Ngày: 10/05/2017
Cứ gần kết thúc năm học, khi học sinh chuẩn bị đón mùa hè thảnh thơi sau thời gian học tập vất vả thì cũng là lúc nhiều bậc cha mẹ đau đầu trong việc chọn trường cho con vào các lớp đầu cấp. Thậm chí nhiều gia đình xảy ra bất hoà vì vấn đề này. Trong khi đó, trường tốt không chắc đã thực sự tốt cho con.
Gia đình bất hoà vì chọn trường
Mấy tuần nay, gia đình anh Khanh, chị Du (Hoàng Mai, Hà Nội) lúc nào cũng trong tình trạng cơm không lành, canh chẳng ngọt vì bất đồng quan điểm trong chọn trường cho đứa con gái chuẩn bị vào lớp 1. Chị Du kể, chồng chị muốn cho con vào học một trường danh tiếng ở quận Hoàn Kiếm để con có cơ hội học tập tốt hơn, thầy cô cũng “có tiếng” hơn. Trong khi chị lại cho rằng con học ở gần nhà sẽ tiện hơn cho ông bà đưa đón vì anh chị đi làm cả ngày. “Tôi vẫn bảo vệ quan điểm thà làm vua xứ mù còn hơn làm thằng chột chỗ sáng còn chồng thì khăng khăng ếch ngồi đáy giếng thì sao mà mở mang đầu óc, mà phát triển được. Vậy là, hai vợ chồng bỗng dưng chẳng ai thèm nói với nhau câu nào” - chị Du thở dài.
Cũng vì không thống nhất việc chọn trường cho con mà gia đình chị Dương Hiền Thu (Quan Nhân, Hà Nội) cũng trở nên rối ren. Chị Thu kể, cứ bàn về chuyện chọn trường cho cháu là ông bà nội và vợ chồng chị lại to tiếng vì mỗi người một ý. Dù kinh tế còn khó khăn, đồng lương viên chức của anh chị còn thấp và vẫn phải sống chung nhà với ông bà nhưng anh chị vẫn muốn chọn một trường dân lập có tiếng, sĩ số ít để con được cô giáo quan tâm nhiều hơn, được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Tuy nhiên, ông bà của cháu lại không nghĩ thế.
Ông bà thì nhất định muốn cháu học trường công lập vì chương trình sẽ chuẩn đúng theo khung của Bộ GDĐT, lại tiết kiệm chi phí. “Dẫu biết rằng ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho con, cho cháu nhưng quan điểm và suy nghĩ mỗi thời mỗi khác để thống nhất là điều khó vô cùng” - chị Thu cho hay.
Tưởng chừng sự việc này chỉ ở thành phố nhưng ở nông thôn, nhiều bố mẹ cũng mất ăn, mất ngủ vì chọn trường cho con. Anh Tuyến, chị Đào (Đông Anh, Hà Nội) cũng đau đầu vì phải chọn cho con học trường chuyên hay không chuyên. Bài toán trường không chuyên thì gần nhà, học phí thấp, dễ quản lý con hơn với việc học trường chuyên con phải đi ở trọ, tốn tiền hơn nhưng có kiến thức hơn cũng khiến anh chị chạy như đèn cù thời gian qua.
Trẻ cần được chọn trường phù hợp
Trường tốt nhưng có chắc hợp khả năng của con, điều kiện của cha mẹ... là vấn đề được TS Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) đề cập về chủ đề này. Theo TS Vũ Thu Hương, nhiều bố mẹ đang có suy nghĩ trường học ổn sẽ có giá trị quyết định việc học tập thành hay bại của con đến 90%. Tuy nhiên, là người làm trong ngành giáo dục tiểu học lâu năm, TS Hương cho rằng điều đó không hoàn toàn đúng. Theo bà Hương, trường học của Hà Nội hay Cần Thơ, Cà Mau... hoặc bất kể một trường học nào trên đất nước Việt Nam hiện nay cũng đang học cùng một bộ sách và theo cùng một chương trình. Vì thế, không có chuyện học trường kém thì con mình không biết gì hay học trường tốt thì con mình sẽ hết dốt.
TS Hương cũng nhận định rằng, hiện nay các trường học vẫn đang “bị bệnh thành tích” bủa vây khắp nơi mà yếu tố gây ra lại chính từ phía phụ huynh, phía ban giám hiệu, phòng, sở và thậm chí ở chính giáo viên. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý: “Trường càng đông học sinh đôi khi sẽ làm cô giáo mất khả năng kiểm soát tình hình và con còn có thể bị sức ép thành tích nặng nề. Vì thế, việc vào trường điểm không phải là lựa chọn tối ưu”. TS Vũ Thu Hương khẳng định, trường nào cũng có ưu điểm và nhược điểm chính vì thế bậc cha mẹ cần chọn trường phù hợp với con mình theo các tiêu chí như khả năng thích ứng của con, môi trường giáo dục, điều kiện của gia đình...
Theo bà Hương, ưu tiên đầu tiên khi chọn trường cho con là chọn trường gần nhà bởi lẽ, trường gần, con sẽ có thể tự đi đến trường và con sẽ học được tính tự lập rất tốt. Ngoài ra, nếu trường nào có nhiều học sinh lễ phép, ngoan ngoãn và lịch sự thì nên cho con vào đó. Vì giáo dục đạo đức luôn làm điểm nhấn quan trọng nhất trong mọi giai đoạn giáo dục con người. Các con đồng loạt lễ phép thì đúng là nhà trường đã giáo dục đạo đức cho các con rất tốt. Đạo đức tốt thì việc học hành, nhận thức cũng sẽ ổn cả.
Đồng quan điểm, TS Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định thực chất việc chọn trường này, trường kia cho con thể hiện kỳ vọng của bố mẹ đối với con mình. Thế nhưng, kỳ vọng ấy nếu đặt không hợp lý sẽ tạo nên một áp lực rất lớn cho đứa trẻ. Phần lớn bố mẹ chọn trường tốt thường nghĩ nhiều hơn đến số lượng học sinh giỏi, đoạt giải cao trong các kỳ thi, cô giáo tốt… và nghĩ học ở đó thì con có kiến thức tốt. Nhưng hiện nay, kiến thức chỉ chiếm khoảng 20% trong thành công của một con người còn 80% liên quan đến kỹ năng mềm, giá trị sống…
“Một số ông bố, bà mẹ suy nghĩ chọn trường dân lập vì phương pháp ở đấy phù hợp với con theo nghĩa là chúng đòi hỏi gì thì các thầy cô dễ dàng đáp ứng hơn, được nâng niu, chăm chút hơn, được thoải mái bày tỏ quan điểm, có nhiều hoạt động trải nghiệm. Còn trường công lập thì trẻ phải theo một số quy định nhất định. Đây có thể là một hướng đúng. Nhưng nếu con bạn chưa có tính tự lập, tính kỷ luật, lắng nghe mà vô tình bố mẹ đưa con vào môi trường quá thoải mái thì các đức tính đó sẽ khó được hình thành, rèn luyện. Ở đây, không bàn đến yếu tố trường công hay trường tư tốt hơn mà là quan điểm của bố mẹ khi chọn trường cho con. Ở khía cạnh khác, nhiều khi chọn trường tốt là cứ ép cho con học những môn mà bố mẹ cho là phải giỏi môn đó mà không cần quan tâm tới sở trường của con. Đây cũng là một trong những sai lầm phụ huynh thường mắc phải” - TS Nam phân tích.