Tin tức : DIỄN ĐÀN NHÀ GIÁO

Biết lắng nghe và chia sẻ

Ngày đăng : 28-11-2014

Với nghề dạy học, đối tượng và sản phẩm của lao động là con người. Một người thầy có nhân cách tốt, có cái tâm sáng sẽ là tấm gương giàu sức thuyết phục nhất đối với học sinh của mình. Một trong những biểu hiện của một thầy có nhân cách, có tâm, có tầm và cũng là một phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo. Đó là Biết lắng nghe, biết chia sẻ.
Biết lắng nghe, biết chia sẻ thể hiện thái độ chân thành, sự tôn trọng và hơn thế nó giúp mỗi con người học hỏi được nhiều điều, nâng cao tầm hiểu biết; mới thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm, những hiểu biết, cả những khó khăn mà mình gặp phải.
 
 Trong quá trình làm việc, người thầy phải giao tiếp với cấp trên, với đồng nghiệp, với phụ huynh, đặc biệt là thường xuyên giao tiếp với học sinh. Phẩm chất Biết lắng nghe, biết chia sẻ thể hiện rõ nhất khi thực hiện quá trình giao tiếp với các đối tượng này.
 
 Với học sinh, nó thể hiện ngay từ trong các giờ học. Xin nêu một vài ví dụ: Tiết học của giáo viên A: cô thuyết trình gần như từ đầu đến cuối, ít, thậm chí không chú ý xem học sinh có chú ý nghe không, bỏ qua những phản ứng nho nhỏ của các em như ngoảnh sang bên cạnh, to nhỏ thì thầm với bạn…Còn khi học sinh phát biểu, cô thường nói : “Sai rồi, em ngồi xuống, cô mời em khác phát biểu”, “Có em nào có ý kiến khác không ?” hoặc “Có em nào muốn phát biểu thêm không ?”. Những câu nói như vậy khiến học sinh nhận ra rằng câu trả lời của các em không phải là những câu mà cô mong đợi, làm cho các em thất vọng, ngại không dám phát biểu, không còn hứng thú học tập nữa. Còn tiết học của cô giáo B : Sau khi lắng nghe học sinh phát biểu, cô thường khuyến khích : “Ý kiến của em rất hay, em tự nghĩ ra phải không ?”, “Ý kiến của em rất mới mẻ, em dựa vào đâu vậy ?”, “Đúng rồi, em đã tìm hiểu nội dung này từ sách giáo khoa phải không ?” hoặc “Bạn A đã phát biểu tương tự như thế, có gì khác giữa ý kiến của em và của bạn không ? Em có muốn giải thích thêm gì không ?”. Cách nói như vậy sẽ giúp các em không bị mặc cảm, e ngại vì mình trả lời sai mà luôn cảm thấy câu trả lời của mình được cô và các bạn mong đợi, lắng nghe. Các em sẽ mạnh dạn, tin tưởng và có mong muốn chia sẻ ý kiến của mình với cả lớp.
 
Người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ bao giờ cũng là  người có khả năng bao quát lớp tốt, hiểu những lỗi sai của  học sinh, biết cách giúp các em sửa sai, biết kiên trì chờ đợi, và biết khuyến khích học sinh tìm tòi khám phá.kiến thức mới.
 
Xin nêu một ví dụ khác về cách ứng xử của hai giáo viên đối với một tình huống trong giờ học Toán, học sinh M lên bảng làm một bài toán bị sai
 
Cô A : Cho học sinh M về chỗ và gọi học sinh khác nhận xét chữa bài. Xong cô biểu dương em học sinh vừa chữa bài và nói với học sinh M: “Em làm sai rồi, bài giải đúng phải như của bạn, lần sau chú  ý suy nghĩ kĩ nhé.”
 
Ở lớp bên cạnh, Cô B : Sau khi cho học sinh khác nhận xét, cô nói : “Có điều gì đó chưa ổn trong cách làm của em. Em hãy nói cho cô cách làm của mình xem nào.” Sau khi nghe học sinh trình bày cách làm, cô giúp H phát hiện ra chỗ sai rồi cho em lên tự sửa lại bài của mình. Cách làm của cô B thể hiện cô là người rất hiểu, thương yêu, tôn trọng học sinh, biết lắng nghe và chia sẻ, biết chờ đợi từ học sinh. Hiệu quả học tập của học sinh thế nào từ cách dạy của hai giáo viên hẳn ai cũng có thể đánh giá được.
Ngoài giờ học, người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ thường tạo mọi điều kiện để tìm hiểu học sinh, kể cả trong giờ chơi, lúc sinh hoạt, khi vui liên hoan văn nghệ vv…Vì thế, họ chiếm được tình cảm, niềm tin của các em. Học sinh coi họ như người bạn lớn để tâm sự, để sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, những ước mơ, hoài bão, những khó khăn trong học tập, trong cuộc sống…Vì vậy họ càng hiểu mình phải làm gì, làm như thế nào để các em tiến bộ.
 
