Chủ nhật, 22/12/2024 19:42:46
NHỮNG NGƯỜI THẦY HỘI NGỘ GIỮA MÙA THU!

Ngày: 27/10/2017

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

18/10 -  tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 64 thầy cô, những gương mặt đại diện cho những nỗ lực, cống hiến âm thầm của gần 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước đã "gặp nhau giữa trời thu Hà Nội".

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Thầy giáo Ninh Văn Dậu (Gia Lai) ngoài đời có vẻ “nhỏ bé” hơn nhiều so những bức ảnh trong câu chuyện “vào rẫy lấy em về” từng được nhiều người nhắc tới. Nhưng thầy Dậu cười nhiều hơn.

 

Câu chuyện bên hành lang Nhà hát Lớn bắt đầu từ Ksor Gôl – cậu học trò được thầy Dậu vào rẫy “lấy” về. Gôl giờ đây đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng điểm thi chỉ đủ đỗ vào cao đẳng chứ không vào được trường ĐH em mong muốn.

 

Thầy Dậu nói, thầy cô và bạn bè trong trường khuyên Gôl đi học cao đẳng nhưng em nói sẽ ở nhà ôn để năm sau thi lại.

 

Mình cũng hy vọng và sẽ động viên để em thi tiếp vào năm sau để đi học. Bây giờ ở nhà sẽ rất vất vả”.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Ksor Gôl không phải là học trò đầu tiên thầy Dậu phải vào rẫy để lấy về. Nhưng để “lấy” được học sinh đang trở thành lao động chủ chốt trong gia đình, thậm chí đến tuổi kết hôn theo phong tục địa phương quay trở lại lớp học không hề dễ dàng.

 

 

“Có những em bị bố mẹ bắt ở nhà kết hôn nên khi mình tới nhà vận động em đi học, phụ huynh phản ứng rất dữ dội. Đó là phong tục lâu đời ở địa phương, thay đổi nó không dễ”.

 

Đã 10 năm nay, người thầy giáo quê ở tận Ninh Bình vẫn kiên trì vận động các em học sinh ở vùng đất khó khăn này trở lại lớp học với niềm tin sắt đá rằng: “Yêu thương sẽ nhân rộng những yêu thương”.

Thầy Dậu kể, anh rời quê hương vào Gia Lai với tâm thế của một kẻ muốn khám phá những vùng đất mới. Nhưng chỉ sau vài năm, anh dần cảm thông và gắn bó với những học sinh và mảnh đất nơi đây.

 

Ở những nơi khó khăn như Gia Lai thì người thầy cũng có vai trò riêng. Chúng tôi không chỉ truyền thụ kiến thức cho các em mà bằng tình yêu thương của chính mình để dìu dắt, nâng đỡ các em trên con đường học tập. Nếu không các em sẽ chịu thiệt thòi rất lớn” – thầy Dậu chia sẻ.

 

Phải đặt trong bối cảnh của những thiếu thốn về vật chất, trước những tỉ lệ học sinh bỏ học rất cao ở vùng Tây Nguyên mới thấy những công việc của những thầy giáo như thầy Dậu khó khăn ra sao. Không phải ai cũng làm được nếu không bởi một tấm lòng yêu thương học trò.

 

Nhưng hành trình “vào rẫy lấy em về” của thầy giáo Ninh Văn Dậu không phải là câu chuyện duy nhất về sự yêu thương.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

34 năm cống hiến cho ngành giáo dục, đã sắp đến tuổi phải gác lại mái chèo để nhường lại trách nhiệm lái đò cho thế hệ kế tiếp, thầy giáo già Lê Hữu Phúc có lẽ là một trong những thầy cô lớn tuổi nhất có mặt tại Nhà hát Lớn sáng 18/10.

 

Thành tích mà thầy Phúc đạt được không “dày” như những thầy cô khác ở các thành phố lớn hay các trường chuyên. Hơn 30 năm đi dạy, thầy mới chỉ có 2 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia.

