Ngày đăng : 31-03-2017
|
1/ Chất lượng
Thuật ngữ này được ghép lại từ hai phạm trù triết học phản ánh những mặt quan trọng của hiện thực khách quan.
"Chất" là tính quy định của một sự vật khiến cho nó là sự vật này chứ không phải là sự vật khác và khác các sự vật khác.
Bên cạnh tính quy định về chất, mọi sự vật đều có tính quy định về lượng, đại lượng, số lượng, khối lượng nhất định, nhịp độ diễn biến của các quá trình, trình độ phát triển nhất định của các đặc tính.
"Lượng" là sự quy định đối với sự vật mà nhờ đó (trên thực tế hoặc trong tư duy), ta có thể phân chia nó thành những bộ phận cùng loại và có thể tập hợp các bộ phận đó làm một.
Không có sự vật nào lại chỉ có mặt chất hoặc chỉ có mặt lượng. Mỗi sự vật là một sự thống nhất của một chất và một lượng nhất định (độ).
Tuy là phản ánh hiện thực khách quan, song có nhiều cách nhìn (tiếp cận) vào hiện thực khách quan nên có nhiều định nghĩa về chất lượng.
Thí dụ:
*/ Chất lượng là sự xuất sắc bẩm sinh
(Tiếp cận siêu nghiệm về chất lượng)
*/ Chất lượng được xem xét trên cơ sở những thuộc tính đo được
(Tiếp cận dựa trên sản phẩm làm ra)
*/ Chất lượng được xác định bằng tỷ số thành tựu/giá cả
(Tiếp cận dựa trên giá trị)
*/ Chất lượng là sự phù hợp với mục đích
(Tiếp cận theo người sử dụng)
2/ Chất lượng giáo dục
Vấn đề chất lượng ghép với vấn đề giáo dục tạo nên thuật ngữ chất lượng giáo dục .
Do "giáo dục" có khá nhiều tầng nên thuật ngữ này có nhiều quan niệm khác nhau. Dưới đây là một vài quan niệm xuất hiện nhiều trên các báo giáo dục trong những năm gần đây:
- Chất lượng giáo dục là chất lượng Nhân cách - Nhân lực do giáo dục tạo ra xét trên bốn mặt kiến thức - kỹ năng - thái độ - hành động .
- Chất lượng giáo dục là chất lượng dạy học. Quan điểm này được xem từ Didactic (lý luận dạy học). Quan niệm này chú ý chất lượng chương trình, kết quả của việc dạy học, đào tạo, thực hiện, sư phạm tương tác.
- Chất lượng giáo dục là chất lượng của các tác động tổng hợp của nhà trường vào đời sống của cộng đồng, thí dụ kết quả mà nhà trường cung ứng các cơ hội bình đẳng cho các nhóm bị thiệt thòi, kết quả đào tạo trong của nhà trường (tỷ lệ lưu ban, lên lớp, tốt nghiệp).
- Chất lượng giáo dục là chất lượng của cả tổ chức hệ thống giáo dục. Ở cấp độ này phải xem xét tác dụng của giáo dục đến tổng hoà tiến bộ của kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị của đất nước.
Quan niệm này không chỉ đo hiệu quả đào tạo trong của nhà trường còn phải đo cả kết quả ngoài của nhà trường (sự tăng trưởng kinh tế qua chỉ số GDP) .3/ Quản lý chất lượng giáo dục
Vấn đề quản lý chất lượng giáo dục được đề cập trên ba mô hình sau:
*/ Kiểm tra chất lượng (QC. Quality Control)
Mục tiêu của mô hình này là không để sản phẩm có lỗi khi ra thị trường. Như vậy nhà trường không được phép bàn giao cho cộng đồng các sản phẩm mà mình đào tạo còn chưa đạt yêu cầu.
Biện pháp để thực hiện mô hình này là kiểm tra đánh giá một cách chu đáo hoạt động dạy học giáo dục .
Kiểm tra - đánh giá trong nhà trường cần vận dụng quy trình trong sản xuất. Song ở nhà trường là con người vì vậy cần thực hiện sự tinh tế về sư phạm, kiên quyết không đưa vào cuộc sống những sản phẩm chưa đạt yêu cầu song không như phế phẩm ở cơ sở sản xuất, nhà trường phải kiên trì giáo dục để "sản phẩm" đạt đến yêu cầu giáo dục. Tổ chức dạy học phân hoá đồng thời tổ chức thực hiện giáo dục hoà nhập theo hoàn cảnh của học sinh và năng lực nhà trường. Đó là tư tưởng nhân văn sư phạm phải quán triệt khi thực hiện QC trong nhà trường .
*/ Đảm bảo chất lượng (QA. Quality Assurance)
Nếu ý tưởng của mô hình trước (QC) là không để sản phẩm có lỗi khi ra thị trường thì ý tưởng của mô hình này là không để sản phẩm kém chất lượng. Có ba biện pháp để thực hiện mô hình này là: ISO, kiểm toán và kiểm định.
Hiệu trưởng phấn đấu thực hiện ISO đối với một số khâu hay tổng thể quá trình đào tạo. Nhiều địa phương nước ta đã thực hiện việc kiểm định chất lượng với các trường THPT. Còn việc kiểm toán theo quy định của ngành tài chính thì các trường đều phải chấp hành tốt khi cơ quan chuyên môn có yêu cầu.
*/ Quản lý chất lượng tổng thể (TQM. Total Quality Management)
Mô hình này hoạt động trong kinh tế thực chất là sự cải tiến "mô hình bảo đảm chất lượng" với sự bổ sung về mục tiêu và cách làm.
TQM bao quát các điều sau:
- Cải tiến chất lượng liên tục.
- Chú trọng đến mọi người, mọi việc trong tổ chức.
- Quan tâm thực sự đến quyền lợi nguyện vọng của người thụ hưởng sản phẩm (bản thân người học, gia đình người học, cộng đồng).
- Xây dựng được văn hoá tổ chức.
Quản lý chất lượng tổng thể ngày nay được nhiều nhà trường Việt Nam quan tâm và ứng dụng vào xây dựng, phát triển nhà trường theo sứ mệnh của nhà trường trước đời sống kinh tế văn hoá địa phương.
PGS – TS Đặng Quốc Bảo