Ngày: 06/01/2017
Thêm, bớt môn học phải xem xét chu đáo
Chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết, đánh giá Chương trình Giáo dục phổ thông, sách giáo khoa hiện hành của Việt Nam khi nhìn nhận về những bất cập trong chương trình hiện hành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng:
“Bất cập không phải là thừa, mà là chưa hợp lý, phải điều chỉnh. Chương trìnhhiện hành vẫn nặng về kiến thức, nhẹ về kỹ năng, đặc biệt là chưa tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Về cấu trúc thì "đóng" theo các môn chứ không mở theo hướng liên môn, dẫn đến trùng lặp và thiếu hiệu quả trong việc hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Một bất cập nữa, đó là chương trình hiện hành chưa đạt được mục tiêu phân luồng do nội dung học thiếu định hướng nghề nghiệp.”
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, một chương trình hiện đại phải có sự logic, tương tác, kế thừa lẫn nhau giữa các bộ phận.
Do đó, khi điều chỉnh chương trình cần xem xét theo hướng phát triển năng lực, nhẹ nhàng nhưng việc thêm-bớt môn học, cách thức xây dựng môn học của chương trình Giáo dục phổ thông cần được xem xét chu đáo không cắt bỏ các nội dung học tập một cách cơ học. Cùng đó, phải đảm bảo logic, thể hiện đặc trưng của từng bậc học.
"Ví dụ, ở bậc THPT, chọn bao nhiêu môn là vừa, môn ấy như thế nào, bố trí thời lượng từng năm ra sao để quá trình học vẫn đảm bảo kiến thức phổ thông, nhưng đảm liên thông cả về cấu trúc, phân bổ, nội dung từng môn” Bộ trưởng yêu cầu.
Hai điều kiện quan trọng của chương trình sách giáo khoa mới
Chỉ đạo việc hoàn thiện dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ trưởng cho rằng về cơ bản dự thảo đã tiếp cận được yêu cầu, tư tưởng chủ đạo đặt ra trong Nghị quyết 29.
Nhiệm vụ của Dự án Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông là sớm hoàn chỉnh, công bố chương trình tổng thể và chương trình từng môn học, làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa mới.
Bộ trưởng nhận định, để thực hiện chương trình mới, cần có sự chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Chương trình mới sẽ thay đổi từ nội hàm tới cách tiếp cận môn học, từ đơn môn sang đa môn, liên môn, tích hợp…
Vậy đội ngũ giáo viên giảng dạy hơn 1 triệu người sẽ thay đổi như thế nào nào để khi chương trình, sách giáo khoa mới ban hành phải có người dạy?
Chính vì lý do đó, “Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông mời đội ngũ giáo viên phổ thông đồng hành cùng quá trình đổi mới.
Và trách nhiệm của Dự án, của Ban soạn thảo chương trình sau này là huy động mọi người cùng tham gia xây dựng chương trình tổng thể, chương trình bộ môn và biên soạn sách giáo khoa để có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa tốt”, Bộ trưởng nêu.
Bộ trưởng yêu cầu những người tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới quan tâm đến 2 điều kiện quan trọng: đó là đội ngũ giáo viên và điều kiện trường lớp.
Tránh tình trạng lệch pha giữa các thành phần tham gia đổi mới để đảm bảo tính đồng bộ.
Bộ trưởng cũng thể hiện mong muốn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các thầy cô trong quá trình đóng góp:
“Tôi cũng muốn thầy cô tham vấn giúp Ban soạn thảo để lý giải vì sao qua các lần chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa trước đây chưa thành công được như ý muốn.
Cần phải chỉ ra, ngoài vấn đề từ sự bất ổn chưa hợp lý trong nội tại chương trình, còn nguyên nhân nào khác, liệu có phải do giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp...” – Bộ trưởng đặt câu hỏi.