Thứ sáu, 03/05/2024 19:01:12
BÀI VIẾT

Ngày: 15/10/2015

BÀI VIẾT: SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC NHÂN DỊP 47 NĂM NGÀY BÁC HỒ GỬI THƯ LẦN CUỐI CÙNG CHO NGÀNH GIÁO DỤC ( 15/10/1968 – 15/10/2015 )

 *****************************

  Kính thưa Ban giám hiệu Trường, quý Thầy Cô và các em học sinh thân mến!

              Lời đầu tiên, cho Tôi được phép gửi lời chúc Tốt Đẹp đến tất cả Ban giám hiệu, quý Thầy Cô và các em học sinh.

               Và hôm nay, nhân buổi chào cờ đầu tuần, thật là vinh dự khi được đứng đây nói lên suy nghĩ và chia sẻ cảm xúc của bản thân nhân dịp cả nước đang hướng tới kỉ niệm 47 năm ngày Bác Hồ gửi thư lần cuối cùng cho Ngành Giáo dục ( 15/10/1968 – 15/10/2015).

            Quý Thầy Cô và các em học sinh thân mến! Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước và Bác xem Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì lẽ đó, chúng ta thấy trong cuộc đời của Người có rất nhiều lần Bác viết thư gửi để “hỏi thăm, chúc mừng, khen ngợi, khích lệ, căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi, yêu cầu…” đối với toàn Ngành. Và trong những bức thư ấy, đáng được chú ý hơn cả là bức thư cuối cùng. Bức thư được ra đời khoảng tháng 10/1968 khi miền Bắc đang chiến đấu ác liệt với đế quốc Mỹ. Ấy vậy mà, những thông điệp và giá trị của bức thư không chỉ có tác dụng với Ngành ngay thời điểm đó mà đến tận bây giờ nó vẫn là kim chỉ nan. Và thế kỉ 21, là thế kỉ của hội nhập và toàn cầu hóa, một thế giới phẳng, buộc mỗi cá nhân, mỗi dân tộc phải tự khẳng định mình và thích nghi. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của Ngành Giáo dục càng được đề cao.

            Vâng, thưa Thầy Cô và các em học sinh! Ngôi trường mang tên của Nhà Nông học Lương Định Của của chúng ta, năm vừa qua đã đạt Danh hiệu Trường Tiên Tiến và chuẩn bị lên Trường Chuẩn Quốc Gia với các tiêu chí: (Tổ chức nhà trường, cán bộ quản lý (1); Giáo viên và nhân viên (2); Chất lượng giáo dục (3); Cở sở vật chất, thiết bị (4); Công tác xã hội hoá giáo dục (5)). Đó là niềm tự hào. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn: (Với học sinh: trình độ đầu vào còn yếu, ý thức học tập chưa cao, đa số học sinh ở vùng nông thôn – đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều hạn chế,…Với giáo viên: đội ngũ cán bộ phần lớn là giáo viên trẻ nên chưa nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy cần trao đổi thêm,…).

            Vậy thì, những thông điệp và giá trị Bác viết trong bức thư được chúng ta vận dụng như thế nào để năm học này Trường Lương Định Của tiếp tục giữ vững Danh hiệu Trường Tiên Tiến và để đạt được Trường Chuẩn Quốc Gia và có nhiều bước trưởng thành hơn nữa? Thiết nghĩ, mọi thứ bắt đầu bằng cách mà chúng ta nghĩ. Hay nói cách khác, đó là cách mà chúng ta tiếp cận vấn đề và sau đó là giải quyết vấn đề. Mọi người đều biết, một nền giáo dục chịu sự chi phối của 5 nhân tố ( Nhà nước, Nhà trường, Nhà giáo, Gia đình, Người học) và liên hệ với những điều Bác viết trong thư, chúng ta thấy rằng:

            Thứ nhất, theo Bác, “Thầy và Trò phải có tình yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng (…)”. Ở đây, thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi người. Nghĩa là, mỗi Thầy Cô giáo và các em học sinh cần quan tâm đến những vấn đề chính trị của địa phương, trung ương, hiểu biết về pháp luật của Việt Nam ( Luật Giáo dục, Luật Lao động, Luật Hôn nhân – Gia đình,…), quan tâm tới vấn đề biển đảo quê hương – Biện pháp ( Xem thời sự, báo đài, tham gia các tổ chức Đảng, Đoàn, treo cờ Tổ quốc, nhập ngũ,…) ( Ở đây, chúng ta thấy rõ mối quan hệ Nhà nước, Nhà trường, Nhà giáo, Người học ).

