I / Thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp ( 1951-1954)
Trường THCS Đức Thắng được thành lập từ năm 1951 với tên gọi ban đầu là trường cấp II Tiền Tiến . Đây là 1 trong số 5 trường cấp 2 đầu tiên của tỉnh Bắc Giang . Ban đầu trường chỉ có 1 lớp 5, gồm 62 học sinh. Hồi ấy, trường đóng tại Chùa Sất ( Hoàng An) do Thầy giáo Nguyễn Văn Hợp làm hiệu trưởng. Lớp học trò đầu tiên của trường bây giờ đều đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, có nhiều cụ đã ngoại tám mươi. Vì chùa Sất nằm gần chợ Vân, nên đề phòng máy bay Pháp ném bom...từ năm học 1952-1953, trường chuyển vềSoi Quít- Hoàng Vân . Trường được xây dựng chủ yếu bằng tranh tre nứa lá gồm có 5 căn lớp và 1 nhà ở của giáo viên..do thầy và trò dựng nên cùng với sự hỗ trợ của nhân dân địa phương. Khóa 2 của trương Tiền Tiến tuyển được 3 lớp 5, nâng tổng số lớp của trường lên thành 4 với tổng số hơn 200 học sinh . Thầy Chu Quắc thay thầy Hợp làm hiệu trưởng. Những năm học này, trường chỉ có gần 10 giáo viên. Tuy cuộc sống trong kháng chiến trải qua nhiều khó khăn gian khổ, nhưng thầy và trò Trường Tiền Tiến vẫn say sưa dạy và học hết mình. Từ năm học 1953, một bộ phận của trường tách ra thành lập trường cấp II Trung Nghĩa về đóng tại Soi Đành- Hợp Thịnh. Sang năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hai trường Tiền Tiến và Trung Nghĩa lại hợp nhất thành Trường cấp II Hiệp Hòa và chuyển về đóng tại khu đồi Dinh Hương - Đức Thắng bây giờ.
II / Thời kỳ 10 năm xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Miền Bắc
Ngay sau khi hoàn thành công cuộc di chuyển toàn bộ trường lớp về khu đồi Dinh Hương gồm tám lớp (4 lớp 5,2 lớp 6 2 lớp 7)...thầy và trò trường cấp 2 Hiệp Hòa đã khẩn trương bắt tay vào việc dạy và học. Lúc này Thầy Phạm Kỳ Nam là hiệu trưởng nhà trường, sau đó là các thầy Hoài Tín rồi thầy Vũ ứng Tường. Trong hai năm 1955 rồi 1956, trường bị đổ hai lần do bão. Không quản khó khăn gian khổ, thầy và trò cùng với phụ huynh lại cùng nhau xây dựng nhà trường. Đến năm 1959, nhà nước mới cấp kinh phí để xây dựng được 9 phòng học bằng tre, lợp lá gồi trên khu đất ngày nay của trường. Mặc dù có nhiều khó khăn gian khổ như vậy, nhưng thầy và trò vẫn kiên trì vươn lên dạy tốt học tốt.Năm 1961, trường vinh dự đón Bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm trường và chính thức phát động phong trào thi đua Hai Tốt. Trong giai đoạn này Thầy giáo Nguyễn Văn Sinh vinh dự được nhận phần thưởng Bác Hồ. Từ năm học 1961- 1962 trường đổi tên thành Trường cấp II- III Hiệp Hòa.Tháng 11 năm 1962, trường đón nhận Huân chương lao động hạng Ba . Năm học 1962-1963, đoàn chuyên gia Trung Quốc đã về thăm trường . Đến năm 1963 Trường tách ra thành trường cấp 2 và trường cấp 3 Hiệp Hòa.
III / Thời kỳ cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước( 1965-1975)
Trong hơn 10 năm cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thầy và trò đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Về xây dựng cơ sở vật chất, để đảm bảo an toàn cho việc dạy và học thời chiến, trường đã sơ tán về đóng tại ba thôn An Thông, Đông Ngàn và Sa Long. Hệ thống lớp học được làm chìm dưới đất, có hầm hào bao bọc...Học sinh đến trường, ngoài sách vở còn có mũ rơm, túi thuốc cứu thương và một chiếc ghế gấp để có thể học được ở bất kỳ địa điểm nào. Tuy khó khăn như vậy, nhưng trường vẫn có nhiều giáo viên giỏi và học sinh giỏi các cấp. Đức Thắng ngày ấy đã trở thành cái nôi của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, đặc biệt là phong trào thi đua dạy tốt học tốt đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Đây là trung tâm đào tạo bồi dưỡng Học sinh giỏi của huyện, của tỉnh, là nơi tụ hội của lớp lớp các thầy cô tiêu biểu, nổi tiếng một thời ...Những cái tên như Nguyễn Văn Sinh, Tống Văn Nụ, Nguyễn Kháng, Phạm Giang Khôi, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Đình Trực, Phương Văn Thuyên ...đã mãi mãi in sâu trong ký ức của bao thế hệ học trò thời ấy. Đây cũng là một thời kỳ mà nhà trường đã có hàng chục thầy giáo, hàng trăm học sinh đã lên đường, trực tiếp cầm súng đánh giặc cứu nước.
Đây có thể coi là một thời kỳ chói sáng của phong trào giáo dục Đức Thắng. Cùng với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt với hàng trăm lượt học sinh giỏi, giáo viên giỏi các cấp, Đức Thắng còn là cái nôi của các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nói lời hay, làm việc tốt”. Tất cả các tổ đội trong nhà trường đều thường xuyên đạt danh hiệu Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa. Trường liên tục đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc cấp Tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Do những thành tích ngời sáng về dạy và học, năm 1977 nhà trường vinh dự đón nhận tấm Huân chương lao động hạng Nhì. Những năm tháng sau đó, thầy và trò trường PTCS Đức Thắng tiếp tục phấn đấu về mọi mặt, hàng nghìn học sinh được đào tạo ra trường với chất lượng cao, hàng trăm lượt thầy giáo, cô giáo trở thành giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Các phong trào hoạt động ngoài giờ lên lớp tiếp tục được giữ vững và phát triển. Năm 1985 nhà trường đón nhận tấm Huân chương lao động hạng Nhất do Đảng và nhà nước trao tặng.
V- Thời kỳ 15 năm giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang của trường THCS Đức Thắng (1986-2011)
Trong 15 năm qua, phát huy những truyền thống vẻ vang, trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.Từ năm 1998, trường đổi tên thành trường THCS Đức Thắng. Năm học 2005-2006 được công nhận trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2005-2010. Năm 2007 nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục được phát huy và trở thành truyền thống vẻ vang của nhà trường. Trường THCS Đức Thắng trở thành một trong những cái nôi đào tạo uy tín, có chất lượng của ngành giáo dục Hiệp Hòa, chiếm được niềm tin của đông đảo phụ huynh và học sinh trong khu vực. Năm 2010 trường đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm học 2011-2012, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng công nhận trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 (2011-2015) . Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường, với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong hơn chục năm qua, tháng 9 năm 2011 trường đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai.