Ngày: 26/04/2018
TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - khẳng định giáo viên dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học là không thể tha thứ, phải đuổi ra khỏi ngành.
TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
"Thời điểm này năm ngoái các lớp học hướng dẫn trẻ phòng tránh xâm hại tình dục được sự hưởng ứng đông đảo dư luận, thu hút hàng trăm người học, thì năm nay đã 'nguội' đi nhiều", TS Hương nói.
Nữ tiến sĩ thông tin nhiều phụ huynh không nghĩ rằng việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cần lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ. Một số phụ huynh bây giờ chỉ học theo tâm lý phong trào, rồi tự hào mình đi đúng hướng.
Cụ thể, cha mẹ cần dạy con từ 3 tuổi về cách phòng chống xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
Các nội dung cần dạy là con muốn ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ nên có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc.
Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.
Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.
Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường.
Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt - xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này.
Những dấu hiệu để nhận biết con có bị xâm hại tình dục đó là hoảng hốt, sợ hãi, đôi khi các cháu gần như tê liệt cảm xúc vì quá tổn thương.
Các cháu sẽ khóc thét lên khi có ai đó động vào người, đặc biệt là gần phần nhạy cảm. Đó là những biểu hiện rõ nét nhất của việc bé đã bị xâm hại tình dục.
Ngoài ra, việc xác định chính xác cần có sự can thiệp chuyên môn của bác sĩ.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam - cho hay điều quan trọng cha mẹ phải dạy con có thói quen thường xuyên chia sẻ tình huống, câu chuyện ở lớp học, các vấn đề trong cuộc sống khi về nhà.
“Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường như sợ đi học, cha mẹ cần nhạy cảm hỏi lý do, nhẹ nhàng chia sẻ để con bày tỏ nguyên nhân”, TS Hòa An nói.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Theo chuyên gia tâm lý, phụ huynh hiện tại rất quan tâm các nội dung phòng chống xâm hại tình dục cho con nhưng đều thực hiện nửa vời, không tới nơi tới chốn, thiếu kỹ năng kiến thức để trao đổi với con. Chỉ khi nào có sự việc xảy ra gây xôn xao dư luận, cha mẹ mới giật mình xem lại.
“Thậm chí, một số phụ huynh còn dạy trẻ ôm hôn người lạ, chính họ lại có hành động mơn trơn vào vùng nhạy cảm của trẻ. Điều này khiến trẻ không thể phân biệt được đâu là hành vi yêu thương, đâu là hành vi bị xâm hại”, ông Hòa An nói.
Trước hàng loạt vấn đề đáng quan tâm về xâm hại tình dục, trẻ dậy thì, quan hệ tình dục sớm, thạc sĩ Hòa Nam cho rằng cần phải đề cao việc giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho con hơn bao giờ hết.
Để làm được điều này, nhà trường cần trang bị kiến thức cho thầy cô phụ trách, thành lập tổ tư vấn tại chỗ. Đồng thời cần tận dụng những cuộc họp phụ huynh để trao đổi giúp họ có kỹ năng, tiếp cận các vấn đề giáo dục.
Trường hợp gia đình không may có con bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần khẳng định bé không hề có lỗi, lỗi do người gây ra sự việc.
Hậu quả xảy ra có thể khiến các con có thể sống khép kín, thiếu đi sự tin tưởng vào người khác, luôn có tâm lý sợ hãi, dằn vặt bản thân. Nếu các con có tâm lý bất ổn, căng thẳng, cha mẹ cần đưa con tham vấn tâm lý.
Những động tác cơ bản giúp trẻ thoát hiểm TS Vũ Thu Hương hướng dẫn trẻ các động tác cơ bản, dễ thực hiện để thoát khỏi người lạ.
Luật sư Đặng Văn Cường - trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội - thông tin: Hiện nay, hệ thống pháp luật có rất nhiều quy phạm pháp luật được đặt ra để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016.
Đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền trẻ em, trong đó có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm...
Pháp luật cũng có nhiều quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em, đồng thời cũng có nhiều quy định và chế tài để xử lý vi phạm đối với những đối tượng xâm hại quyền trẻ em.
Những kẻ thực hiện hành vi phạm tội, hành vi phạm tội với trẻ em sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và nhiều tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Với tội dâm ô trẻ em, mức hình phạt được áp dụng cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Điều 146, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tội dâm ô với trẻ em theo quy định tại điều 116 Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây, nay là Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi dâm ô được xác định là một trong các hành vi sau đây:
Có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục (như dương vật) cọ sát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em.
Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác.
Cần lưu ý các hành vi nêu trên đều chưa và không có mục đích giao cấu với trẻ em. Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội.
Nếu hành vi sờ mó, đụng chạm vào bộ phận sinh dục với mục đích để quan hệ tình dục thì hành vi này có thể bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em chứ không phải là dâm ô nữa.