            Thứ hai, theo Bác, “Thầy và Trò phải thi đua Dạy tốt và Học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn”. Nghĩa là, Người Dạy và Người Học không ngừng thi đua lẫn nhau. Người Dạy phải thường xuyên trao dồi phương pháp dạy, thay đổi cách đánh giá, kiểm tra. Cần có sự đánh giá của giáo viên đối với học sinh và học sinh tự đánh giá mình (có sự tương tác). Cần chống bệnh thành tích ( mặc dù điểm số là thước đo phổ biến, nhưng chưa chắc đánh giá đúng chất lượng giáo dục, bởi lẽ cần đánh giá thêm ở sự nỗ lực và thái độ của người học). Còn Người Học phải có ý thức học tập của riêng mình. Giáo dục cho người học biết học là để vượt qua chính mình, chiến thắng với bản thân và hòa nhập được với xã hội. “Chất lượng văn hóa” được đánh giá qua lối sống, ứng xử của người dạy, người học trong cả nhà trường và ngoài xã hội (Qua những tiết dạy Địa, Sử, Văn,…giúp học sinh biết yêu nguồn cội, yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật,…). Còn về “Chuyên môn”, tức là cả người dạy và người học phải có nền tảng kiến thức tốt, chiếm lĩnh tri thức, và ứng dụng tri thức vào thực tiễn,… Bởi lẽ, mục tiêu của Giáo dục là đào tạo ra những con người toàn diện ( Đức, Trí, Thể, Mỹ), và những con người có Năng lực riêng,…mới có thể đáp ứng được trong thời kì hội nhập. – Biện pháp ( Giáo viên: Học tiếng Anh, học công nghệ thông tin, Dự các Hội thảo, Khảo sát thực tế, Tự học,…); Học sinh ( Tự học, Học Kỹ năng Mềm, được Tư vấn Hướng Nghiệp,…) (Ở đây, cũng có sự tham gia của 5 nhân tố Giáo dục).

            Thứ ba, theo Bác, Thầy và Trò “phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn”. Nghĩa là, bộ máy lãnh đạo phải thường xuyên lắng nghe ý kiến và thật sự dân chủ để có những giải pháp kịp thời. Nhà trường biết tạo nguồn lực từ chính đơn vị mình (tham gia các cuộc thi của giáo viên và học sinh về học tập, thể thao, văn nghệ,… từ địa phương đến trung ương,…); thu hút các nhà hão tâm tiếp sức đến trường (đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn); tổ chức các cuộc thi tạo hứng thú cho học sinh qua các buổi sinh hoạt chào cờ hoặc tại lớp (tuyên dương, điểm thưởng, quà, sinh hoạt theo chủ đề,…); kết hợp chặt chẽ với Hội Cha mẹ học sinh ( Giáo viên chủ nhiệm và Ban cán sự lớp chịu trách nhiệm chính giám sát và báo cáo). Nhà trường quan tâm nhiều hơn nữa nhu cầu của đời sống cán bộ, công nhân viên của Trường,… Và cũng giống như tổ chức UNESCO từng nhấn mạnh rằng: Học để hiểu biết, Học để làm việc, Học để làm người, Học để chung sống…thì tất cả những ai đã, đang và sẽ đến Trường phải biết rằng Giá trị thực sự của Giáo dục là gì?

            Kính thưa Ban giám hiệu, quý Thầy Cô và các em học sinh, những điều Bác dạy trong bức thư sẽ mãi soi sáng đối với ngành Giáo dục và để kết lại bài viết của mình, tôi xin mượn lời bài hát của Phạm Minh Tuấn với tựa đề “Khát vọng” rằng:

“Hãy sống như đời sống, để biết yêu nguồn cội

Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao

Hãy sống như biển trào, để thấy bờ biển rộng

Hãy sống và ước vọng để thấy đời bao dung”.

            Và tôi tin rằng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm và đoàn kết, thì Trường Lương Định Của của chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015 -2016. Xin cám ơn tất cả mọi người. Chào thân ái!

 

                                                                                                  

Trần Hà Phương
Tin liên quan