Ngày đăng : 25-04-2016
Hà Huy Tập (1906-1941) là một nhà cách mạng Việt Nam. Ông được ghi nhận là Tổng bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906 ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyên tên lúc nhỏ của ông là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba, là con thứ hai trong gia đình 5 anh em
Chịu ảnh hưởng của cha, thời gian làm giáo viên tiểu học, ngoài việc dạy học cho lớp trẻ, ông còn dạy chữ cho công nhân và dân nghèo. Ông còn trích tiền lương của mình để mua sách vở cho các học sinh nghèo của mình. Hoạt động của ông được một số trí thức trẻ khác tán đồng và giới thiệu ông tham gia vào một tổ chức chính trị có tên là Hội Phục Việt mà về sau hình thành nên Tân Việt Cách mạng Đảng.
Tiêu chí "Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái..." của Tân Việt Cách mạng Đảng rõ ràng là chống lại chính quyền thuộc địa Pháp tại Việt Nam. Vì vậy, giữa năm 1926, ông bị chính quyền thực dân sa thải và trục xuất khỏi Nha Trang. Tháng 8 năm 1926, ông tìm được công việc dạy học ở trường tiểu học Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Tháng 3 năm1927, ông chuyển vào Sài Gòn hoạt động, kiếm sống và dạy học ở An Nam học đường tức trường Nguyễn Xích Hồng. Ở đâu, ông cũng chú ý đến việc dạy học cho dân lao động nghèo, qua đó tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng giành độc lập.
Chính vì những hoạt động đó, tháng 1 năm 1928, ông lại bị sa thải khỏi An Nam học đường. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục công việc dạy học và tuyên truyền cách mạng từ Bà Rịa, Biên Hòa, đến Sài Gòn, Gia Định.
Tháng 7 năm 1928, ông ra Bắc, được giao nhiệm vụ liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngõ hầu tìm cách thống nhất tất cả các tổ chức chống thực dân Pháp vào một tổ chức hành động chung. Tháng 12 năm 1928, ông được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia một khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Kách Mệnh, từ đó ông tích cực hoạt động trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Ngày 19 tháng 7 năm 1929, ông sang Liên Xô, học trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Moskva với bí danh là Xi-nhi-trơ-kin (Синичкин). Cuối năm 1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản toàn liên bang (bôn-sê-vích). Trong thời gian này ông đã soạn thảo "Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương" và"Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương".
Tháng 4 năm 1933, ông tốt nghiệp khóa học và trở về Việt Nam. Trên đường về ông bị Pháp bắt và bị trục xuất sang Bỉ, sau đó trở về Trung Quốc, được Quốc tế Cộng sản chỉ định tham gia Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, do Lê Hồng Phong là Bí thư. Từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 6 năm 1934, Hội nghị Ban chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước được tổ chức, gồm có Lê Hồng Phong, 'Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, Nguyễn Văn Tham và Trần Văn Chấn. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết Chính trị và Nghị quyết Về các vấn đề tổ chức.
Nghị quyết Về các vấn đề tổ chức của Hội nghị quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương:
- Ban Chỉ huy hải ngoại gồm 5 người (3 người do Quốc tế Cộng sản chỉ định và 2 người do Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ định). Ban chỉ huy hải ngoại bầu Ban Thường vụ và thư ký của Ban. Thời hạn tồn tại của Ban Chỉ huy hải ngoại do Quốc tế Cộng sản quy định. Các hội nghị toàn thể của Ban Chỉ huy hải ngoại được triệu tập ít nhất ba tháng một lần.
- Ban Chỉ huy hải ngoại là đại diện của Đảng trong quan hệ và liên lạc với Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản anh em.
- Ban Chỉ huy hải ngoại chỉ đạo đường lối chính trị chung của Trung ương Đảng. Ban có quyền cử đại biểu để tham gia công tác và kiểm tra toàn bộ công tác của các cấp ủy đảng trong nước.
- Những nghị quyết quan trọng nhất của Trung ương phải được bàn bạc nhất trí với Ban Chỉ huy hải ngoại. Trong trường hợp Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không đồng ý với Ban Chỉ huy hải ngoại, Trung ương có quyền khiếu nại nghị quyết lên Quốc tế Cộng sản. Trước khi Quốc tế Cộng sản quyết định vấn đề tranh cãi thì Trung ương có nhiệm vụ phải thực hiện các chỉ thị của Ban Chỉ huy hải ngoại.
