Thứ hai, 29/04/2024 14:24:56
HĐNGLL

Ngày: 21/02/2017

Những hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp hấp dẫn

Tổ chức câu lạc bộ

Câu lạc bộ trong trường tiểu học có điểm khác biệt so với câu lạc bộ được tổ chức trong một số đơn vị, tổ chức khác.

Câu lạc bộ trong trường tiểu học thường là nơi rèn luyện cho các em năng khiếu tự có của bản thân, thông qua mô hình câu lạc bộ các em sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích, lí thú, tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với cái hay cái đẹp trong khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.

Để câu lạc bộ tổ chức có hiệu quả, Trường Tiểu học Diễn Kỷ tổ chức một cách thường xuyên: 1 buổi/tuần. Ở đó học sinh được trao đổi lẫn nhau, bàn luận tranh luận một số vấn đề thuộc năng khiếu sở thích của mình dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của giáo viên phụ trách câu lạc bộ. Có khi vấn đề trao đổi do giáo viên đưa ra hoặc học sinh đưa ra.

Lưu ý, nội dung cần đảm bảo tính khoa học, phong phú, phù hợp với đối tượng học sinh; hình thức thay đổi đa dạng hợp lí;

Đặc biệt, người giáo viên phụ trách các câu lạc bộ phải theo dõi sát sao hoạt động của các câu lạc bộ mà mình phụ trách; đồng thời theo dõi học tập thêm các kinh nghiệm các phong trào được tổ chức trên toàn quốc để có những linh hoạt sáng tạo thực sự trong các buổi tổ chức sinh hoạt cho các em .

Chuyên môn kết hợp với các tổ chức trong trường tổ chức các câu lạc bộ cho các em với nhiều nội dung phong phú, nhưng phổ biến nhất là: Câu lạc bộ hát nhạc; Câu lạc bộ thể dục, thể thao; Câu lạc bộ văn học; Câu lạc bộ mỹ thuật; Câu lạc bộ toán học...

"Nhờ tổ chức tốt các câu lạc bộ mà chúng tôi thực hiện tốt mục tiêu dạy học phân hóa; học sinh phát huy được năng khiếu riêng." - cô Ngô Thị Lý chia sẻ.

Trò chơi “Đối mặt”

Trò chơi này tổ chức trong phạm vi lớp học với thời gian 40 phút. Giáo viên chuẩn bị một chuông nhỏ, một đồng hồ bấm giây, một số quyển vở làm phần thưởng.

Học sinh: Học thuộc các nội dung theo yêu cầu của giáo viên để chuẩn bị cho cuộc thi.

Cách thức tổ chức: Phân lớp theo 2 nhóm theo năng lực học sinh. Mỗi lần chơi giáo viên cho 6 học sinh thuộc một nhóm lên đứng thành vòng tròn trước lớp, học sinh trong nhóm chọn đối tượng tham gia đối mặt với mình.

Ví dụ: Tiết học hôm đó giáo viên tổ chức thi "ôn các bài tập đọc" phục vụ ôn tập giữa kỳ 1; cô giáo tổ chức 2 vòng chơi.

Vòng 1: Kiểm tra các bài tập đọc đã học. Cả 2 học sinh đưa ra số bài tập đọc mà mình nhớ, học sinh nào đưa được nhiều bài hơn thì học sinh đó được nêu trước, nếu đọc đúng thì vượt qua vòng đối mặt thứ nhất và được bước vào vòng 2.

Vòng 2: Sau vòng một, 6 bạn vượt qua đối mặt của 2 nhóm vào vòng 2. Vòng này kiểm tra nội dung các bài tập đọc.

Giáo viên nêu câu hỏi về các nội dung của các bài tập đọc, lần lượt học sinh tham gia trả lời, ai trả lời đúng nhiều nhất thì thắng cuộc (mỗi học sinh trả lời 2 câu hỏi). Giáo viên tổng kết trò chơi và phát thưởng.

Trò chơi “Hoa học tập"

Trò chơi này tổ chức trong phạm vi lớp học với thời gian 1 tiết hoặc 2 tiết học. Giáo viên chuẩn bị một bộ hoa 5 màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, phía sau có gắn số điểm 5, 10, 15, 20, 25

Một bộ câu hỏi gồm nhiều lĩnh vực như: Toán, Tiếng Việt, Sử, Đạo đức, Âm nhạc, Địa lí...; 1 chuông, 1 đồng hồ giây.

Giáo viên chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm khoảng 6 em. Cả lớp khoảng 5 nhóm (chọn ngẫu nhiên).

Mỗi nhóm chọn cho mình 1 bông hoa, các nhóm đọc nội dung câu hỏi, thảo luận trả lời vào bảng nhóm , giáo viên quy định thời gian và lượng câu hỏi phù hợp. Hết thời gian, các nhóm đính kết quả lên bảng. điểm của nhóm là điểm được quy định sau bông hoa.

