Ngày đăng : 03-03-2018
Lão Tử từng nói: “Thiên Đạo không tranh mà thiện thắng, không nói mà thiện ứng”. Phật gia cũng giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Nho gia nhấn mạnh vào sự thần thánh bên trong, Đạo gia nhấn mạnh vào gìn giữ sự nhu hòa, Phật gia giảng từ bi với tất cả chúng sinh. Tất cả đều mang theo nội hàm về chữ “Nhẫn”. Lùi một bước, biển rộng trời cao. Có khả năng “Nhẫn” thì mọi sự tất thành.
Trong “Luận Ngữ” ghi lại việc Khổng Tử nhắc nhở Tử Lộ (một môn đồ của Khổng Tử) như sau: “Hàm răng cương ngạnh nên mới dễ bị gãy, cái lưỡi mềm mại nên mới dễ bảo tồn. Nhu nhuyễn nhất định thắng cương ngạnh, nhỏ yếu mà lại chiến thắng cường đại. Ham tranh đấu nhất định sẽ bị tổn thương, một mực khoe dũng nhất định sẽ dẫn tới diệt vong. Thái độ căn bản để làm mọi chuyện là: Nhẫn nhịn là tốt nhất”.
Nhẫn là pháp bảo để tu thân và xử thế. Khổng Tử từng khuyên Tử Lộ rằng: “Trăm hành chi bản, nhẫn làm đầu”.
Nhẫn không phải là thuận theo không nguyên tắc, cũng không phải biểu hiện của nhu nhược. Thường người có chí có đức, mới có thể bao dung điều người khác không thể bao dung. Khi bị người khác làm nhục, vẫn có thể cung kính khiêm tốn, tu tỉnh bản thân, mà không sinh ra tâm oán hận hay phẫn nộ. Người xưa thường dùng ý chí rộng rãi như vậy làm nguyên tắc đối nhân xử thế.
Tướng soái Khấu Tuân nhẫn nhục lấy đại cục làm trọng
Khấu Tuân là vị tướng soái thời Đông Hán, được Quang Vũ Hoàng đế nể trọng. Ông không những thông hiểu kinh thư, mà còn là người luôn tu dưỡng đức hạnh, tại triều đình rất có danh tiếng. Ông gặp chuyện có thể nhẫn nhục nhượng bộ, không kể thù riêng, luôn luôn lấy đại cục làm trọng.
Khi đảm nhiệm chức Thái thú tại Toánh Xuyên, đã xử tử tại chỗ một thuộc hạ của một tướng lĩnh tên là Cổ Phục vì phạm tội giết người. Vì thế Cổ Phục cảm thấy rất sỉ nhục, lúc từ Nhữ Nam trở về đi ngang qua Toánh Xuyên, nói với người bên cạnh rằng: “Ta và Khấu Tuân đều là tướng soái, nhưng giờ bị hắn hãm hại, đại trượng phu làm sao để bị người ta khi dễ mà lại không cùng hắn nhất định phân cao thấp? Lần này gặp được Khấu Tuân, ta nhất định phải giết hắn”.
Khấu Tuân nghe nói xong thì không muốn gặp Cổ Phục. Cốc Sùng nói: “Cốc Sùng tôi là tướng lĩnh, có thể mang kiếm hầu bên cạnh, nếu đột nhiên có chuyện gì, có thể ngăn chặn được”.
Khấu Tuân liền nói: “Không được. Trước kia Lạn Tương Như không sợ Tần vương, nhưng lại khuất phục Liêm Pha, đó là vì quốc gia. Nước Triệu nhỏ bé, lại có người hiểu biết đạo lý như thế, ta làm sao có thể quên được?”.
Vì thế đã ra lệnh cho các huyện sở tại hầu hạ bọn người Cổ Phục cho thật tốt, còn Khấu Tuân thì cố ý mượn cớ né tránh ông ta. Cuối cùng bọn người Cổ Phục đều uống rượu say, không truy tìm Khấu Tuân nữa mà rời đi.
Khấu Tuân phái người báo cáo chuyện vừa xảy ra cho Quang Vũ Hoàng đế biết. Quang Vũ Hoàng đế bèn triệu kiến Khấu Tuân, vừa vào cung đã thấy Cổ Phục ở đó trước rồi lại muốn né tránh. Quang Vũ đế nói với ông: “Thiên hạ còn chưa có yên ổn, hai hổ làm sao có thể tranh đấu riêng tư đây? Hôm nay ta tới giảng hòa”. Thế là 3 người cùng nói chuyện hết sức vui vẻ. Cuối cùng hai người kết làm bạn tốt, chào từ biệt nhau rồi về nhà.
Khi gặp chuyện mà không không thể nhẫn nhục nhượng bộ thì sẽ dẫn đến tai họa, hỏng việc hại người. Sử sách bình luận về Khấu Tuân như sau: “Khổng Tử nói: ‘Bá Di, Thúc Tề, không nhớ thù xưa, cho nên có ít kẻ thù’. Khấu Tuân là một ví dụ điển hình”.
Hành vi của Khấu Tuân không phải là trốn tránh sợ hãi, mà là tầm nhìn sâu rộng, là biểu hiện của người có đức hạnh và có thể hoàn thành việc lớn. Bởi nhượng bộ được, nên cuối cùng mối thù giữa ông và Cổ Phục có thể được hóa giải, hai người từ kẻ thù trở thành bạn hữu, cùng nhau giúp vương triều Đông Hán thống nhất được Trung Nguyên.
Lý Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô
Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, thời gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp. Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.
Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh. Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không cướp được phải tự rút về.
Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vượng bèn thay tướng khác đến đem quân giao chiến nhiều trận với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.
Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn quân Hung Nô, Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông.
Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thực hiện vườn không nhà trống và thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.
Sau vài năm, lúc này quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, thế nhưng quân Hung Nô không biết lực lượng quân Triệu. Mặt khác sau vài năm cướp bóc quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chết nhát chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.
Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy, quân Hung Nô chủ quan đưa hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh bại 10 vạn đại quân Hung Nô, từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi không còn dám cướp phá nữa.
Nhờ nhẫn nhịn vài năm mà chỉ một trận đánh Lý Mục đã khiến quân Hung Nô đại bại không còn dám cướp phá như trước nữa.
Nội hàm của chữ Nhẫn
Chữ Nhẫn (忍) gồm có chữ “Tâm” (心) ở dưới vì chữ đao tức “Đao” (刀) ở trên. Chữ “Đao” có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.
Chữ “Đao” (刀) này còn có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của dao kề vào trái tim tức chữ “Tâm” ở dưới. Ý nghĩa một con dao sắc bén cứa vào tim đối với người bình thường phải rất đau đớn quằn quại.
Thế nhưng chữ “Tâm” nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Tâm này vẫn bất động, dù đao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không Nhẫn được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra tâm Đại Nhẫn.
Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được được việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.