tin tức-sự kiện

Đổi mới phương pháp dạy học

BÀN VỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẠO ĐỨC A

“Đổi mới phương pháp dạy học chỉ có thể thành công khi giáo viên có động lực hành động và chuyển hóa được từ ý chí trở thành tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với học sinh, đối với nghề dạy học” . Đây là chia sẻ tâm huyết của cô Trần Thị Thanh Tâm- Hiệu trưởng trường Tiểu học Đạo Đức A,huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chúng ta phải nhận thức rõ rằng: đổi mới phương pháp không phải là bề nổi, phong trào. Với giải pháp đầu tiên này, cô Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, cần coi việc đổi mới công tác quản lý là nhân tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng, hiệu phó phải là những người tâm huyết và có kế hoạch thiết thực để thực hiện công tác đổi mới phương pháp dạy học. Đây cũng là những người trực tiếp phụ trách chuyên môn theo tổ khối, triển khai kịp thời, đầy đủ những chủ trương của ngành về đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra , theo cô Trần Thị Thanh Tâm, cần bồi dưỡng lòng nhân ái sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Tình thương yêu trẻ là điểm xuất phát của mọi sáng tạo sư phạm và làm cho giáo viên có trách nhiệm cao hơn với sứ mạng cao cả của mình. Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cụ thể, chi tiết. Ban giám hiệu nhà trường duyệt và thống nhất, tổ chức thực hiện. Trong đó đặc biệt coi trọng nội dung sinh hoạt chuyên môn với nội dung: “Dự giờ và suy ngẫm sau giờ dạy”.

Giờ học ngoài trời của học sinh

Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Theo cô Trần Thị Thanh Tâm, cần có kế hoạch trao đổi kịp thời, cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp trong vận dụng các cách thức tiếp cận học sinh một cách phù hợp nhất khi giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất. Ví dụ: Khi khảo sát chất lượng, lớp nào đó có chất lượng chưa đạt yêu cầu, hiệu trưởng cần trực tiếp tra đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp để tìm hiểu nguyên nhân chung, nguyên nhân cụ thể của từng học sinh chưa đạt yêu cầu chất lượng để bàn giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Tránh tuyệt đối sự phê bình, chỉ trích giáo viên; giáo viên tránh tuyệt đối phê bình, chỉ trích, trách phạt học sinh. Cần gần gũi, chia sẻ những suy nghĩ của học sinh để giúp đỡ, hỗ trợ các em tốt nhất trong thực hiện các nhiệm vụ học tập…

Tiết học TNXH lớp 3

Cải tiến phương pháp dạy học truyền thống và kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học: Trước hết người giáo viên cần nhận thức rõ quan điểm “dạy học hướng tới học sinh, tập trung vào học sinh”, “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh”. Để làm được điều này giáo viên phải luôn linh hoạt trong từng tình huống dạy học, không nên dựa dẫm quá vào giáo án hay sách thiết kế. Mỗi tiết học, buổi học là một sự khởi đầu mới đối với học sinh thì học sinh mới hứng thú vào bài học. Việc phối hợp đa dạng các phương pháp và hình thức dạy học trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi một hình thức có những chức năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng của phương pháp thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm. Mặt khác, việc bổ sung dạy học toàn lớp bằng làm việc nhóm xen kẽ trong một tiết học mới chỉ cho thấy rõ việc tích cực hóa “bên ngoài” của học sinh. Muốn đảm bảo việc tích cực hóa “bên trong” cần chú ý mặt bên trong của phương pháp dạy học, vận dụng dạy học giải quyết vấn đề và các phương pháp dạy học tích cực khác.

Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và CNTT hợp lý hỗ trợ dạy học: Đa phương tiện và công nghệ thông tin vừa là nội dung dạy học vừa là phương tiện dạy học trong dạy học hiện đại. Bên cạnh sử dụng đa phương tiện như một phương tiện trình diễn, cần tăng cường sử dụng các phần mềm dạy học cũng như các phương pháp dạy học sử dụng mạng điện tử ( E- Learning). Phương tiện dạy học mới cũng hỗ trợ việc tìm ra và sử dụng các phương pháp dạy học mới. Webquest là một ví dụ về phương pháp dạy học mới với phương tiện mới là dạy học sử dụng mạng điện tử, trong đó học sinh khám phá tri thức trên mạng một cách có định hướng.

Do vậy, cô Trần Thị Thanh Tâm cũng nhấn mạnh: Đổi mới PPDH là không thể có đổi mới ngay được và chưa thể có trong ngày một, ngày hai. Cán bộ quản lý, giáo viên cũng không nóng vội mà đưa ngay các công việc lớn lao vào giảng dạy. Phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất trong học sinh: học sinh có được gì, khả năng học sinh đến đâu, các em thích gì, cần phải làm gì với từng em và làm như thế nào? Có được một nền tảng khả năng tự học của học sinh thì giáo viên mới tránh được nói nhiều, thuyết trình, làm thay, áp đặt.

( Giáo viên: Nguyễn Thị Lan- Tổ 2+3)

Tác giả: Nguyễn Thị Lan

Xem thêm

Hài tết
aaaa
bbbb