(BGĐT) - Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT), nhu cầu được cung cấp thông tin từ trang thông tin điện tử (TTTĐT) trường học ngày càng trở nên cần thiết với số đông phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên nhiều nhà trường vẫn chưa quan tâm.
Trang thông tin điện tử Trường THPT Lạng Giang số 3. |
Nhu cầu thông tin cao
Có con chuyển từ bậc tiểu học sang THCS, chị Nguyễn Thị Xuân, tổ 2, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) băn khoăn khi không biết liên lạc với ai để hỏi cho con ngày nhập trường, cô giáo nào chủ nhiệm. Chị Xuân cho biết: "Tôi tìm trên TTTĐT của nhà trường thì không có thông tin về vấn đề này mà chỉ loanh quanh giới thiệu một vài hoạt động đã cũ của nhà trường". Cũng theo chị Xuân, nếu nội dung này được đăng tải trên TTTĐT nhà trường thì nhiều phụ huynh không phải mất công sức, thời gian tìm hiểu.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hà, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) khi chuẩn bị vào năm học mới, phụ huynh nào cũng sốt sắng chuẩn bị mua sách vở, đồ dùng học tập cho con. Nhiều cha mẹ rất muốn thông tin tư vấn của giáo viên trước khi mua sắm nhưng phải vào năm học nhận được hướng dẫn của cô giáo. Trong khi vào thời điểm đó, rất khó để mua đủ bộ sách vì các cửa hàng đã gần như cạn nguồn cung.
Chị Hà phàn nàn: "Vì tự đi mua sách nên quyển thừa, quyển thiếu, trả lại thì cửa hàng không nhận. Nếu nhà trường thông tin cụ thể trên TTTĐT ngay từ dịp hè để phụ huynh chủ động thì tốt biết mấy".
Hiện nay, học sinh, phụ huynh cần thông tin từ nhà trường rất cao. Cụ thể như lịch học, nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, chăm sóc bán trú, công tác tuyển sinh, điểm thi, thủ tục hành chính, công khai tài chính… Qua kênh này, phụ huynh học sinh hiểu hơn về hoạt động của trường, lớp, tình hình học tập của con em, từ đó có sự phối hợp, chung tay góp sức cho sự nghiệp giáo dục.
Thống kê, vẫn còn hơn 30 đơn vị trực thuộc Sở, phòng giáo dục và đào tạo chưa xây dựng TTTĐT. Thực tế, nhiều trường đã có nhưng số trang hoạt động hiệu quả chưa nhiều. Thông tin thường chậm muộn, sơ sài, nhiều khi mang tính hình thức, đối phó. Nhiều trang sa đà vào việc thông tin không liên quan đến công tác giáo dục, chủ yếu đưa tin hoạt động phong trào mà thiếu đi phần quan trọng là cung cấp thông tin, tạo diễn đàn, cầu nối tới đối tượng trọng tâm là hàng vạn học sinh và phụ huynh.
Xây dựng kênh giao tiếp hiệu quả
Trong khi nhiều trang thông tin nhà trường hoạt động chưa hiệu quả, thiếu sự gắn kết thì đã có một số trường học đã bắt đầu hình thành trang hoạt động khá sôi nổi. Điển hình như Trường THPT Lạng Giang số 2. Được thiết kế và trình bày khoa học, trang cung cấp các mặt hoạt động nhà trường từ thông báo chuyên môn, tuyển sinh lớp 10 đến thông tin thi cao đẳng, đại học; ngoài ra còn công khai về chất lượng giáo dục, tài chính, hoạt động đoàn thể, lịch công tác chuyên môn… thu hút được lượng truy cập của khá đông phụ huynh, học sinh.
Nội dung trang thông tin điện tử Thông tin giới thiệu về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ; danh bạ liên hệ; các văn bản quy định có liên quan đến hoạt động của cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục; thông tin về thủ tục hành chính; tra cứu kết quả học tập, rèn luyện học sinh; thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công, “ba công khai”; mục lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân... Nguồn: Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Theo ông Nguyễn Hùng Long, chuyên viên CNTT (Sở Giáo dục và Đào tạo), hiện nay hầu hết các trường, nhất là bậc THPT đều có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để hoạt động TTTĐT hiệu quả. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức tập huấn, cách thức tổ chức, vận hành trang thông tin. Vì vậy, TTTĐT nhà trường có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu.
Xác định được tầm quan trọng đó, năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa trang thông tin vào như một tiêu chí đánh giá thi đua các nhà trường. Trước hết, với 60 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở được yêu cầu xây dựng TTTĐT theo đúng hướng dẫn của Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT. Các phòng giáo dục và đào tạo xây dựng các trang thông tin tích hợp các trường học trực thuộc; khuyến khích các trường ở khối phòng xây dựng trang riêng biệt, hiệu quả.
Có thể thấy TTTĐT là một trong những bước quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, vì nhân dân phục vụ. Do vậy, ngành chủ quản cần quan tâm chỉ đạo sát sao, thiết lập như một yêu cầu bắt buộc với các cơ sở giáo dục. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường cần được chú trọng hơn.
Cùng đó, có hướng dẫn cụ thể mô hình trang; quan tâm công tác tập huấn chuyên môn, tăng cường kiểm tra, đánh giá, xếp loại trang, giúp các nhà trường thấy được tồn tại, hạn chế, có biện pháp nâng cao chất lượng. Đồng thời, đề xuất, tham mưu cơ chế khen thưởng, xử lý trong hoạt động TTTĐT. Các trường củng cố hoạt động, xây dựng quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng; gắn trách nhiệm của cán bộ chuyên trách với chất lượng TTTĐT để trở thành kênh thông tin giao tiếp thiết thực, hiệu quả với phụ huynh, học sinh.
Hồng Hiếu