Chủ nhật, 06/07/2025 02:19:57
Phân tích phản hồi về bài học minh họa

Việc suy ngẫm là việc làm hết sức quan trọng để xem xét lại tình hình thực tế của lớp học và rút ra những thông tin cần thiết cho việc tiến hành những bài học tiếp theo. Chính vì vậy, bước này được gọi là phân tích bài học. Quan điểm của giáo viên về học sinh và tình hình học tập của các em là những vấn đề cơ bản của giáo dục.

  Hơn nữa, hoạt động phân tích, phản hồi này sẽ làm bộc lộ những khác biệt còn tồn tại giữa tiến trình bài học thực tế và kế hoạch bài học được thiết kế trước đấy. Sau đó, GV sẽ có thể vạch kế hoạch bài học dựa trên cơ sở dự đoán xem học sinh sẽ phản ứng như thế nào trên thực tế. Giáo viên sẽ có thể chuẩn bị thêm nhiều phương án đáp lại học sinh. Đây là một trong những năng lực chuyên môn quan trọng của Gv. Bằng cách tích luỹ kinh nghiệm như thế này, dần dần người GV có thể phát triển khả năng thực tế hơn trong việc biên soạn kế hoạch cho các bài học về sau.

Ngoài ra, trao đổi về các vấn đề trong thực tế sẽ dẫn GV tới chỗ suy nghĩ về việc phải làm gì nhằm đối phó với những vấn đề đó và cần suy ngẫm xem có thể khắc phục các vấn đề đó như thế nào trong tương lai. Đây là một phần quan trọng của phân tích, phản hồi xét từ khía cạnh sau khi vạch kế hoạch.

Việc nhìn nhận lại bài học là rất quan trọng: nó làm cho kết cấu vô hình của bài học trở thành hữu hình. Vì dụ khi dự giờ quan sát thấy một em học sinh đã cất biến quyển vở của mình đi. Một kết cấu tiềm ẩn nào đó của bài học được bộc lộ trong quá trình dự giờ. Điều này có thể được thể hiện rõ trong quan hệ tương tác giữa giáo viên với các học sinh, qua ngôn từ và phi ngôn từ.   

          Dưới đây là những đặc điểm chính của việc suy ngẫm:

          - Tập trung vào tình hình học tập của học sinh

          Giáo viên cần phải thảo luận về bài học dựa trên tình hình học tập của học sinh. Khi phân tích bài học, giáo viên cố gắng hình dung xem em này đang nghĩ gì, em kia đang trải qua điều gì và em khác đang cảm thấy điều gì trong giờ học. Làm được điều này thì GV sẽ có thể nhận ra được thực tế học tập của học sinh - vấn đề cơ bản của giáo dục.    

          - Trao đổi ý kiến giữa những người dự giờ

          Giáo viên trao đổi càng nhiều ý kiến thì càng nhận ra được thực tế học tập của học sinh rõ ràng hơn. Vì thế, các GV khi tham gia vào phân tích bài học cần đẩy mạnh giao tiếp và thảo luận giữa những người dự giờ càng nhiều càng tốt vì qua đó có thể học được nhiều điều và nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giáo viên sẽ có được một số điều sau đây:

          + Nhận ra thái độ đối với học sinh và quan điểm về HS của GV

          Việc phân tích bài học sẽ giúp giáo viên nhận ra thực tế còn thiếu hiểu biết về học sinh của bản thân và cũng cho GV một cơ hội quan trọng để xem xét lại quan điểm của mình về học sinh. Mỗi người GV có thể cải thiện việc dạy học của mình thông qua hoạt động liên tục như vậy. 

            + Thiết lập một chương trình thực sự: “chương trình dựa trên việc học tập” 

          Tất cả sách giáo khoa, sách giáo viên và kế hoạch bài học tham khảo thường không hoàn toàn phản ánh được những nhu cầu thực sự của học sinh, những tình huống học tập thực sự và cần phải được điều chỉnh, cải tiến. Việc phân tích cung cấp cho GV rất nhiều thông tin cần thiết để điều chỉnh những kế hoạch sẵn có cho phù hợp với những tình huống học tập thực tế của học sinh.

          + Thu thập những thông tin cần thiết để cải tiến bổ sung

          Giáo viên dạy học sinh hàng ngày và liên tục chuẩn bị nhiều kế hoạch bài học. Khi chuẩn bị kế hoạch bài học, Gv thường gặp khó khăn vì không có ý tưởng rõ ràng về việc dạy như thế nào. Điều này chủ yếu là do GV thiếu kiến thức về nội dung giảng dạy và hiểu biết về học sinh. Tuy nhiên, hoạt động phân tích bài học thường xuyên liên tục sẽ giúp cho GV một hình ảnh rõ ràng về học sinh và việc học tập của các em. Hình ảnh này sẽ là một nguồn thông tin quan trọng giúp mỗi GV tiến hành các hoạt động dạy học hàng ngày.

 

 

Tác giả: TRần Văn Định

Xem thêm