Chủ nhật, 22/12/2024 18:57:33
Giáo viên “đổi vai” trong mô hình Trường học mới

Ngày: 20/01/2016

Để đổi mới các hoạt động sư phạm, vai trò của người đứng đầu nhà trường vô cùng quan trọng.

Giáo viên phải là người dạy cách học

Là Hiệu trưởng trường tiểu học đầu tiên của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) triển khai mô hình trường học mới, cô hiệu trưởng Trần Thị An - Trường tiểu học Lưu Phương - chia sẻ kết quả ban đầu khả quan: Học sinh mạnh dạn, tự tin, linh hoạt, sáng tạo, tích cực hơn trong học tập và tham gia các hoạt động; không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện. Để có được kết quả này, việc đổi mới phương pháp dạy giáo viên có vai trò vô cùng quan trọng.

Cô Trần Thị An tâm sự: Ban giám hiệu nhà trường đã giúp cho giáo viên hiểu rõ đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN là người thầy giáo không phải là “thầy dạy” mà là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, là người giúp các em cách học mới, cách tự học; không phải là người áp đặt tư duy cho học sinh mà là người luôn phát huy tính dân chủ, là người bạn đồng hành với học sinh, giảng dạy cái học sinh cần; là một nhà tâm lí giáo dục, luôn tác động vào học sinh để kích thích những yếu tố bên trong sự tự tin và độc lập bản lĩnh, để giúp người học phát triển.

Phương pháp dạy học hiện hành đã phần nào phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, một số giáo viên đôi khi vẫn còn nặng về vai trò truyền thụ kiến thức. Một số bộ phận học sinh chưa mạnh dạn, tự tin tham gia vào quá trình học tập và các hoạt động giáo dục; kỹ năng sống hạn chế.

Bởi vậy, khi thực hiện mô hình trường học mới, hơn ai hết bản thân người giáo viên phải tích cực đổi mới hoạt động sư phạm của mình với phương châm “Chuyển đổi từ dạy học truyền thụ của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh, quá trình tự học, tự giáo dục là trung tâm của hoạt động giáo dục”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn học để tự học, tự khám phá; tổ chức cho học sinh hoạt động khám phá, phát hiện kiến thức, kỹ năng mới thông qua quá trình học tập mang tính hợp tác.

Giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn học sinh khi cần thiết và phải biết khuyến khích mọi cố gắng, nỗ lực, sáng kiến và những tiến bộ dù là nhỏ nhất của học sinh, để những em vốn rụt rè, nhút nhát dần trở nên mạnh dạn, tự tin hơn…

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên tổ chức linh hoạt các hoạt động học tập của học sinh, không nhất thiết phải thực hiện theo tài liệu hướng dẫn học. Giáo viên phải dựa vào đối tượng học sinh và thực tế của lớp học để lựa chọn phương pháp và hình thức dạy học phù hợp.

Cô Trần Thị An đưa ví dụ: Với bài ôn tập các bảng nhân và bảng chia (tài liệu Toán lớp 3 trang 15), trước khi vào tiết học, giáo viên tổ chức học sinh chơi trò chơi “Kết bạn”. Các em sẽ biết nếu “kết 4” mà lớp mình có 24 bạn thì sẽ thành lập được 6 nhóm, nếu “kết 5” thì lớp mình sẽ thành lập được 4 nhóm còn dư 4 bạn (bạn bị dư sẽ bị phạt).

Thông qua trò chơi, học sinh sẽ cảm thấy trò chơi mà mình vừa được tham gia rất gần gũi với bản thân, không chỉ thế trò chơi còn kích thích tính tò mò, khơi dậy hứng thú trong học tập giúp các em muốn tiếp tục được trải nghiệm kiến thức mới.