 

Nhưng không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo Trường THPT Cao Lãnh và Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp chọn thầy là giáo viên duy nhất để nhận sự vinh danh này.

 

Nói về những thành tích của mình, thầy Phúc không kể điều gì to tát. Nhưng ông nhiều lần nhắc lại câu chuyện có những học sinh từ đầu định hướng chọn các môn khoa học tự nhiên để thi đại học, nhưng sau khi học thầy, các em lại tìm thấy tình yêu với môn Lịch sử và chuyển sang chọn thi các môn xã hội.

 

Khơi gợi được tình yêu, sự đam mê của học trò đối với môn học của mình, đó hẳn cũng là một vui và tự hào với người thầy giáo già.

 

Suốt cuộc trò chuyện, thầy Phúc luôn nhấn mạnh và đề cao vai trò của người thầy mà với ông người hướng dẫn và trao truyền cảm hứng cho các em với kiến thức.

 

Người thầy luôn phải tìm tòi, đào sâu, đổi mới từng ngày” – người thầy giáo sắp tới tuổi nghỉ hưu hào hứng nói. “Tôi không có giáo án chung cho các lớp. Mỗi lớp học tùy theo từng trình độ, khả năng tiếp thu của các em, tôi có những cách thức khác nhau để giúp các em tiếp cận kiến thức”.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Sáng tạo, đổi mới từng ngày đó là yêu cầu đầy thách thức đối với người thầy bất kể là những người đã về hưu hay những thầy cô mới bước chân vào nghiệp “lái đò”.

 

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương được nhiều người biết tới với sáng kiến dạy môn Địa lý bằng tiếng Anh.

 

Cô Nga chia sẻ, từ thời cấp 2 mình đã học chuyên ngoại ngữ, nhưng khi lớn lên, vì muốn thực hiện ước mơ trở thành giáo viên còn dang dở của bố, cô vào học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và sau này trở thành một giáo viên Địa lý.

 

Là giáo viên chuyên Địa lý, cô Nga cũng nhận thấy rằng, có nhiều nội dung kiến thức của môn Địa lý như môi trường, tài nguyên, kinh tế, dân số cũng được giảng dạy trong môn Tiếng Anh. Từ đó, cô nảy ra ý định thử chọn một số nội dung và soạn bài giảng Địa lý bằng tiếng Anh cho các em học sinh phổ thông.

 

Những bài giảng của cô Nga đã được học sinh đón nhận tích cực khi nó đem lại không khí hoàn toàn mới mẻ cho học sinh. Tuy nhiên, để có một tiết học bằng tiếng Anh mang lại sự hào hứng cho học sinh, những bài giảng cũng phải được chuẩn bị rất công phu.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Dù trước đây từng học chuyên ngữ nhưng mình cũng gặp nhiều khó khăn và phải đầu tư rất nhiều bởi lẽ diễn đạt một số vấn đề chuyên môn bằng tiếng mẹ đẻ đã khó huống chi là tiếng nước ngoài. Vì vậy, để có được một bài giảng trọn vẹn là rất khó khăn” – cô Nga chia sẻ.

 

Khó khăn là vậy, nhưng với cô Nga, sự tìm tòi, đổi mới và sáng tạo chính là động lực, là sự tự tôn nghề nghiệp đồng thời cũng là sự tự tin trước học sinh và đồng nghiệp.

 

Với mỗi giáo viên phải ý thức được sự sáng tạo ảnh hưởng đến sự sống còn của nghề nghiệp. Nếu mình không tự thân đổi mới sáng tạo mà chờ người khác cầm tay chỉ việc thì bản thân sẽ bị tụt hậu so với xã hội”.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Những đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với ngành giáo dục. Những người thầy nằm ở trung tâm của công cuộc đổi mới ấy.

