Ngày: 13/04/2017
S Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, chương trình này đang được xây dựng có nhiều điểm mới từ phương pháp cho những nội dung cụ thể. Tuy nhiên, chương trình chỉ là bản thiết kế, để thực hiện được chương trình, cần có những điều kiện đảm bảo kèm theo.
· >> Công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới
· >> 1.800 tỷ đồng đổi mới giáo dục phổ thông được dùng ra sao?
· >> Những cải cách giáo dục không cần đề án nghìn tỷ
- Xin ông cho biết cụ thể hơn về những điểm khác hoặc mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) so với chương trình hiện hành?
Chương trình giáo dục phổ thông mới có 3 điểm mới cơ bản so với chương trình hiện hành.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Thứ nhất là về phương pháp xây dựng chương trình, chúng tôi áp dụng các phương pháp “Sơ đồ ngược” và Đánh giá tác động của chính sách.
Thứ hai, chương trình đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. Đó là mục tiêu cụ thể của chương trình, đồng thời cũng là “chân dung” người học sinh mới.
Thứ ba, chương trình được xây dựng lần này có sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo quy định từ Nghị quyết của Quốc hội, chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.
- Tại sao lại xác định học sinh cần 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi?
- Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT xác định mục tiêu đổi mới là: “Đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chứcgiáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.
Để xác định các phẩm chất cần hình thành, phát triển ở học sinh, Ban Phát triển Chương trình GDPT đã nghiên cứu các văn kiện của Đảng và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam (Nghị quyết 5 của BCH Trung ương khóa VIII, Nghị quyết 33 của BCH Trung ương khóa XI, Năm điều Bác Hồ dạy học sinh).
Dựa trên các tài liệu này, đồng thời cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại và phù hợp với hệ thống phẩm chất, năng lực nói chung trong Chương trình GDPT mới, dự thảo chương trình nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
Về năng lực, các tài liệu chính mà chúng tôi dựa vào là tài liệu của OECD (năm 2005), EU (năm 2006) và WEF (2015). Hệ thống hóa nội dung các tài liệu này, đồng thời chắt lọc cho phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo chương trình nêu lên 10 năng lực cốt lõi. Đó là những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại, bao gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
GS Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu cơ sở khoa học của việc xác định phẩm chất, năng lực học sinh
- Ở điểm mới thứ 3 mà ông nhắc đến, sự phân hóa ở cấp THPT được thực hiện như thế nào và tính liên thông giữa cấp học này với các cấp học dưới thể hiện ra sao, thưa ông?
- Ở cấp THPT, chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).
Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.
Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3 trong số 12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Về việc đảm bảo sự liên thông giữa các cấp học và giai đoạn giáo dục, trong suốt quá trình xây dựng chương trình, chúng tôi đã có hàng loạt các buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia và đơn vị liên quan.
Riêng về tính liên thông giữa các cấp học phổ thông thì đó là vấn đề mà các chuyên gia trong Ban Phát triển Chương trình GDPT có trách nhiệm bảo đảm. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh vẫn học theo những mạch nội dung được xác định từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng học sâu hơn, có tính hướng nghiệp hơn.
Tháng 9 có thể ban hành chương trình chính thức
-Theo Nghị quyết 88 thì đến năm 2018 chúng ta bắt đầu dạy học theo chương trình mới, SGK mới. Liệu việc xây dựng chương trình-SGK mới có kịp lộ trình này?
- Về tiến độ xây dựng Chương trình GDPT, mặc dù Bộ GDĐT đã hết sức chủ động, nhưng có nhiều việc so với tiến độ đề ra đã chậm 1,5 năm. Việc này có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, một số quyết định liên quan đến việc xây dựng chương trình được ban hành rất chậm. Ví dụ, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mãi tới ngày 4/11/2016 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Việc bổ nhiệm các thành trong Ban Phát triển Chương trình cũng không diễn ra nhanh chóng do danh sách ứng viên phải được lọc và gửi sang Ngân hàng thế giới để hiệp y.
Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình GDPT; cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm. Và cho đến ngày 14/3/2017 vừa rồi (cách đây vừa 1 tháng) mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học.
Về nguyên nhân chủ quan, việc thay đổi nhân sự lãnh đạo Bộ cũng có ảnh hưởng, vì Bộ trưởng mới cần có thời gian để nghiên cứu, chỉ đạo công việc, nhất là khi Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công việc quan trọng này.
Kế hoạch giáo dục của chương trình mới. Bấm vào hình để xem chi tiết |
Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Chương trình đã được thực nghiệm trong quá trình xây dựng dưới nhiều hình thức, kể cả biên soạn và dạy thực nghiệm một số nội dung mới.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết SGK và tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Như vậy, có khả năng thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra: Đầu năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai chương trình mới và toàn bộ việc triển khai chương trình mới sẽ hoàn thành vào năm học 2022 – 2023.
Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chương trình, SGK bảo đảm chất lượng; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở được chuẩn bị tốt; cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được yêu cầu, ít nhất là đối với lớp 1 thì công việc sẽ được triển khai. Nhưng nếu không bảo đảm chắc những điều kiện tối thiểu nói trên thì phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.
- Điều nhiều người lo lắng nhất chính là việc triển khai được chương trình trong thực tế. Ông hình dung thế nào về những điều kiện cần đảm bảo để thực hiện chương trình mới?
-Chúng ta cũng hiểu rằng chương trình chỉ là bản thiết kế. Để hiện thực hóa chương trình, cần quan tâm đến việc biên soạn và lựa chọn SGK, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng gíáo viên, bảo đảm cơ sở vật chất trường học, đổi mới phương pháp giáo dục, phối hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, trong đó có việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Có những việc là của ngành Giáo dục, nhưng có những việc cần sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, người dân và chính quyền các cấp.
Tôi chỉ nêu ba ví dụ:
Nếu không đổi mới nội dung và hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thì giáo viên và học sinh sẽ không thay đổi cách dạy, cách học.
Nếu không có đủ phòng học bộ môn, sân chơi, chỗ thực hành ngoài trời thì giáo viên khó có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu, thực hành.
Nếu mỗi lớp ở đô thị vẫn “nhồi nhét” tới 50 – 60 học sinh thì giáo viên khó có cách gì đổi mới phương pháp giáo dục được. Người dân cần quan tâm đến những vấn đề này và đòi hỏi chính quyền địa phương bảo đảm cho con em người dân được học trong điều kiện không kém hơn các địa phương khác.