Tin tức : Công nghệ thông tin / Quản trị cổng thông tin điện tử / Cuộc thi Video theo mô hình VNEn

THỂ LỆ CUỘC THI VIDEO MÔ HÌNH VNEN NĂM HỌC 2015-2016

Ngày đăng : 30-12-2015

THỂ LỆ CUỘC THI VIDEO MÔ HÌNH VNEN NĂM HỌC 2015-2016

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích và yêu cầu của Cuộc thi

Mục đích cuộc thi

1.1. Tạo cơ hội cho các giáo viên có tâm huyết, sáng tạo chia sẻ những thành công đã đạt được trong triển khai đổi mới giáo dục, mô hình VNEN;
1.2. Khuyến khích giáo viên trong việc thực hiện các hoạt động sư phạm hiệu quả, sáng tạo theo mô hình VNEN một cách toàn diện, qua đó phát hiện và giới thiệu các điển hình đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh;
1.3. Tạo điều kiện cho giáo viên tự học và nâng cao hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học, trao đổi kinh nghiệm và phát triển chuyên môn thông qua phổ biến rộng rãi những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt các điển hình của mô hình VNEN;
1.4. Giúp cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo đổi mới các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ phát triển kĩ năng nghề nghiệp thông qua phân tích các video dạy học.
Yêu cầu của cuộc thi
1.5. Mỗi giáo viên được lựa chọn một hoặc nhiều chủ đề nêu trên để xây dựng các video tham gia Cuộc thi;
1.6. Tổ chức Cuộc thi phải đảm bảo tự nhiên, tự nguyện, khách quan, trung thực, công bằng, phù hợp với điều kiện của nhà trường, giáo viên;
1.7. Kết quả Cuộc thi nhằm phổ biến kinh nghiệm thực tiễn dạy học theo mô hình VNEN.

Điều 2: Các cấp tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức cuộc thi

Cuộc thi video về VNEN được tổ chức theo từng cấp: Cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương. Năm học 2015-2016 được tổ chức 2 lần/ năm.

a. Cuộc thi cấp trường được tổ chức lần 1: Tháng 12/2015; lần 2: Tháng 2/2016
b. Bình chọn cấp huyện được tổ chức cuối tháng 12/2015, tháng 3/2016;
c. Bình chọn cấp tỉnh được tổ chức đầu tháng 1/2016, tháng 4/2016 ;
d. Bình chọn cấp trung ương được tổ chức cuối tháng 1/2016, tháng 5/2016.

Ngoài ra, các giáo viên sẽ tự bình luận và xếp hạng video của các giáo viên khác trên toàn quốc trên website của cuộc thi. Sẽ có hệ thống giải thưởng riêng của dự án VNEN dành cho các giáo viên có nhiều video nhất, giáo viên có video được xếp hạng cao nhất, giáo viên tham gia bình luận và xếp hạng nhiều video nhất.

Điều 3: Công nhận danh hiệu giáo viên/ nhóm giáo viên VNEN làm Video hay

Giáo viên/ nhóm giáo viên tham gia cuộc thi và đạt các yêu cầu theo quy định về đánh giá kết quả video viên dự thi theo từng cấp, được công nhận là giáo viên có video VNEN hay (cấp trường, huyện, tỉnh, Trung ương) và được cấp giấy chứng nhận của BTC cuộc thi.

NỘI DUNG, HÌNH THỨC THI

Điều 4: Nội dung và hình thức thi Video về VNEN hay/tốt

1. Nội dung thi

a. Chủ thể của video là giáo viên, học sinh và cộng đồng địa phương trong thực tiễn dạy học theo mô hình VNEN. Giáo viên của lớp học VNEN quay video về các đặc điểm của mô hình VNEN, theo 01 trong 10 chủ đề như sau:

