Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ tại các nhóm lớp mầm non tư thục xảy ra gần đây đã khiến dư luận xã hội có cách nhìn "khắt khe" với các giáo viên mầm non, tạo áp lực nặng nề đến tâm lý của nhiều giáo viên. Song nhìn nhận từ thực tế, rất nhiều giáo viên mầm non đang hàng ngày, hàng giờ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ bằng tình yêu thương của những "người mẹ". Các cô thực sự là "người mẹ thứ hai" của các con mỗi ngày đến lớp
Áp lực và tình yêu con trẻ
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên mầm non làm việc 8 tiếng/ngày, trong đó, 2 tiếng chuẩn bị đồ dùng học tập, 6 tiếng đứng lớp. Nhưng thực chất, số giờ giáo viên trên lớp nhiều hơn. Một ngày làm việc của các cô giáo mầm non thường kéo dài từ 10 -11 tiếng, không phải 8 tiếng như quy định.
Giáo viên mầm non ở cả ngày với trẻ, vừa làm công tác giáo dục, vừa chăm sóc trẻ. Vì vậy, giáo viên mầm non không chỉ chịu áp lực về chất lượng giáo dục mà còn phải đảm bảo chất lượng sức khỏe, tinh thần và an toàn cho trẻ. Bất cứ sự cố nào đó xảy ra với trẻ, có thể là nhỏ nhưng giáo viên đều phải chịu trách nhiệm. Một vết xước, hơi biếng ăn, các biểu hiện tâm lý khác như cáu kỉnh, hờn dỗi đều có thể là lý do khiến cô giáo gặp rắc rối với các phụ huynh khó tính.
Điều cô giáo nào cũng phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi... các cô đều phải theo dõi. Vì vậy, giáo viên mầm non cần nắm bắt được những thay đổi thất thường về tâm lý và thể chất của từng em để có kế hoạch chăm sóc cho phù hợp.