Chủ nhật, 22/12/2024 14:13:12
Học ít sao người ta vẫn cứ giỏi?

Ngày: 16/04/2018

LTS: Chia sẻ câu chuyện có thật về chuyện học hành của cháu mình khi ở Việt Nam và khi sang Mỹ học, cô giáo Phan Tuyết đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn về chương trình giáo dục tiểu học của chúng ta hiện nay.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tuấn và Hùng là hai đứa cháu con của chị và cũng là học sinh nơi trường tôi dạy hằng ngày.

Biết tôi là dì của hai đứa nên giáo viên thường hay gặp để trao đổi về tình hình học tập của các em.

Cô giáo thường than phiền, Tuấn và Hùng lười học nên học khá yếu và đề nghị gia đình về nhà kèm thêm.

Cứ mỗi lần thấy giáo viên chủ nhiệm của hai đứa gọi lại, tôi lại thấy "quê" và mệt mỏi. Dù gì tôi cũng là giáo viên đang dạy mấy chục học sinh. Thế mà cháu mình lại học dốt như thế.

Làm nhiều bài tập không có ích cho giáo dục Việt Nam nhưng lại có ích cho thi cử

 

Do nhà tôi ở khá xa nên tối anh chị không thể gửi cháu đến nhờ dạy kèm thêm được.

Anh chị tôi cũng thấy phiền lòng nên có gửi hai đứa đi học thêm một giáo viên gần nhà.

Hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật lại chở thẳng lên nhà tôi để gửi.

Chị tôi nói “dì làm giáo viên mà để cháu bị người ta nói hoài chắc cũng mệt.

Thế nên dì cố dành thời gian kèm thêm cho hai đứa cho bằng chúng bạn”.

Thế là suốt cả tuần, hai đứa cháu tôi chỉ học và học mà không có một tí thời gian nào để nghỉ ngơi.

Nhìn cháu học sáng, học chiều trên trường, tối về còn cặm cụi học thêm đến tận 8 giờ đêm, học luôn cả thứ bảy và chủ nhật nhưng lực học của các cháu vẫn bét bẹt nhất lớp.

Năm hai đứa vào lớp 4, gia đình anh chị tôi sang định cư tại Mỹ. Tôi cứ lo hai đứa học kiểu này sang đó chắc chắn không thể theo nổi.

Thế nhưng mỗi lần gọi điện về, anh chị tôi đều hồ hởi khoe Tuấn và Hùng học giỏi lắm.

Tại sao học sinh Hoa Kỳ học ít chơi nhiều mà vẫn cứ giỏi? (Ảnh: Thu Hồng/Giaoduc.net.vn)

Nghe thì nghe thế chứ tôi cũng chẳng tin nhiều vì nghĩ rằng có thể do anh chị mình “nổ” vì sợ nói con học dốt thì ngượng. 

Thời ấy chưa sử dụng Facebook nhiều như bây giờ nên đến khi chị gửi hình hai đứa nhận giấy khen và phần thưởng về tôi mới bị tin là thật.

Có điều cứ làm tôi thắc mắc hoài tại sao ở bên này, hai cháu tôi học suốt ngày suốt đêm nhưng cuối năm cũng chỉ xếp học sinh yếu cùng lắm là được xếp trung bình. Nhưng tại sao qua bên Mỹ lại có thể học tốt như vậy?

Càng cấm càng loạn học thêm trước tuổi

 

Chị nói không phải chỉ con chị mới có kết quả tốt như thế, phần đông trẻ em Việt Nam bên này học rất giỏi.

Điều làm tôi bất ngờ hơn là chị lại kể rằng, hai đứa học hành nhẹ nhàng thoải mái lắm chứ không phải học miệt mài như ở Việt Nam (học sinh lớp 5 sắp tốt nghiệp tiểu học chỉ yêu cầu trình độ cộng trừ, nhân chia nên chị nói như thế thì trình độ quá thấp).

Thời gian học của các em cũng vô cùng thoải mái. Sáng các con đến trường từ 8 giờ đến 3 giờ chiều về nhà với cái cặp nhẹ tênh.

Đặc biệt không bao giờ phải học bài, làm bài, càng không phải đi học thêm.

Ngày mới qua đó, sợ con học đuối, chị đã từng thắc mắc với giáo viên thì được trả lời:

Đối với học sinh tiểu học ở Mỹ học như thế là đủ rồi, điều quan trọng là tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện, chú trọng việc kết bạn, vận động và những hoạt động ngoại khóa”.

Thế nên học sinh đi học rất nhẹ nhàng, bài tập đơn giản và thi cử cũng dễ dàng.

Mẹ là cô giáo, kèm con rất chặt, vậy mà vẫn không thoát ma trận dạy thêm

 

Có học sinh hào hứng khoe “con đi học mà giống đi chơi. Thời gian ở nhà các con chỉ đi chơi bóng đá, bóng bầu dục cùng lũ trẻ hàng xóm”.

Thời gian dành cho học tập của học sinh tiểu học ở Mỹ vô cùng ít. Nhưng ở trường, học sinh luôn đạt điểm A trừ một số sai sót, bất cẩn trong khi làm bài.

Được biết, không phải ở Mỹ trong các lớp học không có học sinh yếu.

Có điều những học sinh có lực học yếu, tiếp thu chậm nhà trường sẽ dạy phụ đạo thêm thời gian ngay tại trường nhưng cha mẹ không phải đóng tiền.

Nghe chuyện học của trẻ em ở Mỹ, tôi cũng thấy hoang mang lắm. Điều làm tôi không thể lý giải được là vì sao học sinh của họ học ít mà vẫn giỏi?

Vì sao học sinh của mình học đến gù lưng mỏi mắt mà rút cuộc cũng chẳng hơn ai? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Chương trình giáo dục, cách dạy của nhà trường hay của phụ huynh đã sai? Sai ở điểm nào? Có bắt đúng bệnh mới mong chữa khỏi bệnh.

Ai hiểu rõ việc dạy và chương trình giáo dục của Mỹ hãy trả lời giúp chúng tôi câu hỏi trên.

Phan Tuyết
Phan Tuyết
Tin liên quan