Thứ ba, 19/11/2024 16:23:50
Bộ Giáo dục không cấm học sinh viết vào sách giáo khoa

Ngày: 29/09/2018

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hôm 24/9 ra chỉ thị sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách. Văn bản yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào sách khiến nhiều giáo viên và phụ huynh hiểu là mệnh lệnh, phải thực hiện. 

Ngày 28/9, trao đổi về chỉ thị trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục) khẳng định đây không phải là yêu cầu bắt buộc mà nhằm hướng dẫn giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực, bảo quản được sách và sử dụng lại lâu bền.

Học sinh không viết vào sách giáo khoa khi làm bài tập không có nghĩa là chép toàn bộ mẫu bài tập vào vở. Các bảng số liệu in sẵn trong sách là mẫu, các em  sau khi ghi vào vở, điền số liệu vào đó cần xử lý mới ra kết quả. Tương tự, với các bài tập nối từ, hình ảnh trong sách tiểu học, giáo viên cần xem đó là tình huống để học sinh thảo luận. Các em chỉ cần ghi sự lựa chọn của mình vào vở và từ đó thảo luận trên lớp.

"Sau khi học sinh lựa chọn, giáo viên phải giảng giải tại sao nối như vậy, nghe các em nhận xét thế nào. Việc học sinh giải thích vì sao chọn như vậy mới chính là dạy học, chứ không phải là nối thế này đúng hay sai? Quan trọng là trả lời câu hỏi tại sao chứ không phải là cái gì", ông Thành phân tích.

Chỉ thị trên cũng giải thích, khi biên soạn sách giáo khoa, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm, xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức nhằm rèn luyện thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức. Cách làm này nhằm hướng dẫn học sinh tự học, giúp làm quen với các dạng bài tập trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.

Sách Toán lớp 1 thiết kế nhiều bài tập, yêu cầu học sinh điền trực tiếp. Ảnh: Xuân Hoa.

Sách Toán lớp 1 thiết kế nhiều bài tập, yêu cầu học sinh điền trực tiếp. Ảnh: Xuân Hoa.

Cũng theo ông Thành, chỉ thị trên không chỉ hướng vào sách giáo khoa mà còn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng sách tham khảo trong trường học. Bộ yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21 năm 2014 của Bộ Giáo dục về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, khiến học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Theo khảo sát của VnExpress, phần lớn sách giáo khoa yêu cầu học sinh làm bài tập vào sách. Bộ sách giáo khoa lớp 6 do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản gồm 12 cuốn: Toán (2 cuốn), Ngữ văn (2 cuốn), Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Vật lý, Công nghệ, Giáo dục công dân, Âm nhạc và Mỹ thuật, Tiếng Anh. Trong đó 7 cuốn in bài tập để học sinh điền đáp án.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm 8 cuốn: Tiếng Việt (2 cuốn), Toán, Tự nhiên xã hội, Mỹ thuật, Bài tập thực hành thủ công, Bài tập đạo đức, Tập bài hát. Trừ Tự nhiên xã hội gồm tranh màu theo chủ đề, Tập bài hát gồm nhạc và lời là không có phần bài tập yêu cầu học sinh điền vào, 6 cuốn còn lại đều có.

Giá một cuốn sách giáo khoa chỉ trên dưới 10.000 đồng, một bộ sách khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, tính tổng thể cả nước mỗi năm tiêu thụ hết hơn 100 triệu bản sách giáo khoa mới, số tiền phụ huynh bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng, đủ để xây dựng 10 trường học khang trang.

 

Mạnh Tùng

c2maidinh
Tin liên quan