Số lượng vòng chơi tùy thuộc vào thời gian. Kết quả cuối cùng nhóm nào nhiều điểm nhất nhóm đó thắng cuộc và được thưởng mỗi học sinh 1 quyển vở. Giáo viên tổng kết trò chơi.

Trò chơi "Đấu trí"

Trò chơi này tổ chức trong phạm vi 1 lớp học hoặc cả khối với thời gian 40 phút. Giáo viên chuẩn bị hệ thống câu hỏi về tất cả lĩnh vực, 1 chuông, 1 đồng hồ, 1 bộ thăm đủ cho mỗi em 1 thăm , tất cả các thăm đều ghi "không", chỉ 1 thăm ghi "được chơi". Học sinh chuẩn bị: Bảng con, phấn, giẻ lau.

Giáo viên cho học sinh bắt thăm, học sinh nào bắt được thăm "được chơi" thì được lên tham gia chơi chính.

Học sinh tham gia chơi chính được chọn câu hỏi "dễ hoặc khó" theo từng lĩnh vực giáo viên đưa ra và có 3 sự giải thoát:

Giải thoát thứ nhất: Chia đôi số điểm; giải thoát thứ 2: Chia 3 số điểm , chỉ còn 1/3 số điểm; Giải thoát thứ 3: Nhân đôi số điểm (Mỗi câu hỏi khó được 30 điểm, mỗi câu hỏi dễ được 10 điểm)

Người chơi chính chọn câu trả lời, giáo viên nêu câu hỏi, cả lớp suy nghĩ trả lời vào bảng con, úp bảng con xuống. Người chơi chính trả lời, nếu đúng số điểm sẽ được tính bằng số điểm của câu hỏi và cộng thêm số điểm của người bị loại (mỗi người bị loại người chơi chính được thêm 5 điểm).

Nếu người chơi chính không trả lời được thì có thể sử dụng các sự giải thoát như đã nêu.

Trò chơi "Ai là trạng nguyên"

Thành phần ban tổ chức của trò chơ này gồm: Đoàn, đội, Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn. Đối tượng tham gia là học sinh toàn trường, mỗi lần tổ chức là một khối.

Số lượng tham gia cho mỗi cuộc thi 50 em. Mỗi cuộc thi chỉ tổ chức cho 1 khối lớp. Học sinh tham dự trang phục theo quy định của trường.

Tất cả học sinh tham gia sẽ được công nhận chuyên hiệu "Chăm học " hạng 3. Chọn 3 em có kết quả thi tốt nhất để trao thưởng theo các thứ hạng sau: Giải nhất "Trạng nguyên tuổi hồng"; giải nhì: "Bảng nhãn tuổi hồng" và giải ba: "Thám hoa tuổi hồng"

Nêu câu hỏi trả lời trực tiếp vào bảng (mỗi học sinh tham gia, được ban tổ chức phát cho 1 bảng trắng, 1 bút dạ). Sau khi nghe câu hỏi học sinh tự tìm đáp án viết câu trả lời lên bảng (Mỗi câu trả lời được tính 10 giây).

Học sinh trả lời đúng được tiếp tục ở lại vị trí, học sinh trả lời sai sẽ phải rời vị trí sàn thi đấu. Cuối cùng những học sinh nàp có kết quả thi tốt nhất, trả lời được nhiều câu hỏi nhất và trụ lại sàn thi đấu lâu nhất sẽ chiếm giải thưởng cao nhất.

Trong suốt quá trình thi đấu để tìm ra "Ai là trạng nguyên" sẽ tổ chức các chương trình văn nghệ đan xen...

Câu hỏi để tổ chức cuộc thi sẽ được lấy trong chương trình học của học sinh, với các mảng câu hỏi như sau: Toán học, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Thể dục - Thể thao, An toàn giao thông, Quê hương trong em, Tiếng Anh.

Cuộc thi sẽ được chia làm hai chặng với câu hỏi tương đương cho mỗi chặng là 15 câu , tổng số câu hỏi là 30 câu. Nếu chưa hết chặng 1 mà số lượng học sinh còn lại trên sàn đấu dưới 10 em thì giáo viên giảng dạy lớp đó có quyền hỗ trợ bằng hình thức tham gia các trò chơi ban tổ chức đưa ra để cứu trợ các em bị loại.

Suốt quá trình thi chỉ được cứu trợ 1 lần. Học sinh còn lại duy nhất trên sàn đấu song số câu hỏi chưa đến 30 sẽ được 1 lần xin được giải thoát có quyền từ chối trả lời câu hỏi song sẽ không bị loai khỏi cuộc thi.

Sau mỗi lần thi, ban tổ chức sẽ trực tiếp trao giải thưởng cho tập thể có tiết mục văn nghệ tham gia giao lưu hay nhất, lớp có học sinh trụ lại trên sàn thi đấu nhiều nhất, phần thưởng cho cá nhân như quy định.

Từ các mô hình này giáo viên có thể triển khai ở quy mô nhỏ hơn tại lớp học trong các tiết hoạt động NGLL.

SƯU TẦM
Tin liên quan