Tin tức/(Trường THCS Lương Phong)/Giáo dục bốn phương/
5 nghề phù hợp với ngành phát triển sản phẩm công nghệ thông tin

5 nghề phù hợp với ngành phát triển sản phẩm công nghệ thông tin

Chuyên gia phân tích hệ thống, lập trình viên phần mềm, kỹ sư phần mềm... là những nghề mà người yêu công nghệ thông tin có thể theo đuổi.

Nhận định về cơ hội nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, ông Quách Ngọc Xuân - phụ trách thiết kế nội dung học phần tại Đại học trực tuyến Funix chia sẻ: "Công nghệ thông tin đang thâm nhập sâu rộng vào đời sống. Hiểu đơn giản, công nghệ thông tin sẽ là hạ tầng của các hoạt động kinh doanh, giống như điện. Các phần mềm đó không tự sinh ra mà đều cần nhân lực công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành chúng. Đó là lý do khiến nhu cầu của doanh nghiệp với nhân lực ngành này đang trở nên quá tải".

Theo ông Xuân, có thể chia công việc trong ngành công nghệ thông tin thành 2 mảng chính: Phát triển sản phẩm và Vận hành sản phẩm. Sản phẩm được hiểu là phần cứng, phần mềm hay dịch vụ. Dưới đây là 5 định hướng nghề nghiệp liên quan đến hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ thông tin và các yêu cầu để có thể làm việc trong từng vị trí.

Chuyên gia phân tích hệ thống (System Analyst)

Chuyên gia phân tích hệ thống có nhiệm vụ phân tích các yêu cầu nghiệp vụ, từ đó mô tả thành các yêu cầu đối với hệ thống phần mềm cần xây dựng. Họ tham gia vào những khâu đầu tiên trong hoạt động phát triển hệ thống phần mềm là phân tích và thiết kế trước khi chuyển cho lập trình viên viết mã thành phần mềm. Do đó, vị trí này đòi hỏi khả năng phân tích nghiệp vụ thực tế đồng thời hiểu về kỹ thuật cần phải áp dụng vào để xây dựng thành phần mềm.

Thông thường, vị trí phân tích hệ thống yêu cầu chứng chỉ chuyên ngành hệ thống thông tin và kinh nghiệm chuyên môn. Ngoài ra, do đặc thù công việc đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn nên nhiều người làm trong ngành này thực tế tốt nghiệp một chuyên ngành khác trước khi học về công nghệ thông tin.

Lập trình viên phần mềm (Software Developer)

Lập trình viên là người xây dựng các phần mềm máy tính, đồng thời cũng là người nâng cấp và sửa chữa chương trình đó. Đây là vị trí công việc phổ biến nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hầu hết lập trình viên làm việc trong công ty gia công phần mềm hoặc công ty viết phần mềm thương mại, tuy nhiên cũng có nhiều lập trình viên làm tại các công ty trong lĩnh vực khác nhưng có nhu cầu phát triển phần mềm phục vụ riêng cho hoạt động của mình.

Xu hướng chuyển dịch những công việc thủ công sang thực hiện bằng máy tính giúp tối ưu hoạt động kinh doanh khiến bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu đối với lập trình viên.

Công việc lập trình về cơ bản yêu cầu bằng đại học về khoa học máy tính hoặc công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và lập trình trở thành kỹ năng khá phổ biến, nên nhiều doanh nghiệp chỉ cần ứng viên chứng minh được khả năng và kinh nghiệm mà không cần bằng cấp.

Nhà tuyển dụng thường chú ý đến kinh nghiệm lập trình thực tế thông qua những dự án mà ứng viên đã tham gia. Những lập trình viên kiên nhẫn, suy nghĩ logic và cẩn thận, tỉ mỉ luôn đắt giá. Thêm vào đó, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những người có khả năng giao tiếp và truyền đạt các thông tin kỹ thuật cho những người chưa biết.

Để làm công việc này, bạn có thể học các chứng chỉ về lập trình và thực hiện một số dự án trước khi ứng tuyển vào các công ty và tập đoàn công nghệ.

Kỹ thuật viên kiểm thử phần mềm (Tester)

Nhiệm vụ chính của người kiểm thử phần mềm, game là lên kế hoạch kiểm thử, mô tả chi tiết về các tình huống kiểm thử và thực hiện những hoạt động kiểm thử này. Hoạt động kiểm thử nhằm đảm bảo phần mềm đã xây dựng đáp ứng các yêu cầu ban đầu và không xảy ra lỗi.

Công việc này cơ bản không yêu cầu hiểu quá sâu về kỹ thuật lập trình, mà đòi hỏi người làm có khả năng đọc hiểu tốt tài liệu, cẩn thận, tỉ mỉ thiết kế các tình huống có thể xảy ra. Đó là lý do nhiều tester tốt nghiệp những ngành nghề khác công nghệ thông tin. Công việc này cũng phù hợp với các bạn nữ do đòi hỏi tính cẩn thận và tỉ mỉ cao.

Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật (Technical Writer)

Hầu hết các chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật làm việc cho các công ty máy tính, cơ quan Chính phủ hoặc viện nghiên cứu. Họ chuyển thông tin kỹ thuật thành những hướng dẫn hoặc bản tóm tắt dễ hiểu. Khi công nghệ mới liên tục phát triển và mở rộng, nhu cầu về chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật, những người có khả năng truyền đạt kiến thức chuyên môn tới người khác, được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật thường phải có bằng cao đẳng về truyền thông báo chí hay tiếng Anh và có chuyên môn hoặc quen thuộc với một lĩnh vực kỹ thuật. Tuy nhiên, cá nhân với kỹ năng viết tốt đôi khi được thuyên chuyển từ những công việc liên quan đến khoa học sang vị trí viết kỹ thuật.

Kỹ sư phần mềm (Software Engineer)

Kỹ sư phần mềm nhờ được đào tạo bài bản và sâu về khoa học máy tính nên thường có thể làm nhiều công việc trong ngành công nghệ thông tin. Họ có thể nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, phân tích yêu cầu, đưa ra thiết kế kỹ thuật, quản trị dự án phần mềm hay thậm chí có thể trực tiếp lập trình khi cần.

Để trở thành kỹ sư phần mềm, bạn cần học bằng kỹ sư phần mềm. Các trường đại học đào tạo trình độ này trong thời gian 4 đến 5 năm. Với những người đã đi làm hay muốn học bằng kỹ sư phần mềm từ sớm, có thể theo học các chương trình đại học trực tuyến như bằng Kỹ sư phần mềm của Đại học FUNiX. Đây là chương trình đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đào tạo Kỹ sư phần mềm, bằng cấp được công nhận bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.

NVK sưu tầm.

 

Tác giả: NVK

Văn bản mới

  • Ba công khai
  • Thông báo

BIỂU CÔNG KHAI CÁC KHOẢN THU NĂM HỌC 2015- 2016

CÔNG KHAI CÁC KHOẢN THU NĂM HỌC 2015- 2016

CÔNG KHAI CÁC KHOẢN THU NĂM HỌC 2015- 2016

CÔNG KHAI CÁC KHOẢN THU NĂM HỌC 2015- 2016
Xem thêm...
Website Đơn vị