Đối với đồng nghiệp, cấp trên, biết lắng nghe, biết chia sẻ sẽ tạo ra sự tin tưởng, thái độ chân thành, sự tôn trọng từ mọi người. Điều này thể hiện rõ nhất trong những giờ sinh hoạt chuyên môn. Người giáo viên biết lắng nghe, biết chia sẻ bao giờ cũng nghe nhiều hơn nói. Họ thu thập thông tin từ các đồng nghiệp khác, từ các em học sinh trên lớp, để chắt lọc lại thành kinh nghiệm của bản thân. Và họ hiểu cần phải nói như thế nào trong khi rút kinh nghiệm để đồng nghiệp tiếp thu  ý kiến từ họ một cách thoải mái, dễ dàng. Nhờ vậy những giáo viên này thường học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp và nhà quản lý những kiến thức trong công tác chuyên môn cũng như trong cuộc sống và chia sẻ với đồng nghiệp những vấn đề mà họ quan tâm.
 
Biết lắng nghe, biết chia sẻ chỉ là một trong nhiều việc làm thể hiện phẩm chất tốt đẹp của một người thầy có tâm. Phẩm chất ấy là cơ sở, là tiền đề để người thầy nâng cái “tầm” của mình lên, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Năm học 2014 -2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT quy định về việc đánh giá đối với học sinh tiểu học. 
 
Đối với đánh giá về học tập, quy định mới đã bãi bỏ việc dùng điểm số để đánh giá thường xuyên, đồng thời bãi bỏ việc xếp loại học tập theo thang Giỏi - Khá - Trung bình... như trước đây.
 
Đánh giá về hạnh kiểm được thay thế bằng việc đánh giá về năng lực và phẩm chất của học sinh như khả năng tự phục vụ, tự quản; giao tiếp và hợp tác; tính chăm chỉ, tự tin, tự chịu trách nhiệm...
 
Đặc biệt, trong hướng dẫn đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển năng lực của học sinh có ghi rõ: “Ứng xử thân thiện, chia sẻ với mọi người; lắng nghe người khác.” 
 

 
Lắng Nghe
 
 Điều này đòi hỏi ở mỗi thầy cô không những là tấm gương về biết lắng nghe và chia sẻ mà còn phải là người hàng ngày, hàng giờ, trong từng bài học quan tâm hướng dẫn, tạo cơ hội để các học cách lắng nghe và chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Đặc biệt là lắng nghe chủ động. 
 
Đối với giáo viên, lắng nghe chủ động là một kỹ năng cơ bản trong dạy học. Khi lắng nghe chủ động, giáo viên không chỉ nghe các từ để hiểu nghĩa mà còn để  khuyến khích sự tham gia của học sinh, thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết của mình về học sinh. Khi giáo viên chăm chú lắng nghe, họ cũng cảm nhận đ¬ược tốt hơn những gì đang diễn ra trong lớp học và có thể đáp lại nhu cầu của học sinh cũng nh¬ư cải tiến chất lư¬ợng dạy học của mình. 
 
Còn đối với các em học sinh, lắng nghe là một kỹ năng cần thiết khi trẻ học bất kỳ một môn học nào ở trường. Không những thế, lắng nghe còn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng giúp các em thiết lập và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. 
 
Năm học 2014 - 2015 cũng là năm học đầu tiên toàn ngành Giáo dục và Đào tạo quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của BCH TW về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước”. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi  các nhà quản lí giáo dục, mỗi thầy cô giáo “Là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, biết lắng nghe, biết chia sẻ, khắc phục mọi khó khăn để mỗi nhà trường thay đổi và phát triển; thu hút học sinh đến trường, tích cực học tập tri thức, rèn luyện hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết của con người hiện đại, góp phần xây dựng đất nước mai này.
 

VH

Xem thêm...
TRẢI NGHIỆM: 'UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN'
TUYỂN TẬP DÂN CA QUAN HỌ
Dân ca quan họ lời cổ hay nhất
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO-TÌM HIỂU NHÀ TRƯỜNG

Website đơn vị