Tin tức : DIỄN ĐÀN NHÀ GIÁO

Đánh giá học sinh theo Thông tư 22 - Những thuận lợi và khó khăn

Ngày đăng : 04-10-2016

        

        Thông tư 30 ra đời ngày 28/8/2014,  thực hiện Thông tư 30 là một bước đột phá trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đặc biệt là việc thay đổi quan điểm đánh giá từ bằng điểm số sang đánh giá bằng cả quá trình học tập của HS.  Đây là cách đánh giá phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục, đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh tự tin, thích học, học tốt, không so sánh học sinh này với học sinh khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình.

Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 nhằm kịp thời điều chỉnh và khắc phục những hạn chế, bất cập của Thông tư 30 đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của cán bộ, giáo viên nhà trường.

Vẫn giữ nguyên tinh thần nhân văn

Thầy Triệu Văn Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc giữ nguyên nội dung Điều 1, Điều 2;  Điều 3 thay từ  “đánh giá” bằng từ “nhận xét”, Điều 4 sửa đổi tên điều và sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều thể hiện rõ hơn tính nhân văn đó là đánh giá vì sự tiến bộ, vì sự phát triển của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác”.

Giáo viên thuận lợi hơn khi đánh giá học sinh

Về đánh giá thường xuyên về học tập, việc đánh giá theo 3 mức: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, xét về mặt tâm lý, 3 mức này nhìn nhận cụ thể hơn kết quả phấn đấu của học sinh.  Đồng thời cung cấp cho giáo viên những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn; giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.  

Đánh giá sự hình thành và lực, phẩm chất của học sinh: Thông tư 22 viết gọn lại thành 2 nhóm:

a) Năng lực: tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề;

b) Phẩm chất: chăm học, chăm làm; tự tin, trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương.”

 Điều này giúp giáo viên dễ dàng hơn trong đánh giá, đồng thời tránh được những hiểu lầm, sự suy diễn, ấp đặt lối suy nghĩ theo kiểu người lớn như ở Thông tư 30. Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức:  Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt). Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tốt để các em ngày một tiến bộ hơn.

Học sinh có động lực phấn đấu, cha mẹ học sinh dễ dàng nhận ra con mình ở mức nào.

Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Giáo viên lớp 3 nêu ý kiến: “Động cơ học tập bên trong là bản thân tri thức và phương pháp lĩnh hội tri thức, những mong muốn, khát khao chiếm lĩnh tri thức có vai trò quyết định đến kết quả học tập của học sinh. Tuy vậy không thể không kể đến động cơ bên ngoài. Nhất là ở tiểu học, học tốt để đáp ứng mong đợi của cha mẹ, học tốt để được cô khen, để được bạn bè tôn trọng, yêu mến là suy nghĩ, là động lực để các em học tốt hơn. Việc đánh giá học sinh theo 3 mức; lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra giữa kì; việc khuyến khích học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập; quy định về khen thưởng khá rõ ràng giúp học sinh tự nhận ra mình có điểm mạnh gì, thiếu hụt những gì về kiến thức kĩ năng để cố gắng phấn đấu. Bên cạnh đó, thái độ ân cần niềm nở, vui mừng khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ, những lời khen của cô khi học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập rèn luyện là động lực để các em ngày càng cố gắng hơn.  

Việc đánh giá học sinh xếp làm 3 mức hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, cũng như việc khen thưởng theo Thông tư 22 cũng giúp cha mẹ học sinh nhận rõ hơn con mình đang ở mức nào. Bởi  tâm lý chung của cha mẹ học sinh vẫn còn hết sức quan tâm đến thành quả học tập, rèn luyện của các con sau một năm học. Nhiều bậc làm cha mẹ tỏ ra băn khoăn, lo lắng và bối rối khi thấy các con mỗi em được khen một kiểu vào dịp cuối năm”.

Giáo viên được chủ động trong việc ghi chép sổ sách.

Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá chỉ bao gồm  Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Mặt khác trong đánh giá thường xuyên, giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh,  dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết. Thay đổi này  giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

          Giáo viên dễ dàng viết giấy khen, hội khuyến học, các tập thể, cơ quan doanh nghiệp, dòng họ thuận lợi khi tổ chức khen thưởng.

Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá và khen thưởng đột xuất, học sinh có thành tích đột xuất trong năm học.Quy định như vậy vừa cụ thể cụ thể hơn vừa giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

 Trao đổi về nội dung này, ông Tạ Văn Giang - Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh của trường cho biết: “Dòng họ nhà tôi hàng năm đều có phần thưởng để động viên các cháu. Trước đây, tiền thưởng được quy định theo các mức ghi trên giấy khen. Các cháu đạt danh hiệu Học sinh giỏi mức tiền khác các cháu có giấy khen đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Hai năm gần đây chúng tôi rất lúng túng khi tổ chức khen thưởng cho các cháu. Mặc dù việc tặng giấy khen của nhà trường là đúng quy định, các cháu tốt ở mặt nào khen mặt đó, nhưng phụ huynh ở nhà vẫn băn khoăn. Vì vậy việc thay đổi như hiện nay sẽ giúp Hội khuyến học, các tập thể, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, dòng họ thuận lợi khi xác định mức khen và tổ chức khen thưởng cho học sinh”.

Còn cô Đồng Thị Chính – Giáo viên lớp 4 nêu ý kiến: “Khi nghiên cứu Thông tư 22, tôi nhận thấy vẫn còn băn khoăn ở một số điểm sau:

Giáo viên khó tìm các biểu hiện và khó khăn khi phân ranh giới giữa các mức đánh giá.

Khi đánh giá định kì kết quả học tập, ranh giới giữa mức hoàn thành tốt: “thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục” và Hoàn thành “thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục” khá mơ hồ. Để đánh giá chính xác đòi hỏi giáo viên trong quá trình đánh giá thường xuyên phải thu thập nhiều minh chứng. Bên cạnh đó, kết quả học tập của học sinh tiểu học  thường thiếu tính ổn định, có thể hôm nay các em hoàn thành tốt, đạt điểm 9 -10 nhưng ngày mai lại không hoàn thành, đạt điểm kém.

Việc đánh thường xuyên từng năng lực, phẩm chất của học sinh hoàn toàn là định tính và đến khi đánh giá định kì được lượng hóa theo 3 mức:

a) Tốt: đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên;

b) Đạt: đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên;

c) Cần cố gắng: chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.”

cũng tạo ra khó khăn cho giáo viên khi đánh giá. Để được xếp loại Tốt thì mỗi học sinh phải “đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên” ở cả 4 năng lực và 8 phẩm chất. Còn loại Đạt: thì mỗi học sinh ít nhất phải đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên ở cả 4 năng lực và 8 phẩm chất. Do vậy đề nghị  Bộ có văn bản chỉ đạo, hướng hướng dẫn cụ thể  để giáo viên đánh giá được chính xác và bớt khó khăn khi thực hiện.

         Giáo viên các môn chuyên liệu đánh giá có chính xác tất cả học sinh ?

Thông tư 22 quy định khi đánh giá thường xuyên, giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết. Đối với giáo viên dạy các môn văn hóa, điều này khá phù hợp bởi cô có nhiều thời gian bên học sinh, số lượng học sinh chỉ là học sinh trong một lớp nên có thể nhớ hết đặc điểm của từng em học sinh. Còn giáo viên dạy các môn chuyên có thể phải dạy đến hàng nghìn học sinh nếu chỉ ghi chép, nhận xét khi cần thiết thì khi đánh giá định kì, liệu có nhớ được từng học sinh để đánh giá được chính xác ?

                                                                                     

 

c1maitrung2

Xem thêm...
TRẢI NGHIỆM: 'UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN'
TUYỂN TẬP DÂN CA QUAN HỌ
Dân ca quan họ lời cổ hay nhất
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO-TÌM HIỂU NHÀ TRƯỜNG

Website đơn vị