỏi Tiếng Anh được giải cao cấp huyện, tỉnh. Bản thân cô phấn đấu là giáo viên dạy giỏi các cấp. Bài giảng trực tuyến của cô được giải khuyến khích cấp tỉnh và được chọn đi thi Quốc gia. Chi bộ, Đảng bộ khen cô là Đảng viên nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng năm cô đều được Hội phụ nữ huyện khen là giáo viên giỏi việc nước, đảm việc nhà.

                                                                               Giấy khen của Đảng bộ

Điều đặc biệt ở cô là sự chân thành, tận tụy, trách nhiệm trong công việc, hết mình vì bạn bè, đồng nghiệp và học sinh thân yêu. Bởi vậy ai cũng quý mến, tin yêu và cảm phục cô, nhất là phụ huynh học sinh. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của trường, địa phương cô tham gia rất tích cực. Cô không giỏi môn thể thao nào cả nhưng lại rất thích được hòa chung với mọi người để tăng cường tình thân, tình đoàn kết. 

                                   

                   Cô Trần Thị Hằng tham gia hát biểu diễn văn nghệ với công đoàn ủy ban xã trong buổi Lễ kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ( Ngoài cùng bên phải)

Để đạt được những thành tích đáng nể như của cô là cả một quá trình phấn đấu, vươn lên trong công việc. Áp lực công việc thế nào cô vẫn cười vui vẻ trêu đùa mọi người cho bớt căng thẳng.  Không ngại khó, ngại khổ, cô sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người mà không nề hà. Nhiều người không hiểu sao cùng một lúc cô có thể làm tốt được tất cả mọi việc như vậy! Ai hỏi cô cũng lại chỉ cười. Đó là một tình yêu cháy bỏng với nghề làm giáo dục. Khi đã yêu và say nghề thì mọi rào cản không còn là trở ngại với cô. Trong chuyên môn cô luôn tự mình trau dồi kiến thức, không hiểu cô nhất định sẽ hỏi bạn bè cho bằng hiểu thì thôi. Các buổi tập huấn do Sở giáo dục, Phòng giáo dục tổ chức cô tham gia tích cực. Vì cô nói rất bổ ích và lí thú.  Khiêm tốn, chịu khó, nhiệt tình, đam mê trong công việc chỉ là nền tảng tạo đà phát triển. Giữ được cái nghề để cho mọi người kính trọng và nể phục thì nhất định cái tâm và cái đức phải đặt lên hàng đầu bởi lẽ với cô học sinh là tất cả. 

                                                   Cô tham gia “ English Festival” cùng học sinh.

Đặc thù chuyên môn của cô là Tiếng Anh. Ngôn ngữ quốc tế, không phải tiếng mẹ đẻ nên không dễ dàng dạy cho học sinh hiểu. Cô xin mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của cô như sau: Hàng tuần cô đều giành thời gian đi dự giờ đồng nghiệp trường bạn để học tập kinh nghiệm giảng dạy. Mỗi tháng cô cùng đồng nghiệp trong huyện sinh hoạt chuyên môn trong cụm để tìm ra những đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Mỗi người có một phương pháp dạy học, một cách thức tổ chức các hoạt đông riêng. Cái gì hay thì cô học tập, cái chưa hay cô cùng đồng nghiệp rút kinh nghiệm. Tổ chức các sân chơi trí tuệ cho học sinh. Giao lưu nghe nói Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp. Tích cực tham gia các buổi hoạt động ngoại khóa. Nghiên cứu tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi. Động viên học sinh mạnh dạn, tự tin trong học tập. Đưa học sinh sang trường bạn giao lưu. Ghi chép lại những điều tâm đắc và chưa tâm đắc trong quá trình giảng dạy trên lớp, phát huy và khắc phục. Quan tâm, yêu thương, nắm bắt kịp thời tâm sinh lí học sinh có hướng điều chỉnh phù hợp. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, Đoàn đội, với phụ huynh học sinh trong quá trình dạy học để tìm ra biện pháp giáo dục tốt nhất. Tự học tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 

    Một buổi học ngoại khóa của cô và đồng nghiệp với giáo viên nước  ngoài ( Cô Trần Thị Hằng ngoài cùng bên trái)

Hiểu được tâm tư và nguyện vọng của cô Trần Thị Hằng, để bắt nhịp và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là môn Tiếng Anh cô mong muốn mình được tham gia học tập, tập huấn nhiều hơn với các giáo viên nước ngoài để học tập phương pháp giảng dạy. Cung cấp các trang thiết bị dạy học hiện đại hơn để phục vụ cho việc giảng dạy có hiệu quả. Giảm tải lượng kiến thức cho học sinh.  Không tổ chức các cuộc thi bằng cấp gây hoang mang và áp lực cho giáo viên.

             

                                 Giây phút trò chuyện với học sinh

      Một năm học nữa lại trôi qua, cô thêm một tuổi nghề, mắt có thể mờ, chân có thể chậm, nhưng tình yêu và sự đam mê cháy bỏng được đứng trên bục giảng của cô vẫn còn mãi với thời gian. Ánh chiều tà dần ngả phía tây, cơn gió nhẹ thoảng qua mát dịu. Quang cảnh sân trường sau buổi học thật tĩnh mịch, cô ra về với lời chào ý ới nghe vừa quen thuộc vừa thân thiện, rung động lạ thường “ Về thôi bà ơi !”. Bỏ lại trong tôi những cảm phục đan xen.  Mong cô có nhiều sức khỏe cho ước mơ của cô bay cao, bay xa. 

 

 

Nguyễn Thị Cánh
Tin liên quan