Chủ nhật, 22/12/2024 19:56:00
Kỷ luật học sinh - giáo viên cần được trang bị kiến thức gì?

Ngày: 14/03/2018

Là người được đào tạo trong trường sư phạm, chị Hoàng Thanh Vân - Trưởng phòng Bản quyền và Hợp tác, Công ty CP Sách Omega Việt Nam - chia sẻ quan điểm cá nhân về những kiến thức trường sư phạm cũng như lớp tập huấn cần cung cấp cho giáo viên, nhằm giúp thầy cô giải quyết các vấn đề về mối quan hệ với học trò và phụ huynh.

Trí thông minh đa dạng

Cô Hoàng Thanh Vân cho rằng, cần cung cấp cho thầy cô kiến thức về các loại hình năng lực, trí tuệ khác nhau của trẻ, tránh việc đánh giá đổ đồng học sinh, cho rằng bất kỳ em nào học kém văn toán cũng đều là "dốt".

Nhiều học sinh không tập trung nghe giảng đôi khi cũng vì các em có tai quá thính, dễ mất tập trung vì những âm thanh bên ngoài. Các em có tư duy hình ảnh cao sẽ chỉ tiếp thu tốt nhất nếu được quan sát sự vật, sự việc tận mắt. Nhiều em có trí tưởng tượng mạnh và óc sáng tạo cao sẽ không ngăn nắp gọn ghẽ như các em theo kiểu tư duy logic...

Tâm lý học lứa tuổi

Giáo viên cũng cần có kiến thức về tâm lý học lứa tuổi và quá trình tạo thành trí tuệ, cảm xúc của trẻ. Vấn đề này đã được đề cập chi tiết qua cuốn sách "Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc" của nhà thần kinh học John Medina.

John Medina chỉ ra rằng: não bộ của trẻ chỉ có thể phát triển tối ưu khi trẻ cảm nhận được rằng mình "an toàn". Khi trẻ bị trừng phạt và đe dọa, chức năng “học hỏi” của não bị tắt đi; thứ duy nhất trong não trẻ phát triển là sự đối phó để bảo vệ bản thân, trong đó có cả việc hình thành sự chống đối, nói dối, hoặc lầm lì.

Rất nhiều vấn đề về rối loạn khả năng kiềm chế cảm xúc của trẻ (và người lớn) tồn tại do tổn thương từ khi nằm trong bào thai do ảnh hưởng từ tâm lý của mẹ trong quá trình mang thai, tới giai đoạn hoàn thiện bộ não 2 năm đầu đời. Những khủng hoảng và mâu thuẫn diễn ra trong cuộc sống gia đình và xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới cấu trúc não trẻ, dẫn đến sự phát triển sai lệch về tâm lý, kéo dài tới cả thời trưởng thành.

Các hội chứng và rối loạn tâm lý

Nội dung thứ 3 trường sư phạm và các khóa tập huấn cần cung cấp cho giáo viên, theo chị Hoàng Thanh Vân là các hội chứng và rối loạn tâm lý của trẻ (và người lớn).

Cụ thể là các kiến thức về trẻ tự kỷ, trẻ tăng động... mà cách nhận biết và giải quyết hiện nay dường như chỉ được dạy cho giáo viên lớp "giáo dục đặc biệt". Trong khi đó, các hội chứng này ngày càng phổ biến, và các thầy cô phải đối mặt với nó hàng ngày.

Cách kiểm soát cảm xúc

Chị Hoàng Thanh Vân cho biết, ở nước ngoài, các sách về kiểm soát cảm xúc được xuất bản nhiều, nhưng ở Việt Nam hầu như không có. Trong khi các thầy cô là đối tượng rất dễ bị trầm cảm. Nếu không tự nhận biết vấn đề tâm lý của bản thân thì dễ gây ra những hậu quả không đáng có.

Ngoài ra, trước những đối tượng đang có trạng thái tâm lý không ổn định, nóng giận (ví dụ như các bậc phụ huynh xót con), cô giáo cũng cần được học cách trung hòa cảm xúc của bản thân và đối phương để điều khiển tốt tình huống, tránh việc bị động và đẩy tình huống đi xa hơn mức đáng có. Đây là nội dung thường được dạy cho nhóm đối tượng bán hàng và chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp.

Các biện pháp kỷ luật tích cực

Các lớp học và sách viết về "Kỷ luật không nước mắt" hiện ngày càng nhiều, nhưng dường như chỉ phổ biến trong giới cha mẹ trẻ ở thành thị. Bởi vậy, không khó hiểu khi cha mẹ và thầy cô mâu thuẫn nếu cha mẹ theo phương pháp mới, còn thầy cô lại không biết gì về các phương pháp này.

Thông tin về điều này, cũng theo chị Hoàng Thanh Vân, hội đồng nhà trường và các nhóm giáo viên hiện nay chủ yếu trao đổi về kế hoạch và công việc chung như sổ sách, quy định, chỉ tiêu, thành tích…, rất ít dành thời gian để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về các vấn đề tâm lý học sinh.

"Tôi nghĩ rằng, khi có học sinh có vấn đề trong lớp, các thầy cô phải được thảo luận chung, cùng tìm ra nguyên nhân khiến học sinh có vấn đề và phương pháp tác động tới học sinh và phụ huynh để giải quyết. Giống như bác sĩ khi gặp ca khó đều có thể hội chẩn với nhau, thậm chí mời các bác sĩ từ bệnh viện khác có chuyên môn cao hơn. Không thể để thầy cô phải đơn độc, mỗi người tự đi tìm giải pháp riêng." - chị Hoàng Thanh Vân cho hay.

 

 

"Khi tranh luận với tôi và những người khác, nhiều người hỏi ngược lại "nếu không phạt học sinh thì làm thế nào để học sinh nghe lời?", thậm chí còn cho rằng không có biện pháp nào ngoài trừng phạt, nếu không phạt thì học sinh sẽ nhờn, coi thường thầy cô giáo, đổ lỗi việc học sinh hư hỏng do bố mẹ chiều, không cho cô phạt...

Bỏ qua chuyện cô giáo trường tiểu học Bình Chánh làm đúng hay làm sai, trách nhiệm đến đâu, sự thực là, nhiều giáo viên lẫn nhiều phụ huynh nước ta đang thiếu kiến thức và công cụ để giải quyết các vấn đề về mối quan hệ với học trò và phụ huynh. Trong đó, giáo viên vừa phải cân bằng các vấn đề trong cuộc sống riêng với gia đình, đồng nghiệp, nhưng lại vừa phải cân bằng với hàng trăm em học sinh, phụ huynh với nhiều tính cách, nhiều hoàn cảnh, nhiều vấn đề khác nhau. 

Khi còn học sư phạm, bộ môn tôi và nhiều bạn hào hứng chờ đợi nhất là môn Tâm lý học. Tuy nhiên, thời lượng học một tuần chỉ có 1 tiết và nội dung học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thời gian học nghiệp vụ sư phạm, trong đó có xử lý tình huống sư phạm lại không nhiều. Do đó, tôi và nhiều bạn bè ra trường đều lúng túng, thiếu kỹ năng..." Chị Hoàng Thanh Vân
c1thitran
Tin liên quan