Chủ nhật, 05/05/2024 16:33:14
Bài giảng hè 2015: XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG BỘ CÔNG CỤ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

Ngày: 17/09/2015

XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG BỘ CÔNG CỤ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

 

Hiệp Hòa, tháng 8 năm 2015

I. MỤC TIÊU

          - Giúp người học nắm được cách xây dựng và sử dụng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi theo Bộ Chuẩn;

          - Giúp CBQL và GVMN thực hiện tốt quy trình theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non;

          - Giúp giáo viên mầm non có kĩ năng quản lý và sử dụng hiệu quả hồ sơ theo dõi, đánh giá trẻ mầm non

II. TÀI LIỆU HỖ TRỢ HỌC TẬP

          - Thông tư  số 23/2010/TT-BGDĐT ngày 22/7/2010  của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ e 5 tuổi;.

          - Chương trình Giáo dục Mầm non;

          - Tài liệu: “Hướng dẫn sử dụng và đánh giá trẻ theo Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” – Tác giả: Phan Lan Anh, Trần Thu Hòa – NXB Giáo dục VN, 2013.

          - Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi, NXBGDVN, 2015.

          - Các tài liệu hướng dẫn sử dụng Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

III. NỘI DUNG

          1. Xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non.

          2. Sử dụng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non.

          3. Quản lý và sử dụng hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non.

HĐ 1: XÂY DỰNG BỘ CÔNG CỤ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

Ø Câu hỏi thảo luận:

          - Thực tế anh (chị) đã sử dụng phương tiện nào để tiến hành theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN?

          - Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN do ai xây dựng?

          - Ai là người sử dụng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ? Bộ công cụ được sử dụng vào những thời điểm nào?

          - Cách xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ (theo kinh nghiệm cá nhân)?

1. Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

1.1. Phương tiện theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

          - Phương tiện để theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non chính là Bộ công cụ.

          - Bộ công cụ nhằm mục đích để đo sự phát triển của trẻ mầm non theo nội dung chương trình GDMN và theo Bộ chuẩn phát triển đối với trẻ 5 tuổi.

1.2. Người xây dựng và sử dụng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

          - Cán bộ quản lý giáo dục mầm non các cấp: Tổ trưởng chuyên môn, Hiệu phó chuyên môn, Hiệu trưởng, cán bộ Phòng GD&ĐT…;

          - Giáo viên mầm non.

1.3. Thời điểm sử dụng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ

          - Với giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn, Hiệu phó chuyên môn: Bộ công cụ được sử dụng để kiểm tra trẻ sau một chủ đề, một tháng, một tuần, một hoạt động giáo dục;

          - Với cán bộ quản lý giáo dục các cấp: Bộ công cụ được sử dụng để kiểm tra trẻ sau một học kỳ, một năm học.

2. Xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

          2.1. Nguyên tắc xây dựng Bộ công cụ:

          Bộ công cụ được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:

          - Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ theo hệ thống các chỉ số của từng lĩnh vực;

          - Phương pháp đánh giá sự phát triển của trẻ hoàn toàn dựa vào các phương pháp đánh giá được thực hiện trong Chương trình GDMN;

          - Việc xác định phương pháp đánh giá phụ thuộc vào minh chứng từng chỉ số.

2.2. Cấu trúc Bộ công cụ:

          Cấu trúc Bộ công cụ gồm:

          - Chỉ số đánh giá;

          - Minh chứng của chỉ số, trong đó có minh chứng được đánh giá là “Đạt” và minh chứng được đánh giá là “Chưa đạt”;

          - Phương pháp đánh giá: Bao gồm phương pháp bài tập, phương pháp quan sát, phương pháp tạo tình huống, phương pháp trò chuyện, phương pháp phân tích sản phẩm.

          - Phương tiện thực hiện;

          - Cách thực hiện.

2.3. Các bước xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non:

          Quy trình xây dựng Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm các bước sau:

          Bước 1: Lựa chọn các chỉ số cần theo dõi (các chỉ số trong Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi và trong các chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ ở các độ tuổi khác).

          Bước 2: Tìm hiểu minh chứng của chỉ số đã chọn.

          Ví dụ: Trong Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, chỉ số 1: Bật xa tối thiểu 50 cm, minh chứng như sau:

Ví dụ: Trong Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, chỉ số 1: Bật xa tối thiểu 50 cm, minh chứng như sau:    

Đạt

Chưa đạt

- Bật xa 50 cm

- Bật bằng 2 chân

- Tiếp xúc đất thăng bằng hoặc có loạng choạng chạm đất rồi lấy được thăng bằng.

- Bật xa chưa đạt 50 cm

Hoặc không bật bằng 2 chân;

Hoặc Tiếp xúc đất không giữ được thăng bằng.