  1. Hoạt động khởi động: mô tả hoạt động khởi động phù hợp với mục tiêu bài học, cách chuyển từ hoạt động khởi động sang hoạt động hình thành kiến thức đảm bảo lô gic, tự nhiên.
  2. Hoạt động Cơ bản: mô tả một hoạt động hình thành kiến thức mới của môn học cụ thể phù hợp với mục tiêu bài học. Mô tả được các hình thức tổ chức học khác nhau (làm việc độc lập, làm việc nhóm, làm việc theo cặp, phương pháp học tập sáng tạo) để giúp học sinh tìm hiểu bài học một cách hiệu quả và vui vẻ .
  3. Hoạt động thực hành:mô tả một hoạt động thực hành của môn học phù hợp với kiến thức mới được hình thành, các phương pháp tổ chức khác nhau được sử dụng để giúp học sinh khắc sâu các bài học một cách hiệu quả.
  4. Hoạt động ứng dụng : mô tả một hoạt động ứng dụng được thực hiện sáng tạo và hiệu quả để giúp học sinh nhớ kiến thức mình đã học và áp dụng trong thực tế đời sống . Các hoạt động ứng dụng có thể được thực hiện trong lớp học, ở trường, ở nhà hay tại bất kỳ địa điểm nào phù hợp.
  5. Đánh giá học sinh: mô tả các hoạt động đánh giá học sinh được thực hiện có hiệu quả. Hoạt động đánh giá có thể được thực hiện bởi các giáo viên, học sinh, phụ huynh.
  6. Hội đồng tự quản: mô tả hoạt động của hội đồng tự quản hiệu quả và với sự tham gia của mọi người. Video thể hiện học sinh có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các hoạt động xã hội của lớp.
  7. Sự tham gia của cộng đồng: video thể hiện vai trò của nhà trường trong việc thu hút, huy động sự tham gia của cộng đồng trong mọi hoạt động của trường.
  8. Sử dụng hướng dẫn học và điều chỉnh hướng dẫn học phù hợp với cuộc sống: video minh họa hướng dẫn học sinh tìm tòi, trải nghiệm trên các vật thật được sử dụng trong lớp học; Điều chỉnh nội dung, cách làm trong tài liệu hướng dẫn học tập cho phù hợp với đặc điểm địa phương.
  9. Tích hợp trong các chủ đề, phương pháp tiếp cận: video thể hiện cách kiến thức các môn học khác nhau, các chủ đề khác nhau được kết hợp trong 1 bài học.
  10. Sinh hoạt chuyên môn của giáo viên: video về các hoạt động sinh hoạt chuyện môn của giáo viên theo hướng đối mới.

b. Mỗi video bao gồm tiêu đề, nội dung với lời bình/ phụ đề. Mỗi video phải mô tả đầy đủ một hoạt động để giáo viên là người xem/ đánh giá có thể hiểu được mạch của các hoạt động và có thể áp dụng các hoạt động tương tự ở lớp học của mình.

c. Các video có thể có độ dài khác nhau, nhưng không quá 10 phút.

2. Hình thức thi
Cuộc thi được tổ chức qua mạng và theo 4 cấp: trường, huyện, tỉnh, trung ương; video dự thi sẽ được đánh giá bằng phần mềm bình chọn trực tuyến.

Ban giám hiệu trường tiểu học, Phòng giáo dục Huyện, Quận và TX, Sở Giáo dục đào tạo, Bộ GD&ĐT thành lập các Ban tổ chức cuộc thi theo tương ứng từng cấp: Cấp trường, Cấp huyện, Cấp tỉnh, Cấp trung ương. Mỗi cấp được tổ chức cuộc thi định kỳ 2 lần/năm học (học kì 1 và học kì 2).

Cuộc thi cấp trường lần thứ nhất năm học 2015-2016 dự kiến tổ chức vào tháng 12/2015. Các cuộc thi cấp huyện, tỉnh và trung ương sẽ tổ chức sau cuộc thi cấp trường và được quy định trong văn bản hướng dẫn tiếp theo.

THẨM QUYỀN TỔ CHỨC CUỘC THI

Điều 5: Vòng thi cấp trường

Cuộc thi video VNEN cấp trường do nhà trường tổ chức. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm phổ biến nội dung, kế hoạch tổ chức Cuộc thi theo các quy định của Thể lệ này, thông báo kế hoạch tổ chức đến giáo viên ít nhất 3 ngày trước thời điểm diễn ra Cuộc thi.

Điều 6: Vòng bình chọn cấp quận/huyện/thành phố

Vòng bình chọn cấp quận/huyện/thành phố do phòng GD&ĐT tổ chức.

Điều 7: Vòng bình chọn cấp tỉnh

Vòng bình chọn cấp tỉnh do sở GD&ĐT tổ chức.

Điều 8: Vòng bình chọn Video cấp trung ương

Vòng bình chọn cấp trung ương do Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức và được thực hiện theo các quy định tại Điều 3, Điều 4của Thể lệ này.

Điều 9: Tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Tổ chức Cuộc thi

Thủ trưởng của đơn vị tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập Ban Tổ chức.

1. Thành phần: Trưởng ban, phó trưởng ban, thư ký và thành viên.
a) Trưởng ban và phó trưởng ban:

  • Cấp trường: Trưởng ban là hiệu trưởng, Phó trưởng ban là các phó hiệu trưởng;
  • Cấp huyện: Trưởng ban là trưởng phòng giáo dục và đào tạo, Phó trưởng ban là các phó trưởng phòng;
  • Cấp tỉnh: Trưởng ban là giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Phó trưởng ban là các phó giám đốc.

b) Thư ký và thành viên:

  • Mỗi cấp thi sẽ có 01 thư ký và tối thiểu 02 thành viên do Trưởng ban đề xuất.

2. Quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Tổ chức Cuộc thi
a) Tổ chức và điều hành toàn bộ các hoạt động của Cuộc thi theo quy định của Thể lệ này.
b) Xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức Cuộc thi và gửi thông báo đến các đơn vị tham gia Cuộc thi;
c) Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho Cuộc thi;
d) Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho Cuộc thi, thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý theo quy định và các nhiệm vụ khác liên quan.

Điều 10: Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi

1. Điều hành toàn bộ các hoạt động của Cuộc thi trong cấp của mình.
2. Quyết định tước bỏ quyền dự thi của giáo viên, quyền chấm thi của giám khảo nếu vi phạm những quy định trong Điều lệ Cuộc thi.

Điều 11: Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Giám khảo cuộc thi

1. Thành phần

  • Ban giám khảo gồm Trưởng Ban và các thành viên là giáo viên, cán bộ quản lý có tài khoản trên trang web, đã được công nhận có năng lực tốt trong hoạt động chuyên môn về VNEN; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có khả năng nhận xét, đánh giá video về VNEN do giáo viên thực hiện để dự thi;
  • Cấp trường: tất cả các giáo viên có tài khoản trong trang web
  • Cấp Quận/Huyện/Thành phố: gồm các giáo viên/cán bộ quản lý, chuyên gia/tư vấn trong Quận/Huyện/Thành phố đó được Trưởng ban Tổ chức đề xuất
  • Cấp Tỉnh: gồm các giáo viên/cán bộ quản lý, chuyên gia/tư vấn trong Tỉnh đó được Trưởng ban Tổ chức đề xuất

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên ban giám khảo
a) Xem video về VNEN và đánh giá theo các tiêu chí quy định tại Sổ tay hướng dẫn video theo lịch của Ban tổ chức;

3. Quyền hạn và nhiệm vụ của Trưởng Ban Giám khảo
a) Chịu trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra đôn đốc toàn bộ các hoạt động đánh giá video về VNEN;
b) Liên hệ thường xuyên với Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi để giải quyết các vấn đề phát sinh;

TỔ CHỨC CUỘC THI

Điều 12: Đăng ký dự thi, tổ chức thi và quy trình đánh giá cuộc thi

1. Đăng ký dự thi và tổ chức thi

Cuộc thi Video về VNEN được tổ chức trên mạng, tại địa chỉ video.tieuhoc.moet.gov.vn. Việc cấp tài khoản cho từng cấp sẽ được thực hiện như sau:

  • Bộ sẽ cấp tài khoản cho 63 Sở;
  • Sau khi có tài khoản được Bộ GD&ĐT cấp, Sở GD&ĐT sẽ tạo tài khoản cho cấp Phòng giáo dục. Sau khi có tài khoản được Sở cấp, Phòng sẽ tạo tài khoản cho các trường trực thuộc. Mỗi Sở, mỗi Phòng, mỗi Trường chỉ có duy nhất một tài khoản;
  • Mỗi giáo viên sẽ có một tài khoản cá nhân trong trang web cuộc thi do Trường cung cấp. Mỗi trường có thể có nhiều giáo viên tham gia. Sau lần đăng nhập đầu tiên, trang web sẽ yêu cầu nhập một vài thông tin cá nhân như ngày sinh, nơi sinh, trình độ chuyên môn… Sau khi nhập đầy đủ thông tin, tài khoản sẽ được kích hoạt.

2. Tải video lên trang web
Giáo viên đăng nhập vào tài khoản cá nhân và tải video lên mạng.

3. Hệ thống tiêu chí đánh giá

a)Về kĩ thuật sản xuất video: Không có lỗi sản xuất (âm thanh, hình ảnh rõ nét); Có phụ đề,…giúp người xem hiểu rõ video.
b) Về sáng tạo trong hoạt động dạy học: Có nhiều hoạt động mới, có sáng tạo trong việc thể hiện những đổi mới căn bản của Mô hình trường học mới trong hoạt động dạy học, giáo dục học sinh.
c) Về nhận thức: Phần lớn học sinh đang có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập (không quá dễ, không quá khó, có thử thách nhưng học sinh hoàn toàn có thể vượt qua được).
d) Về cảm xúc (không khí lớp học): Lớp học vui vẻ, thân thiện, học sinh tích cực, hứng thú hoạt động.
e) Về phát triển, bồi dưỡng năng lực phẩm chất: Học sinh thể hiện được năng lực: tự quản, tự phục vụ; giao tiếp, hợp tác; tự học, giải quyết vấn đề; tôn trọng, giúp đỡ bạn bè.

