Chủ nhật, 22/12/2024 19:49:00
Muốn VNEN thành công thì cần thay đổi một số tiêu chí đánh giá

Ngày: 29/12/2015

Trường tôi được tỉnh chọn tham gia Mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2012- 2013 do có các tiêu chí: 100% học sinh dân tộc thiểu số, có nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, thuộc vùng sâu, vùng xa, kết quả học tập trung bình, có quy mô thuộc loại trung bình, số học sinh trung bình từ 15 đến 25 học sinh trên lớp và có điện. Kể từ khi tham gia thực hiện, tôi thấy trường có nhiều thay đổi tích cực. 
Thứ nhất
, về các hoạt động tập thể. 
Trước kia, trong lớp học chỉ có lớp trưởng, quản ca đứng lên thực hiện nhiệm vụ đã được quy định sẵn ở mỗi buổi học được vài  lần. 
Những học sinh còn lại có thể hoàn thành cả cấp học mà chưa một lần đứng lên nói trước tập thể. 

Cho nên, ngay sau khi thực hiện VNEN được vài tháng, một cô giáo lớp 1 đã rất ngạc nhiên khi thấy học sinh lớp 2 của mình đứng lên tổ chức trò chơi cho các bạn một cách nhanh nhẹn, tự tin trong khi cả năm học lớp 1, học sinh này còn không dám đứng lên đọc bài. 

Trong khi đó, một số học sinh từ lớp 3 trở lên đã có thể tự điều khiển các hoạt động tập thể của trường như: sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, tổ chức Tết Trung thu, phần hội trong lễ khai giảng,… dù chưa được chỉnh chu nhưng các em đã làm rất tốt và quan trọng là trẻ rất tự tin. 

Thứ hai, trong các tiết học. 

Với mỗi tiết học, điều mà giáo viên chúng tôi quan tâm nhất là phương pháp dạy đã phù hợp với học sinh chưa?

Nên khi học sinh vẫn cần tăng cường nói tiếng Việt thì việc tự học, tự trao đổi thảo luận, rút ra kiến thức là chưa thể thực hiện được. Vì vậy, qua trao đổi và thảo luận, giáo viên thống nhất rằng cần kết hợp hướng dẫn, giảng giải để các em hiểu rồi mới thực hành hoặc luyện tập theo cách giảng dạy của VNEN. Nhưng để giảm việc phải hướng dẫn, giảng giải nhiều thì chúng tôi hướng dẫn, khuyến khích giáo viên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế vào đầu giờ để học sinh được thực hiện các thao tác trên đồ vật hoặc tạo ra sản phẩm. 

Trong từng hoạt động học và cuối tiết học có thêm nội dung chia sẻ, tự giải đáp thắc mắc, tạo điều kiện và khuyến khích học sinh phát biểu, được đánh giá, nhận xét, nói lên suy nghĩ, cảm nhận của mình. 

Qua những hoạt động đó giúp giáo viên nắm bắt được mức độ hiểu bài của học sinh, điều này cũng có nghĩa là chúng tôi đã thường xuyên điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học VNEN để phù hợp với học sinh. 

Ví dụ, khi học tới bài “Phân số”, giáo viên đã mang bánh nướng đến chia cho mỗi nhóm 1 chiếc. Các em tiến hành cắt bánh, quan sát, thảo luận sôi nổi rồi tự viết được các phân số và so sánh chúng với nhau thậm chí còn thực hiện được một vào phép cộng phân số đơn giản. 
Vào cuối tiết học, khi chia sẻ cảm nhận về tiết học, các em có nhiều ý kiến hài lòng về giờ học vì đã hiểu bài. 
Mặc dù, tôi chưa dám khẳng định là tỷ lệ hiểu bài cao hơn nhưng chắc chắn rằng không khí học tập thật thoải mái, cởi mở, học sinh tự tin
Có nghĩa là, để thực hiện theo cái mới luôn luôn khó và để thành công thì càng khó hơn. Tuy nhiên, nếu biết chọn lọc, vận dụng phù hợp, dám dũng cảm điều chỉnh những gì chưa phù hợp cùng với sự cho phép của cấp lãnh đạo thì phương pháp ấy ít nhiều sẽ mang lại hiệu quả hơn so với việc cứ rập khuôn. 
Bởi, mục đích của VNEN là “tạo không khí học tập dân chủ, hợp tác, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động tích cực trong giao tiếp, trong học tập và hoạt động tập thể” nhưng thực tế các thầy cô giáo đã thực sự được dân chủ, tự tin, chủ động khi lên lớp hay chưa?
Tôi dám khẳng định là “Chưa”. Giáo viên làm sao có thể tự tin, chủ động khi ngày ngày phải lo ghi chép hoàn thành tập hồ sơ, sổ sách… để phục vụ cho việc kiểm tra hoặc cất vào ngăn tủ làm “minh chứng”.Trong khi, giáo viên chỉ cần một kế hoạch hoạt động chuyên môn chung và chịu trách nhiệm đánh giá, nhận xét trong học bạ của học sinh là đủ. Thế người thầy đã được “Tự đánh giá” chưa? Câu trả lời chắc chắn là “Chưa”. Vì các quy định về đánh giá, khen thưởng giáo viên đều gắn liền với “thao giảng”. Có một thực tế đáng buồn là, nhiều giáo viên trẻ, luôn phấn đấu đạt kết quả “thao giảng” cấp huyện, cấp tỉnh nhưng chất lượng học sinh của họ lại không tương xứng với điều đó. Nghĩa là, kết quả ấy được đánh giá bởi những người khác.

“Người khác” là những người dự 2 tiết thao giảng của giáo viên, thông qua bản sáng kiến kinh nghiệm chau chuốt, qua báo cáo thành tích rồi từ đó đánh giá giáo viên mà không hề quan tâm tới chất lượng học sinh ra sao. 

Câu hỏi đặt ra rằng: “Nếu bỏ qua thao giảng, bỏ qua hồ sơ cá nhân thì tiêu chí nào để đánh giá thi đua?”
Tôi cho rằng, nếu có thể thì hãy để giáo viên tự đánh giá về mình rồi đăng ký, báo cáo để cán bộ đến kiếm tra chất lượng học sinh. Được như vậy thì sẽ không còn tình trạng “ngồi nhầm lớp”. 
Và Bộ GD&ĐT cũng cần đổi mới để thực hiện VNEN để giáo viên được chủ động, tự tin, tự chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh của chính mình. 
Chỉ có cởi trói cho giáo viên khỏi những thủ tục hành chính, những cuộc thi hình thức, những mệnh lệnh từ cấp trên thì mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục
.

Hà Ngân
Tin liên quan