Bước 3: Lựa chọn phương pháp phù hợp với chỉ số, minh chứng; kinh nghiệm, tần suất sử dụng của giáo viên.

          Có 4 phương pháp thường được dùng để thu thập thông tin, theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ em 5 tuổi trong trường Mầm non. Đó là các phương pháp: Kiểm tra trực tiếp, quan sát tự nhiên, phỏng vấn/trò chuyện, phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ.

          Bước 4: Xác định phương tiện thực hiện phù hợp với chỉ số, minh chứng, phương pháp, điều kiện cơ sở vật chất của lớp học.

          - Đối với trẻ 5 tuổi, từ năm học 2015-2016 có Bộ tranh công cụ đánh giá trẻ theo Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Bộ tranh gồm 4 tập tranh cho 4 lĩnh vực phát triển của trẻ trong Bộ chuẩn: Ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức, thể chất, tình cảm và quan hệ xã hội.

          Bước 5: Xác định cách thực hiện (hoạt động của cô và hoạt động của trẻ).

          Bước 6: Xác định thời gian thực hiện trên một trẻ và trên tổng số trẻ của nhóm/lớp.

          Bước 7: Thử công cụ trên 3-5 trẻ (gồm cả trẻ trai, trẻ gái; trẻ người Kinh, trẻ người dân tộc; trẻ kém, khá, giỏi); Sửa và hoàn chỉnh công cụ.

                    Có thể xây dựng công cụ theo bảng sau:

(bảng xây dựng công cụ đánh giá trẻ)       

          Ví dụ: Xây dựng công cụ đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi, chỉ số 85: “Biết kể chuyện theo tranh” như sau:

- Minh chứng:    

Đạt

Chưa đạt

- Nhìn vào tranh vẽ trong sách, trẻ có thể nói được nội dung mà tranh minh họa.

- Xếp được các bức tranh theo đúng trình tự và kể được nội dung chính của câu chuyện.

- Trẻ không nói đúng nội dung của tranh minh họa

- Không xếp đúng trình tự các bức tranh, không kể được câu chuyện theo tranh và các trường hợp khác.

 

          - Phương pháp theo dõi:

          + Quan sát: Trong hoạt động học, kể chuyện sáng tạo, hoạt động chơi trong góc sách xem trẻ có thể tự “bịa” ra một câu chuyện theo các bức tranh hay có thể yêu cầu trẻ sắp xếp các bức tranh liên hoàn theo một trình tự nào đó và kể thành một câu chuyện cho Cô nghe.

          + Trao đổi với phụ huynh để biết ở nhà trẻ có xem tranh và kể được câu chuyện theo các bức tranh cho bố mẹ, người thân nghe không.

- Phương tiện thực hiện: Bộ tranh liên hoàn về một câu chuyện nào đó (bộ tranh có ở lớp hoặc lấy trong Bộ công tranh công cụ).

- Cách thực hiện: Với từng trẻ, Cô để các bức tranh không theo thứ tự trước mặt trẻ để trẻ quan sát và nói: “Các bức tranh này diến tả một câu chuyện. Câu chuyện bắt đầu từ bức tranh này (Cô chỉ vào bức tranh bắt đầu). Bây giờ, con hãy đặt các bức tranh tiếp theo cho đúng trình tự rồi kể cho Cô nghe về câu chuyện này nhé”. Chú ý ghi lại các câu kể của trẻ.

HĐ 2: SỬ DỤNG BỘ CÔNG CỤ THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ MẦM NON

Ø Câu hỏi thảo luận:

          Theo anh (chị), làm thế nào để sử dụng được Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ? (các bước thực hiện).

          Bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN được sử dụng theo các bước sau:

          Bước 1: Chuẩn bị thời gian, không gian và các phương tiện đo

          Bước 2: Chuẩn bị bảng ghi kết quả theo nhóm/lớp và theo từng cá nhân

Có 4 loại bảng:

          - Bảng đánh giá cuối chủ đề: Dùng để theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ ở các chủ đề giáo dục. Mỗi chủ đề sẽ đánh giá một số chỉ số trong Bộ chỉ số đánh giá sự phát triển của trẻ ở từng độ tuổi.

          - Bảng đánh giá các chỉ số trẻ chưa đạt: Dùng để theo dõi, đánh giá các chỉ số mà trẻ chưa đạt ở các chủ đề trước.

          - Phiếu theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ (các độ tuổi): Phiếu dùng để theo dõi, tổng hợp sự phát triên của cá nhân trẻ.

          - Bảng tổng hợp kết quả đánh giá trẻ: Dùng để tổng hợp kết quả đánh giá sự phát triển trẻ của nhóm/lớp.