“Mặt khác, để phát huy tốt năng lực của học sinh khá, giỏi, tôi đã chỉ đạo giáo viên yêu cầu học sinh có năng lực tốt hỗ trợ các bạn trong nhóm. Hoặc giáo viên ra các bài tập nâng cao hay câu hỏi khó rồi kín đáo bỏ vào hộp thư cá nhân của học sinh, sau đó nãi nhỏ: “Em có thư” để tạo hứng thú.

Cuối tiết học, hoặc trong giờ ra chơi, học sinh được nói về bức thư của mình và hướng giải quyết. Nếu làm tốt, giáo viên khen ngợi và tuyên dương trước lớp. Nếu học sinh không làm được, giáo viên giúp học sinh giải quyết và không quên động viên, khích lệ. Có thể ra thêm bài tập tương tự để học sinh làm được, giúp em thêm tự tin và hứng thú hơn” – cô Trần Thị An chia sẻ thêm.

Học sinh hứng thú được tự trải nghiệm

Để chỉ đạo có hiệu quả phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, cô Trần Thị An cho biết, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chú trọng rèn cho học sinh một số kĩ năng học tập như kĩ năng tự học theo nhóm, kĩ năng đọc hiểu từ tài liệu, hiểu được các câu lệnh, các chỉ dẫn các yêu cầu, các dạng hoạt động học tập, các kĩ năng khác như làm việc cá nhân theo cặp theo nhóm, kĩ năng sử dụng đồ dùng học tập ở góc học tập, sử dụng tài liệu, thư viện lớp học, …

Ở mô hình Trường học mới, học sinh không tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà ngược lại, các em chủ động làm việc độc lập với tài liệu, thao tác với các đồ vật, quan sát trực tiếp, phân tích so sánh và tương tác với các bạn cùng nhóm, tương tác với giáo viên và cộng đồng. Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện theo “10 bước học tập”. Quá trình chiếm lĩnh kiến thức được khởi đầu bằng việc học sinh đọc và viết tên bài học, tiếp đến là việc đọc mục tiêu bài học - đây là việc đầu tiên của học sinh phải biết mình làm cái gì trong bài học này.

Hoạt động cơ bản là quá trình tự trải nghiệm nghiên cứu tài liệu, bắt đầu từ cá nhân và trao đổi trong nhóm. Trình tự bài học đến báo cáo kết quả học tập của cá nhân và nhóm thể hiện tính độc lập tương đối của cá nhân và nhóm. Trong giờ học, giáo viên tổ chức cho các nhóm trưởng điều hành các nhóm hoạt động. Dưới sự điều hành của nhóm trưởng, các nhóm nghiêm túc học bài và hăng hái thảo luận mỗi khi có chủ đề đưa ra.

Chính vì vậy, cô Trần Thị An cũng nhấn mạnh việc giáo viên phải “tập huấn” cho nhóm trưởng về cách điều khiển hoạt động của nhóm (như một giáo viên). Nhóm trưởng phải biết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm sao cho các bạn đều được tham gia, đều được bày tỏ ý kiến, đều được thể hiện.

Tránh hiện tượng học sinh ngồi nói chuyện riêng hoặc không chịu khó suy nghĩ mà chỉ trông chờ vào giáo viên và các bạn. Đặc biệt, giáo viên phải biết huy động những học sinh khá, giỏi trong lớp để giúp mình hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra đánh giá các bạn khác.

“Với cách làm đó, chúng ta không còn bắt gặp hình ảnh cả lớp ngồi im lặng nghe thầy cô giáo giảng bài nữa, mà thay vào đó là những nhóm học sinh ngồi thảo luận và làm các bài tập trong tài liệu theo yêu cầu.

Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, ý thức tự học, tự giải quyết vấn đề và tinh thần hợp tác, chia sẻ của học sinh. Học sinh ngày càng mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Không khí học tập của học sinh rất sôi nổi và thoải mái” – cô Trần Thị An cho hay.

Hiếu Nguyễn

Hiếu Nguyễn
Tin liên quan