Tin tức/(Trường tiểu học Đoan Bái 2)/Khuyến học - Gương sáng/
THÀNH CÔNG TRONG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Tốt nghiệp Trường Đại  học Sư phạm Thái Nguyên– khoa Tiểu học năm 2006, cô Ngô Thị Thành được tiếp nhận về công tác tại trường Tiểu học Hương Lâm số 1. Sau 5 năm công tác cô được chuyển về trường Tiểu học Đoan Bái số 2 tiếp tục công tác giảng dạy cho đến nay. Gần 11 năm bước chân vào nghề giáo, cũng là ngần ấy năm cô làm công tác chủ nhiệm và gắn bó với bao thế hệ học trò.Trải qua giai đoạn đầu đầy bỡ ngỡ không thể tránh khỏi, nhưng bằng nghị lực bản thân và nhất là niềm tin yêu với nghề, cô Thành luôn phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và tích luỹ kinh nghiệm, để mỗi khi đứng trên bục giảng có thể đem hết kiến thức truyền đạt cho các em học sinh.

Với tôi, công việc trọng tâm của người giáo viên chính là những giờ lên lớp. Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được sự hứng thú say mê học tập của học sinh. Tuỳ theo trình độ của học sinh mà mình nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn, giàu tính sáng tạo, giúp học sinh học và nhớ nội dung bài tốt và lâu hơn” – Cô giáo Ngô Thị Thành - chia sẻ

Cũng nhờ sự ham học hỏi, luôn tự trau dồi kiến thức nghề nghiệp cộng với niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo và tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu của mình mà cô đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp Huyện và cấp Tỉnh nhiều chu kì mà các thế hệ học sinh do cô phụ trách đều được đánh giá là ngoan ngoãn, chăm học và đều có kết quả học tập tốt. Hơn thế, cô còn được Ban Giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, năm nào cũng có học sinh  đạt giải. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Thành còn tham gia tích cực nhiều hoạt động phong trào khác; từng đạt giải Ba cuộc thi “ Tiết đọc thư viện” do dự án Room To Reed tổ chức.

Luôn vận dụng và đổi mới phương pháp trong giảng dạy ( Hoạt động nhóm cộng tác giúp giáo viên đánh giá năng lực học sinh một cách chính xác theo thông tư 22)

 Trong quá trình dạy học, cô Thành nhận thấy Tiểu học là một bậc học đóng vai trò nền tảng, không chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức khoa học cơ bản mà còn là khoảng thời gian định hình, phát triển kỹ năng, kỹ xảo của trẻ. Do vậy, giáo dục Tiểu học đóng vai trò quan trọng  trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo nghị quyết trung ương II khoá VIII khẳng định: “Phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh” . Học sinh học tập trong lớp học là sự kết hợp chủ yếu giữa học tập cá nhân và học tập theo nhóm cộng tác. Trong đó, học sinh chủ động thực hiện các bước học tập (cá nhân hoặc theo nhóm) theo tài liệu và hưỡng dẫn của giáo viên. Như vậy học sinh sẽ được học nhiều hơn.

Để thực hiện đồng bộ việc đổi mới thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư 22 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh Tiểu học.Đánh giá theo thông tư 22 là những hoạt động quan sát, tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh, nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh Tiểu học.

Để thực hiện một hoạt động học trong hoạt động nhóm cộng tác cô luôn hướng học sinh của mình phải chuẩn bị một số việc phục vụ cho học tập như chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà; các việc theo yêu cầu của giáo viên, làm việc cá nhân, làm việc theo sự phân công của nhóm.Từ những minh chứng này giúp cô đánh giá thường xuyên được năng lực Tự phục vụ, tự quản của học sinh.

Học sinh sử dụng đồ dùng học tập trong giờ học toán 5

Trong quá trình giảng dạy cô Thành nhận thấy hoạt động nhóm cộng tác có hai yếu tố cần thiết cho sự thành công của hoạt động nhóm là: (1) An toàn, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe, thoải mái và tự nhiên.(2) Thói quen sẵn sàng chủ động hỏi- phản hồi, giúp đỡ, có sự “quan tâm điềm tĩnh.” Như vậy việc sẵn sàng chủ động hỏi- phản hồi của học sinh khiến các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Khi hỏi và phản hồi các em thực sự chủ động và thoải mái. Người hỏi nhìn bạn với một thái độ như mong muốn bạn giúp còn người trả lời có thái độ thân thiện, cởi mở, nhẹ nhàng giảng giải và giúp bạn. Những hành động cử chỉ này thể hiện sự ứng xử thân thiện của các em. Khi được bạn giúp mình thì người hỏi cần tích cực lắng nghe sự chia sẻ của bạn. Trong quá trình trình bày, báo cáo kết quả của hoạt động học tập, các em sẽ thể hiện được khả năng giao tiếp: trình bày to, rõ ràng ngắn gọn nói đúng nội dung cần trao đổi. Như vậy khi các em hoạt động nhóm cộng tác, người giáo viên cần quan sát, ghi nhớ, lưu lại những hành động, cử chỉ, lời nói của các em sẽ khiến việc đánh giá về năng lực giao tiếp, hợp tác được dễ dàng hơn.

Sự chủ động của học sinh trong tiết toán 5

Việc học trong hoạt động nhóm cộng tác không diễn ra trong sự thống nhất mà là sản phẩm của sự đa dạng và sự khác biệt. Các em tự thực hiện nhiệm vụ học nhân trước, nếu gặp khó khăn thì cần tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời của bạn, chia sẻ kết quả học tập với bạn, với cả nhóm. Trong thực tế cũng có một số học sinh không chịu vận dụng những điều đã học để giải quyết nhiệm vụ trong học tập mà có tính ỷ lại cho bạn, không suy nghĩ chờ hỏi bạn. Lúc này người giáo viên phải tinh ý, bằng những câu hỏi gợi ý về những nội dung kiến thức đã học có liên quan giúp em giải quyết được nhiệm vụ học tập, động viên lần sau em cố gắng phát huy để không phải hỏi bạn.Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập và trao đổi, các em đưa ra những ý kiến cá nhân, bộc lộ sự hiểu biết sâu rộng của mình trong sự tôn trọng và khích lệ của mọi người  thì các em sẽ phát hiện những tình huống mới liên quan tới bài học hoặc trong cuộc sống và tìm cách giải quyết những tình huống đó. Đánh giá những khả năng trên của các em là giáo viên đã đánh giá được năng lực Tự học và giải quyết vấn đề của học sinh.

Học sinh tự giác nghiên cứu nhiệm vụ học tập

Tóm lại, thông qua việc thường xuyên sử dụng hoạt động nhóm cộng tác trong giảng dạy cô Thành đã thấy được tầm quan trọng và tính ưu việt của phương pháp này là: Tạo cho giáo viên có những thuận lợi trong việc đánh giá học sinh Tiểu học theo thông tư 22; Giúp cho giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục.

Với những đổi mới sáng kiến trong dạy học, cô Thành luôn chia sẻ với đồng nghiệp trong những giờ sinh hoạt chuyên môn. Bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân đã giúp cô vượt qua nhiều khó khăn, cùng với tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Gần 11 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với nghề giáo, thực hiện sứ mệnh trồng người, những đóng góp của cô Ngô Thị Thành thật đáng trân trọng.

Tác giả: Ngô Thị Hiền

Xem thêm

Văn bản mới

Thương lắm thầy cô ơi - Hương Lan
Múa chào mừng 20/11
Niềm vui ngày khai trường
Ngày hội đến trường
  • Thông báo
  • Ba công khai