Ngày: 10/05/2017
Chủ đề giáo dục con hiện đại được nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt bộ sách “Mẹ các nước dạy con trưởng thành” mới đây tại Nhà sách Kim Đồng, TPHCM.
Nhiều năm trở lại đây, phương pháp dạy con ở các nước đua nhau “đổ bộ” vào Việt Nam bằng rất nhiều con đường như sách, mạng xã hội, các lớp học cho phụ huynh... Phương pháp dạy con của một số nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Do Thái... trở thành “kim chỉ nam” của rất nhiều ông bố bà mẹ trong việc dạy con. Không ít gia đình kỳ vọng vào các phương pháp “nhập ngoại” sẽ xây dựng con thành một mẫu hình với tố chất mà họ mong muốn như tự tin, thông minh, có trách nhiệm, kỷ luật...
Phụ huynh Việt rất lúng túng trước các trường phái dạy con trên thế giới
Xu hướng dạy con “nhập ngoại” từ nhiều nước "đổ bộ" vào, phụ huynh Việt đang rất lúng túng trước các trường phái. Phụ huynh thường chia thành các phe, ngay trong gia đình, ông bà, cha mẹ cũng không ít cuộc chiến nảy lửa cho rằng phương pháp này có nhiều ưu thế, cái này đúng, cái kia sai...
Theo bà Phương, đã là phương pháp thì không có đúng sai chỉ có sự phù hợp và lựa chọn. Khi phụ huynh mong muốn điều gì đó ở con thì đều có lý do. Có thể xuất phát từ điều kiện sống, văn hóa, các hệ quy chiếu, nền giáo dục (nhà trường và gia đình) mà bố mẹ đã được nuôi dạy và họ có xu hướng muốn bù đắp thứ mà mình thiếu lên đứa con...
Trong tiềm thức mỗi người sẽ nghiêng về hệ giá trị nào đó là bình thường. Nhưng chính bố mẹ phải tự trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Xuất phát từ đâu mà tôi có xu hướng thích cái này? Và nếu có xu hướng thích cái này quá thì trước hết chính bố mẹ nên tự cân bằng lại để tránh những mặt trái áp đặt lên con.
Không thể áp đặt tùy tiện phương pháp giáo dục lên con trẻ
Hiện nay, cha mẹ có nhiều điều kiện để tiếp cận với nhiều phương pháp dạy con từ các nước tiên tiến mà không nhất thiết bước ra “trời Tây”. Chưa yên tâm khi tiếp cận với trường phái này hoặc thấy chưa phù hợp với con lại tiếp tục tìm hiểu các phương pháp khác. Có những phụ huynh đọc hết, tìm hiểu bằng hết tất cả các phương pháp Đông Tây Kim Cổ để hy vọng tìm ra cách thức tốt nhất dành cho con mình.
Việc cha mẹ đọc nhiều sách, tìm hiểu nhiều phương pháp dạy con là điều rất nên khuyến khích để họ có cái nhìn toàn diện, đa chiều cũng như thấy cái hay, cái chưa được của mỗi phương pháp. Từ đó sẽ tránh được việc quá tôn thờ một phương pháp nào đó để áp lên con.
Tuy nhiên, sau “sàng lọc”, bố mẹ dễ có xu hướng “góp nhặt” hết những cái hay của mỗi phương pháp để vận dụng cho con và tin rằng mình loại được những cái sai.
Chẳng đâu xa, ngay trong buổi giao lưu, đầu buổi các phụ huynh đã biểu quyết thành nhóm chọn phương pháp của Nhật, Mỹ, Đức, Do Thái... Sau khi nghe diễn giả phân tích cái hay, cái dở thì không ít phụ huynh không chọn thứ gì nữa chuyển sang chọn “gom” mỗi thứ một chút. Họ mong con tự tin, tự do như người Mỹ; trách nhiệm như người Nhật; kỷ luật, nề nếp như người Đức và tri thức, giàu có như người Do Thái...
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương bày tỏ, gom mỗi thứ một ít nghe có vẻ dễ nhưng thực chất rất khó và nguy hiểm. “Không bao giờ có một đứa trẻ hoàn hảo và phụ huynh cũng đừng đi tìm chân dung hoàn hảo. Bố mẹ hướng tới chân dung hoàn hảo bao nhiêu thì khả năng đi trật đường càng lớn. Có thể đẩy đứa trẻ vào thế thứ gì cũng hoàn hảo trừ chính tiếng nói bên trong của chúng”, bà Phương cảnh báo.
Theo bà Phương, phụ huynh cần xác định thứ gì là phù hợp với con mình nhất và nằm trong ưu tiên của mình. Bố mẹ có thể đặt ra nguyên tắc, giá trị nào nhất thiết mình phải dạy cho con, con cần phải có. Kế tiếp có thể là những thứ tôi rất mong con tôi có nhưng nếu không có thì nên bằng lòng.
Và chọn bất cứ phương pháp nào thì quan trọng nhất, bố mẹ phải hiểu con. Không thể áp đặt tùy tiện phương pháp nào lên đứa trẻ, có những phương pháp rất hay, khoa học, tiên tiến nhưng áp dụng không phù hợp thì có thể mất nhiều hơn được.