Chủ nhật, 22/12/2024 19:15:33
Một số vấn đề về kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh

Ngày: 22/01/2016

Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế được Hội nghị Trung ương 8 khóa XI thông qua ngày 04/11/2013 trong phần nhiệm vụ và giải pháp đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và xã hội”. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu: “Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối học kỳ, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển”. Vậy, thế nào là đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh? Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cần có những đổi mới như thế nào để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản theo hướng đó?

 

Thực tiễn cho thấy, việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành thái độ của người chỉ trở thành có ý nghĩa khi nó được phối hợp, kết nối trở thành năng lực giải quyết một cách có hiệu quả các tình huống đặt ra trong nhiệm vụ học tập, lao động, làm việc và cuộc sống. Năng lực là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra của cuộc sống. Năng lực là một cấu trúc động (trừu tượng), có tính mở, đa thành tố, đa tầng bậc, hàm chứa trong nó không chỉ là kiến thức, kỹ năng, thái độ... mà cả niềm tin, giá trị, trách nhiệm xã hội... thể hiện ở tính sẵn sàng hành động trong những điều kiện thực tế, hoàn cảnh thay đổi. Năng lực của học sinh phổ thông là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ... phù hợp với lứa tuổi và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lý vào thực hiện thành công nhiệm vụ học tập, giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra cho chính các em trong cuộc sống.
 
Theo PGS. TS Nguyễn Công Khanh (Đại học sư phạm Hà Nội) thì năng lực của học sinh phổ thông gồm: năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Các năng lực chung gồm: nhóm năng lực làm chủ và phát triển bản thân: tự học, giải quyết vấn đề, sáng tạo, quản lý; nhóm năng lực về quan hệ xã hội: giao tiếp, hợp tác; nhóm năng lực công cụ: sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngôn ngữ, tính toán. Các năng lực chuyên biệt môn học (lĩnh vực học tập) gồm: Tiếng Việt, Tiếng nước ngoài; Toán; Khoa học tự nhiên, công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Thể chất; Nghệ thuật...
Để giảng dạy có hiệu quả, hình thành năng lực, phẩm chất của người học, mỗi cán bộ giáo viên cần hiểu rõ về đánh giá: Đánh giá để phát triển học tập, đánh giá như là quá trình học và đánh giá kết quả học tập.
Đánh giá để phát triển học tập hay đánh giá vì sự tiến bộ của người học là kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình dạy học, giúp học sinh so sánh phát hiện mình thay đổi thế nào trên con đường đạt mục tiêu học tập của cá nhân. Khi nói đến đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh thì đánh giá phải làm sao để học sinh không sợ hãi, không bị tổn thương để thúc đẩy học sinh nỗ lực.
Đánh giá như là một quá trình học cho phép học sinh phản ánh ra những suy nghĩ và tự đánh giá sự tiến bộ của mình theo mục tiêu học tập cá nhân. Khi đó học sinh không chỉ là người bị đánh giá mà còn là người tham gia đánh giá, giáo viên giúp học sinh tự phản hồi để biết mình mắc lỗi, thiếu hoặc yếu ở điểm nào để điều chỉnh hoạt động học của chính mình. Đánh giá như là hoạt động học tập đòi hỏi giáo viên phải chỉ dẫn cho học sinh cách thức đánh giá thế nào, học sinh phải học được cách đánh giá của giáo viên, phải biết đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá, giúp các em hình thành năng lực tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau... để phát triển năng lực tự học của từng học sinh. Đánh giá về kết quả học tập là cách giáo viên sử dụng chứng cứ để xác nhận kết quả học tập của học sinh theo mục tiêu và chuẩn.

 

Chúng ta cần có sự phân biệt giữa đánh giá theo năng lực với đánh giá theo kiến thức và kỹ năng:

 

Tiêu chí so sánh

Đánh giá năng lực

Đánh giá kiến thức, kỹ năng

1. Mục đích chủ yếu

- Đánh giá khả năng HS vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

- Vì sự tiến bộ của người học so với chính mình.

- Xác định việc đạt kiến thức, kỹ năng theo mục tiêu của chương trình giáo dục.

- Đánh giá, xếp hạng giữa những người học với nhau.

2. Ngữ cảnh đánh giá

Gắn với ngữ cảnh học tập và thực tiễn cuộc sống của HS.

Gắn với nội dung học tập (những kiến thức, kỹ năng, thái độ) được học trong nhà trường.

3. Nội dung đánh giá

- Những kiến thức, kỹ năng, thái độ ở nhiều môn học, nhiều hoạt động giáo dục và những trải nghiệm của bản thân HS trong cuộc sống xã hội (tập trung vào năng lực thực hiện).

- Quy chuẩn theo các mức độ phát triển năng lực của người học.

- Những kiến thức, kỹ năng, thái độ ở một môn học.

- Quy chuẩn theo việc người học có đạt được hay không một nội dung đã được học.

4. Công cụ đánh giá

Nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thực.

Câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ trong tình huống hàn lâm hoặc tình huống thực.

5. Thời điểm đánh giá

Đánh giá mọi thời điểm của quá trình dạy học, chú trọng đến đánh giá trong khi học.

Thường diễn ra ở những thời điểm nhất định trong quá trình dạy học, đặc biệt là trước và sau khi dạy.

6. Kết quả   đánh giá

- Năng lực người học phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ hoặc bài tập đã hoàn thành.

- Thực hiện được nhiệm vụ càng khó, càng phức tạp hơn sẽ được coi là có năng lực cao hơn.

- Năng lực người học phụ thuộc vào số lượng câu hỏi, nhiệm vụ hay bài tập đã hoàn thành.

- Càng đạt được nhiều đơn vị kiến thức, kỹ năng thì càng được coi là có năng lực cao hơn.

 

Xét về bản chất thì không có mâu thuẫn giữa đánh giá năng lực và đánh giá kiến thức, kỹ năng mà đánh giá năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Muốn chứng minh người học có năng lực ở một mức độ nào đó, phải tạo cơ hội để họ được giải quyết vấn đề trong tình huống, bối cảnh mang tính thực tiễn. Khi đó người học vừa phải vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được học ở nhà trường, vừa phải dùng những kinh nghiệm của bản thân thu được từ những trải nghiệm bên ngoài nhà trường (trong gia đình, cộng đồng và xã hội). Như vậy, thông qua việc hoàn thành một nhiệm vụ trong bối cảnh thực, người ta có thể đồng thời đánh giá được cả nhận thức, kỹ năng thực hiện và những giá trị, tình cảm của người học. Mặt khác, đánh giá năng lực không hoàn toàn dựa vào chương trình giáo dục môn học như đánh giá kiến thức, kỹ năng, bởi năng lực là tổng hòa, kết tinh kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, chuẩn mực đạo đức... được hình thành từ nhiều lĩnh vực học tập và từ sự phát triển tự nhiên về mặt xã hội của một con người.

 

Trên đây là một số nội dung về đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh mà chúng tôi xin được trao đổi với các bạn đồng nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là các thầy, cô giáo, những người có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đinh Trọng Cường
Tin liên quan