Ngày: 19/04/2017
Nhà giáo Phạm Toàn trong bài: “Tìm đầu mối để tháo gỡ cuộn chỉ rối” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 01/4/2017 viết:
- “Có thay đổi “căn bản” đến đâu, “triệt để” đến đâu cũng chỉ xoay quanh thay đổi căn bản, triệt để việc học của con em”.
- “Tổ chức việc học, chứ không phải những thứ khác xung quanh hoặc xa lạ với việc học”.
Người viết bài này rất tán đồng ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn.
Tổ chức việc học là việc rất quan trọng, là đích đến của đổi mới giáo dục. (Ảnh minh họa: Baophutho.vn) |
Câu hỏi đặt ra là:
1. Vì sao “Có thay đổi “căn bản” đến đâu, “ triệt để” đến đâu cũng chỉ xoay quanh thay đổi căn bản, triệt để việc học của con em”?
Con em là đối tượng tác động trung tâm, cốt lõi của giáo dục. Mọi hoạt động giáo dục, dù là gián tiếp hay trực tiếp đều tác động đến con em với tư cách là đối tượng mà giáo dục hướng tới.
Con em đồng thời là mục tiêu cơ bản, là sản phẩm cuối cùng của giáo dục. Đó là loại mục tiêu, sản phẩm, đầu ra đặc biệt, liên quan chặt chẽ, lâu dài đến sự tồn vong, thành bại của cộng đồng, quốc gia.
Mọi sự thay đổi trong giáo dục vì lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc, do đó phải hướng tới con em với tư cách là đối tượng, mục tiêu giáo dục trung tâm, cuối cùng, cốt lõi.
Bỏ qua nó, hoặc chỉ xoay quanh nó sẽ đi chệch mục tiêu đổi mới giáo dục.
Trả lời câu hỏi trên còn phải tính đến việc “học” của con em như nhà giáo Phạm Toàn đã đề cập.
“Học” ở đây không đơn thuần là thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại một cách thụ động mà trên nền tảng đó chủ động tiếp thu, vận dụng, ứng dụng thực tiễn, độc lập, sáng tạo…( từ thấp đến cao).
Qua đó cho ra những năng lực, phẩm chất, kĩ năng của mẫu con người mà mục tiêu giáo dục đặt ra và hướng tới.
Việc học và mục tiêu việc học của con em, theo đó sẽ quy định tổ chức quá trình giáo dục.
2. Ai tổ chức việc học của con em?
Giáo dục cần thoát khỏi lối định nghĩa áp đặt
|
- Ngoài ngành giáo dục: Là hệ thống chính trị, là toàn dân, là mỗi gia đình…
- Trong ngành giáo dục: Là các cấp quản lí giáo dục từ Trung ương đến từng địa phương, từng trường học; là thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh, các tổ chức trong nhà trường…
Mọi hoạt động của các lực lượng nằm trong cỗ máy giáo dục dứt khoát phải lấy mục tiêu việc học của con em làm kim chỉ nam.
Nó đòi hỏi sự đồng bộ, nhất quán rất cao trong nhận thức, trong hoạch định kế hoạch (cơ sở vật chất, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy - học, đội ngũ quản lí, giáo viên, phương tiện, thiết bị dạy học…), trong hành động, trong khâu nối, liên thông quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục của hệ thống chính trị, của toàn dân, của bản thân giáo dục…
Trong đó, ngành giáo dục là nòng cốt.
3. Con em học như thế nào?
Con em học chữ và học làm người theo những yêu cầu mà mục tiêu giáo dục đặt ra (đào tạo những con người có năng lực, phẩm chất, kĩ năng…)
Không gian học:
- Học ở trường
- Học ngoài xã hội
Nhà trường, gia đình và xã hội cùng hiệp thông tham gia tổ chức việc học cho con em với tinh thần cùng chung trách nhiệm, thực chất.
Thời gian học:
Học chính khóa ở trường. Học ngoài giờ lên lớp. Học mọi nơi, mọi lúc.
Theo tinh thần đó, gia đình, xã hội sẽ không đổ trách nhiệm cho nhà trường.
Tự mỗi cá nhân con em sẽ được giáo dục việc “học” theo hướng tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, khai phóng, kiến tạo…
4. Vai trò của thầy
Cánh Buồm: Cách tổ chức việc tự học tiếng Việt và Văn
|
Trong không gian của việc học và tổ chức việc học cho con em như đã nói ở trên, người thầy sẽ đóng vai trò:
Là nhà tổ chức trực tiếp, thường trực việc học của học sinh nhằm thực thi chương trình và từng bài dạy cụ thể cùng các hoạt động giáo dục khác diễn ra trong nhà trường.
Là người thi công từng bài dạy, giờ dạy, từng tiết sinh hoạt chủ nhiệm, từng buổi sinh hoạt tập thể…
Là người dùng trí tuệ, tâm hồn, vốn hiểu biết của mình (bao gồm kiến thức sư phạm) như một phương tiện tổ chức việc học cho học sinh nhằm góp phần đắc lực cho ra sản phẩm con người như mục tiêu giáo dục đặt ra.
Là thầy nhưng cũng là bạn để học sinh học hỏi, chia sẻ.
Thực tế đời sống trường học cho thấy, số giáo viên làm thợ nhiều hơn làm thầy. Làm nhiệm vụ thi công trực tiếp nhiều hơn làm nhà tổ chức (trong quá trình thi công lại bảo thủ, ngại thay đổi, khó tiếp thu cái mới).
Khá ít giáo viên làm bạn với học trò. Nếu không khắc phục tình trạng này thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chúng ta đang tiến hành sẽ thất bại.
Thiết nghĩ, những việc chúng ta đang làm, từ triết lí, mục tiêu giáo dục đến cấu trúc bậc học, môn học, cơ sở vật chất, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, đội ngũ quản lí, giáo viên… không lấy việc học và tổ chức việc học theo tinh thần cho ra những sản phẩm con người có những năng lực, phẩm chất kĩ năng đã minh định lâu nay như một mục tiêu đầu tiên và cuối cùng.
Đặc biệt, không triển khai mọi việc đang làm nhằm đổi mới giáo dục theo hướng “tự nó” chứ không phải “cho nó” theo lối áp đặt như từ lâu ta đã quen làm với người học (xin lưu ý: Quá trình “tự nó” chỉ có hiệu quả khi các thông tin đến với người học theo hướng trao đổi, bàn bạc, giúp họ tự hình thành những năng lực, phẩm chất, kĩ năng…), không khâu nối, kết nối được các lực lượng xã hội cùng tham gia, có trách nhiệm với giáo dục thì sự nghiệp đổi mới giáo dục sẽ không thành công.
Tóm lại, giáo dục sẽ tiếp tục bị kìm hãm nếu không lấy việc học, tổ chức việc học cho con em làm mục tiêu cốt lõi.