- Trong trường hợp Trung ương Đảng bị vỡ và mất liên lạc và để tránh mất sự lãnh đạo thường xuyên, các Xứ ủy Đảng (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên) phải liên lạc với Ban Chỉ huy hải ngoại. Trong trường hợp Trung ương bị vỡ, Ban Chỉ huy hải ngoại có thể thay thế Trung ương lãnh đạo trực tiếp tất cả các tổ chức đảng ở trong nước...[1]
Tháng 3 năm 1935, tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao, Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào cương vị Bí thư Ban Chỉ huy hải ngoại. Đến tháng 7 năm 1936, Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương cử ông về nước để lập lại Trung ương cấp ủy và giữ chức Tổng Bí thư từ ngày 26 tháng 7.[2] Ông trực tiếp chỉ đạo các báo L'Avant garde (Tiền phong) (1937), Dân chúng (1938) của Đảng dưới danh nghĩa "cơ quan lao động và dân chúng" ở Nam Kỳ.
Từ 3 tháng 9 đến 5 tháng 9 năm 1937, Hội nghị Trung ương họp ở Bà Điểm, Gia Định, ông báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của đảng từ sau Đại hội I đến năm 1937. Ngày 30 tháng 3 năm 1938, ông cùng người tiền nhiệm Lê Hồng Phong chủ trì Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm. Tại hội nghị này, ông thôi giữ chức Tổng bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương Đảng. Người kế nhiệm ông là Nguyễn Văn Cừ.
Ngày 1 tháng 5 năm 1938, ông bị bắt do có chỉ điểm trong khi tham dự ngày Quốc tế Lao động tại Sài Gòn. Ông bị trục xuất khỏi Nam Kỳ và bị đưa về quê chịu quản thúc. Đến ngày 30 tháng 3 năm 1940, ông bị bắt lại và đưa vào Nam Kỳ để xét xử. Ngày 25 tháng 10 năm đó, ông bị thực dân Pháp xử tuyên án 5 năm tù giam. Tại phiên tòa này, ông và nhiều đồng chí mình đã được một luật sư trẻ là Nguyễn Văn Huyền, người về sau này giữ chức Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa, làm luật sư biện hộ.
Ngày 25 tháng 3 năm 1941, chính quyền Pháp đổi bản án của ông thành án tử hình vì "chịu trách nhiệm tinh thần về cuộckhởi nghĩa Nam Kỳ" (cùng bị kết án tử hình với Hà Huy Tập còn có Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai). Trước tòa ông tuyên bố: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động".
Ngày 28 tháng 8 năm 1941, ông bị chính quyền Pháp xử bắn cùng với một số nhà cách mạng khác tại Sở Rác (nay là bệnh viện Hóc Môn, Sài Gòn).[3] Bức thư cuối cùng ông gửi cho gia đình viết "gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi".
Ngày 22 tháng 11 năm 2009, hài cốt của ông được phát hiện tại khu vực Bến Tắm Ngựa thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh[4]. Ngày 1 tháng 12 cùng năm, lễ viếng và truy điệu linh cữu ông được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều quan chức lãnh đạo của đảng và hàng trăm đoàn đại biểu từ các nơi đến chờ viếng. Sau đó, linh cữu ông được đưa về an táng tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh,[5].
Toàn bộ trước tác phẩm gồm 14 bài viết và văn kiện, 20 tác phẩm sách báo trong đó có cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương bằng tiếng Pháp, 291 trang, xuất bản đầu năm 1933 (lấy bút danh Hồng Thế Công (H-T-C)) vàTrôtxkit và phản cách mạng (lấy bút danh Thanh Hương). Ngoài 2 bút danh trên, Hà Huy Tập còn có các bút danh khác như Xinhikin, Xinhitrơkin, Sinitchkin, Giodep Marat, Hồng Quy Vít và Nhỏ.
Công lao của ông là đã góp phần tích cực trong việc khôi phục ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bị phá vỡ sau cao trào 1930-1931, tham gia chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng I, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng lãnh đạo suốt 4 năm liền.