          Bước 3: Tiến hành đánh giá trẻ theo công cụ đã xây dựng

          Bước 4: Đánh giá kết quả đạt được trên trẻ

          Giáo viên dựa vào các minh chứng của từng chỉ số, dùng các phương pháp theo dõi đánh giá, thông qua các hoạt động giáo dục hằng ngày để đánh giá từng trẻ. Mỗi chỉ số được đánh giá ở hai mức độ: Đạt và chưa đạt.

          - Đạt: Trẻ thường xuyên làm được/đạt được/biết được ( biểu hiện năng lực của trẻ ổn định và không phụ thuộc vào môi trường), ký hiệu là (+);

          - Chưa đạt: Trẻ chưa làm được/chưa đạt được/chưa biết được (biêu hiện năng lực của trẻ còn chưa đạt, cần được giáo dục hỗ trợ thêm), ký hiệu là (-).

Bước 5: Ghi kết quả

          - Ghi kết quả đánh giá các chỉ số ở mỗi chủ đề vào Bảng đánh giá cuối chủ đề (nếu đánh giá lại các chỉ số trẻ chưa đạt ở chủ đề trước thì ghi vào Bảng đánh giá các chỉ số trẻ chưa đạt);

          - Ghi kết quả từ Bảng đánh giá cuối chủ đề vào Phiếu theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ (các độ tuổi);

          - Cuối năm học, tổng hợp kết quả đánh giá trẻ ở mỗi nhóm/lớp vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá trẻ.

Bước 6: Thống kê kết quả

          - Ở mỗi chủ đề, sau khi đã hoàn thành việc theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ, giáo viên thống kê tỷ lệ trẻ đạt được ở mỗi chỉ số đánh giá.

          - Cuối năm học, giáo viên thống kê tỷ lệ các chỉ số trẻ đạt/mỗi lĩnh vực và số chỉ số đạt/tổng chỉ số các lĩnh vực.

Bước 7: Điều chỉnh kế hoạch giáo dục

          Phiếu đánh giá trẻ theo chủ đề được dùng để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của chủ đề/tuần/ngày tiếp theo:

- Điều chỉnh kế hoạch chủ đề/tuần:

          + Đối với những chỉ số có tổng số trẻ đạt dưới 70% thì giáo viên tiếp tục đưa vào mục tiêu giáo dục của chủ đề tiếp theo;

          + Đối với những chỉ số có tổng số trẻ đạt trên 70% thì giáo viên điểm ra số trẻ chưa đạt được chỉ số này để giúp trẻ rèn luyện mọi lúc, mọi nơi trong quá trình giáo dục và phối hợp với phụ huynh để giúp trẻ đạt được. Giáo viên tiến hành đánh giá những chỉ số trẻ chưa đạt ở những chủ đề sau.

- Điều chỉnh kế hoạch ngày: Những chi số trẻ chưa đạt, giáo viên điều chỉnh các hoạt động trong ngày/tuần cho phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ.

HĐ 3: QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HỒ SƠ THEO DÓI ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIÊN CỦA TRẺ MẦM NON

Ø Câu hỏi thảo luận:

          - Hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm những gì?

          - Trong thực tê, anh (chị) đã sử dụng hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ như thế nào?

          1. Hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

          Hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ bao gồm: Hồ sơ của giáo viên và hồ sơ của trẻ.

          - Hồ sơ của giáo viên bao gồm: Bộ công cụ đánh giá: trẻ, tranh công cụ đánh giá trẻ, phiếu đánh giá trẻ theo chủ đề.  (cả phiếu đánh giá những chỉ số trẻ chưa đạt), các tài liệu hướng dẫn đánh giá trẻ...

- Hồ sơ của trẻ bao gồm:

          + Lý lịch của trẻ (có thể lồng vào Sổ liên lạc);

          + Sổ liên lạc theo dõi sức khỏe và học tập của trẻ;

          + Các sản phẩm của trẻ (các bài vẽ, cắt, dán);

          + Kết quả các bài tập của trẻ (các bài tô màu, viết…, chính là các loại vở của trẻ, được lưu vào cuối năm học);

          + Phiếu theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ.

          2.  Một số yêu cầu về quản lý và sử dụng hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ MN

          - Giáo viên phụ trách nhóm/lớp phải có đầy đủ hồ sơ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ (hồ sơ giáo viên và hồ sơ của trẻ);

          - Hồ sơ được lưu riêng, không lưu lẫn với các tài liệu, hồ sơ khác trong nhóm/lớp; đảm bảo tính khoa học trong việc lưu trữ;

          - Sau mỗi lần đánh giá cuối chủ đề, kết quả đánh giá phải được ghi vào phiếu cá nhân và lưu tại hồ sơ;

          - Sau mỗi  giai đoạn (học kỳ), giáo viên phải tổng hợp kết quả đánh giá trẻ để nắm được tiến trình và kết quả đánh giá trẻ sau mỗi giai đoạn giáo dục.

 

mnluongphong1
Tin liên quan