Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém.
Bệnh viêm màng não do mô cầu có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa Đông và đầu mùa Xuân. Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, PhóTrưởng khoa cấp cứu- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Viêm màng não do mô cầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém".
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, PhóTrưởng khoa cấp cứu- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
BS Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh thêm, trong thời tiết giao mùa đông xuân như hiện nay, khi cơ thể mệt mỏi với sức đề kháng kém, dễ giảm sút, trẻ nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh. Do vậy, ba mẹ cần chú ý tới sức khỏe và những thay đổi cơ thể của trẻ.
Triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ
Viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, có triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường nên khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hệ quả của nó để lại có thể khiến người bệnh tàn tật suốt đời với di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, tổn thương não hoặc tử vòng trong 24h.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm màng não cầu thường có các triệu trứng: Sốt, bỏ bú, quấy khóc, vật vã, mệt mỏi và tiêu chảy, co giật, phát ban thành những chấm đỏ, tím hoặc đám bầm tím lớn.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm màng não cầu thường có các triệu trứng: Sốt, bỏ bú,...
Phòng bệnh viêm não mô cầu: Cách ly trẻ khỏi vùng bệnh
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm não mô cầu ở trẻ nhỏ là tiêm vắc-xin. Trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở lên được chỉ định tiêm phòng não mô cầu tuýp A và tuýp C. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đưa trẻ đi tiêm trước khi dịch bùng phát và lây lan.
"Tiêm vắc -xin không phải là biện pháp duy nhất. Khi viêm não mô cầu lây lan, bố mẹ của trẻ cần cách ly trẻ khỏi vùng bệnh, tránh tiếp xúc với người đang bị mắc bệnh và chú ý tới sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, bỏ bú,... bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Hạn chế đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng khi chưa được rửa sạch.
|