Chủ nhật, 28/04/2024 07:54:24
Đừng để “lòng nhân đạo” nuôi dưỡng “hành vi vô nhân đạo”!

Ngày: 25/12/2014

Việc UBND TP.HCM kêu gọi không cho tiền người ăn xin đang nhận được sự ủng hộ của dư luận. Thực ra, tình trạng ăn mày, ăn xin không chỉ xuất hiện ở Việt Nam hay các nước kém phát triển mà ngay tại các nước giàu có, tình trạng này cũng không hiếm.
 >>  TPHCM chủ trương “không cho tiền người xin ăn”

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tuy nhiên, ở các nước đó hình thức ăn xin có khác và hình như người xin tiền cũng có  tự trọng hơn, có “văn hóa” hơn. Họ chơi đàn, họ hát như ở Việt Nam trước đây là hình thức hát xẩm kiếm tiền.

Việc khuyến cáo người dân không cho tiền người ăn xin ở Việt Nam cũng không mới. Cách đây hơn chục năm, tại Sa Pa, du khách cũng được khuyến cáo là không nên cho tiền người ăn xin. Gần đây, Đà Nẵng cũng thực hiện chủ trương này.

Lý do mà lãnh đạo ở Sa Pa hay Đà Nẵng đưa ra là nếu như để “nghề” này phát triển, không chỉ mất mỹ quan của một địa điểm du lịch mà sâu xa hơn, sẽ có rất nhiều trẻ em bỏ học để đi xin vì lợi “nhuận” của “nghề” này không nhỏ.

Gần đây tại các thành phố lớn, tình trạng trẻ em bị bọn cái bang chăn dắt không phải là hiếm. Đã có nhiều em nhỏ bị hành hạ, thậm chí gây tàn tật để làm “cái máy xin tiền” cho bọn người man rợ.

Đó là chưa kể không ít người có sức lao động nhưng không muốn đi làm, thậm chí thấy lợi ích lớn hơn của việc đi ăn xin mà bỏ bê công việc, muối mặt làm nghề ít tự trọng nhưng lại nhiều lợi nhuận.

Có lẽ trong chúng ta, đã không ít lần bị những kẻ lười biếng này “quấy rối” mỗi khi ăn sáng hay uống cốc café mong được bình tâm thư giãn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây lại là bài toán về lòng nhân đạo và phi nhân đạo.

Trong thâm tâm mỗi con người, nhất là với một dân tộc giàu tình cảm và cảm tính như người Việt, việc giúp đỡ những người già cả, neo đơn, ốm đau, tật bệnh, nghèo khó... hay những trẻ em cơ nhỡ là điều rất đáng làm và nên làm.

Song, nếu như một khi lòng tốt bị lạm dụng thì vô tình, hành động nhân đạo của cộng đồng lại gián tiếp tiếp tay cho hành vi vô nhân đạo của một nhóm người xấu.

Thậm chí, việc dung túng cho hành vi lười biếng cũng là một tội lỗi.

Vì vậy, không ít nhà hảo tâm đã dùng phương pháp khác như giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn thông qua những quỹ nhân ái có uy tín như Tấm lòng Vàng của báo Lao động hay Tấm lòng Nhân ái của báo điện tử Dân trí hoặc trực tiếp chuyển tiền, quà đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn.

Có những nhà hảo tâm chọn phương pháp xây dựng hẳn những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi hay người già nhưng kiên quyết không cho những người ăn xin dù một cắc.

Trở lại với câu chuyện của TP HCM, việc khuyến cáo không cho tiền người ăn xin là cần thiết. Tuy nhiên, để có một chiến lược lâu dài, có lẽ cần nghiên cứu cách của TP Đà Nẵng đã từng làm.

Đó là trước hết, sàng lọc những đối tượng thực sự khó khăn cần phải giúp đỡ để đưa họ vào những trung tâm nuôi dưỡng, giáo dục, đặc biệt là các cụ già không nơi nương tựa hay trẻ em lang thang.

Cùng với đó là xử lý nghiêm khắc bọn cái bang, không cho họ tồn tại bằng cách hành hạ, bóc lột trẻ em và khai thác lòng tốt của người khác.

Giúp một người già hay một đứa trẻ không phải là chỉ cho họ một bữa, hai bữa mà sâu xa hơn, cứu giúp những mảnh đời còn lại của người già cả và cuộc sống tương lai sau này của đứa trẻ.

Vì vậy, khuyến cáo của TP HCM sẽ trọn vẹn hơn, nếu như có các giải pháp đồng bộ như sàng lọc đối tượng, xây dựng những trung tâm bảo trợ xã hội từ ngân sách nhà nước và sự tài trợ của các nhà hảo tâm, nghiêm trị bọn cái bang, tuyên truyền vận động đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mong rằng chủ trương này không dừng ở Sa Pa, Đà Nẵng hay TP HCM mà cần nhân rộng ra cả nước.

Còn với mỗi chúng ta, có lẽ cũng cần phải “định tính” giữa lòng nhân đạo và phi nhân đạo bởi như đã nói ở trên, rất có thể việc làm nhân đạo lại nuôi dưỡng cho hành vi vô nhân đạo, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám


sưu tầm
Tin liên quan