4. Đánh giá video theo 5 tiêu chí

a) Hệ thống có 5 tiêu chí đánh giá được sử dụng cho xếp loại video. Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 3 mức: 1 điểm (chưa đạt), 2 điểm (đạt) và 3 điểm (tốt), chi tiết các mức đánh giá sẽ được ghi rõ tại mỗi tiêu chí.
b) Kết quả đánh giá được tự động tính và công bố trên hệ thống.

5. Quy trình đánh giá

a) Vòng cấp trường bắt đầu từ 15/11/2015, kết thúc 14/12/2015

  • Tính từ thời điểm video đầu tiên được đăng tải, giáo viên từ các trường trong một tỉnh sẽ tham gia đánh giá video của trường khác. Ngoài ra, giáo viên được khuyến khích xem và đánh giá video của giáo viên các tỉnh khác trên toàn quốc. Video được đánh giá bởi các giáo viên ở các tỉnh khác sẽ được nhân hệ số điểm cao hơn so với video được đánh giá bởi các giáo viên ở cùng tỉnh.
  • Sau khi đóng vòng 1, hệ thống không tiếp nhận đánh giá video của giáo viên. Tuy nhiên họ vẫn có thể xem những video có trên trang web.
  • Điều kiện các video lọt vào vòng thi cấp huyện:
    • Các video được tính theo điểm tổng trung bình của các bình chọn và xếp theo thứ tự từ điểm cao xuống thấp, số lượng video lọt vào vòng 2 sẽ được lấy từ trên xuống, mỗi trường 5 video.
    • Số lượng người đánh giá cho video lọt vào vòng 2 phải đạt ít nhất trên 100 người, nếu dưới số lượng đó video sẽ tự động bị loại.

b) Vòng cấp huyện bắt đầu từ 15/12/2015 và kết thúc 31/12/2015

  • Ban Giám khảo cấp Huyện sẽ có trách nhiệm đánh giá khách quan các video của trong Huyện mình.
  • Mỗi huyện chọn 5 video
  • Hệ thống chấm điểm không thay đổi

c) Vòng cấp tỉnh bắt đầu từ 1/1/2016 và kết thúc 15/1/2016

  • Ban Giám khảo cấp Tỉnh sẽ có trách nhiệm đánh giá khách quan video của tỉnh.
  • Mỗi tỉnh được gửi lên 5 video điểm cao nhất.
  • Hệ thống chấm điểm không thay đổi.

d) Vòng cấp Trung ương

  • Lấy tổng điểm trung bình từ cả 3 cấp của các video do tỉnh đề xuất, chọn ra 5 video điểm cao nhất trong mỗi chủ đề để đánh giá.
  • Các video được chọn ra để đánh giá sẽ được Tổ Chuyên gia cấp Trung Ương chấm điểm.
  • Mỗi chủ đề chọn ba video có điểm cao nhất để vinh danh.

Điều 13: Đánh giá kết quả và xếp hạng Video về VNEN

1. Ban Giám khảo đánh giá video qua hệ thống bình chọn tự động trên web.
2. Hệ thống trên web sẽ tự động tính và sắp xếp kết quả từ cao xuống thấp.

Điều 14: Tổng kết và công bố kết quả Cuộc thi

1. Kết quả Cuộc thi được công bố tại buổi tổng kết Cuộc thi và được gửi đến các đơn vị dự thi.
2. Báo cáo kết quả Cuộc thi về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Nội dung báo cáo gồm:
a) Chủ đề của Video về VNEN và người người thực hiện;
b) Nội dung và đánh giá kết quả;
c) Danh sách khen thưởng cá nhân và đồng đội đạt giải của Cuộc thi.

Điều 15: Sử dụng kết quả Cuộc thi

1. Kết quả cuộc thi sẽ là thông tin tham khảo cho bình chọn các danh hiệu giáo viên tại trường tiểu học đang dạy học theo Mô hình VNEN.
2. Các video đoạt giải sẽ được dùng cho sinh hoạt chuyên môn của giáo viên đang dạy học theo Mô hình VNEN.
3. Tất cả các video tham dự cuộc thi sẽ được Ban Tổ chức cấp Trung ương toàn quyền sử dụng trong các mục đích phù hợp.

c1chauminh

Xem thêm...
Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
Ngày hội khai trường
Phim khai giảng

Website đơn vị