 

Câu chuyện của thầy giáo Lê Đức Dũng, hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường (Đồng Nai) bên hành lang khán phòng Nhà hát Lớn được cánh phóng viên đặc biệt chú ý khi ông bàn tới những vấn đề mà ông cho là cốt lõi của đổi mới giáo dục.

 

Quan trọng nhất của đổi mới chính là người thầy. Nếu không có người thầy tốt, mọi cuốn sách hay đều trở nên vô nghĩa. Chính người thầy sẽ biến cuốn một cuốn sách bình thường thành cuốn sách tốt và ngược lại”.

 

Trong mọi cuộc đổi mới giáo dục nếu không bắt đầu từ người thầy thì coi như thất bại” – ông Dũng bắt đầu câu chuyện của mình.

 

Thế nhưng, để có những người thầy tốt – những người thầy phát huy được tất cả sự sáng tạo, để đổi mới thành công thì những hiệu trưởng, những người quản lý giáo dục lại có trách nhiệm không hề nhỏ.

 

Là người đang ở cương vị quản lý, ông Dũng nói rằng, sẽ không thể đổi mới nếu như những người cấp trên áp đặt bằng những mệnh lệnh và con dấu. “Giáo viên cần phải đổi mới liên tục, tìm tòi liên tục trong khi lương không tăng, điều kiện làm việc không có gì thay đổi. Nói giáo viên đổi mới là cực kỳ khó”.

 

Do vậy, điều quan trọng là những người đứng đầu cần phải làm cho giáo viên tin được mình, nghe được mình, ấy mới là cái khó. “Nếu không có sự đồng thuận trong nhà trường sẽ chẳng thể làm được điều gì tốt đẹp cả”.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Ông Dũng quan niệm rằng, người hiệu trưởng không canh cánh mang đến những điều tốt đẹp nhất cho đội ngũ, cho nhà trường thì dù có làm gì đi chăng nữa chất lượng nhà trường cũng không có chiều sâu. Do đó, hoạt động cần thiết nhất của người quản lý là phải làm sao để mỗi tiết dạy, giáo viên thấy thoải mái, học trò thấy thoải mái.

 

Ông Dũng kể, bản thân ông và nhà trường nhận được vinh dự hôm nay không phải vì có thành tích nổi trội so với những trường khác trong tỉnh vì thi có giải Olympic thì đã có trường chuyên, thi tiếng Anh trên mạng thì cũng có 1 số trường tiểu học trọng điểm của thành phố.

 

Chúng tôi được nhìn nhận vì trong những điều kiện khó khăn nhất định chúng tôi vẫn lấy được những điểm tích cực của mô hình trường học mới (VNEN), vẫn dạy được học sinh và tạo được sự đồng thuận với cha mẹ học sinh”.

 

Chúng tôi đã tạo ra chất lượng để tạo niềm tin với mô hình này”.

 

Niềm tin dường như là điều còn thiếu vắng trong những đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

Những người thầy hội ngộ giữa mùa thu

Trong bài phát biểu tại lễ tuyên dương sáng 18/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói: Trước vô vàn những khó khăn của đổi mới giáo dục thì niềm tin của toàn xã hội sẽ là động lực quan trọng để mỗi chúng ta, mỗi thầy cô giáo, mỗi em học sinh vững vàng hơn trong quá trình đổi mới và sáng tạo.

Nhưng tạo được niềm tin đối với giáo viên, sau đó là học sinh, phụ huynh trước những đổi mới của giáo dục là điều không dễ dàng. Nó đòi hỏi tự thân mỗi người thầy, mỗi nhà quản lý luôn phải nỗ lực bằng cả sự yêu thương lẫn sáng tạo của mình.

 

Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới đó để ngày hôm nay sẽ hiệu quả hơn ngày hôm qua”.

 

Thực hiện: Lê Văn - Thanh Hùng - Nguyễn Thả

c1thitran
Tin liên quan