Cách phòng tránh một số bệnh mùa hè cho trẻ
Những ngày mùa hè trời nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao kèm theo khói, bụi ô nhiễm môi trường khiến cho trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp, sốt cao do vi rút, thủy đậu, bệnh ngoài da.
1. Viêm đường hô hấp trên
Triệu chứng thường gặp ở trẻ là sổ mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng; nặng hơn có thể gây áp xe thành họng, viêm họng do liên cầu… Khi trời nắng nóng, các bậc phụ huynh cần hạn chế hoặc không cho trẻ ra ngoài.
Không cho quạt xoáy thẳng vào trẻ khi trẻ đang chơi hoặc nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ môi trường bên ngoài. Tránh đưa trẻ đến chỗ đông người, khi ra đường cần đeo khẩu trang, mặc quần áo chống nắng nhưng phải thoáng mát.
Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đủ chất, làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch đờm nhớt ở vùng mũi họng của trẻ. Giúp trẻ giảm ho và đau họng bằng thuốc nam (mật ong, lá húng chanh, quất hấp). Nếu bệnh nặng hơn nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
2. Tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Riêng trẻ sơ sinh bú mẹ, có thể đi tiêu 5-6 lần trong ngày. Ở trẻ dưới 3 tuổi thì trung bình mỗi năm sẽ mắc 1-3 đợt bệnh tiêu chảy.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Nếu trẻ còn bú cần cho bú nhiều và lâu hơn. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.
Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Sau khi hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn nhiều hơn để mau chóng hồi phục sức khỏe.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.
Ngoài ra, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu như không ăn uống được và bỏ bú, sốt cao hơn, trẻ rất khát nước hoặc trong phân có máu.
3. Bệnh thủy đậu
Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh phỏng rạ, trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella-Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng mắc nhiều nhất là ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 90%). Bệnh lây truyền theo đường hô hấp do hít phải những giọt nước bọt trong không khí có chứa vi rút hoặc do tiếp xúc với vùng da bị tổn thương của người bị bệnh thủy đậu. Đây là một bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc gần với người đang bị thủy đậu.
Thông thường, bệnh thủy đậu lành tính nhưng nếu để bị biến chứng thì rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Khi trẻ bị thủy đậu sẽ các biểu hiện: sốt nhẹ, đau họng, nhức đầu, nổi hồng ban, sau đó nhanh chóng chuyển thành bóng nước, lúc đầu chứa dịch trong sau hóa đục, xuất hiện ở thân mình, đầu mặt, tay chân, niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục… Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Cha mẹ cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh. Việc giữ vệ sinh cho trẻ rất quan trọng, cha mẹ nên dùng khăn mềm thấm nước ấm lau người cho trẻ, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt thủy đậu. Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo cho trẻ. Chú ý giữ vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, phòng trẻ nằm phải thoáng mát, không có gió lùa. Nhắc trẻ không gãi các nốt thủy đậu.
Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước như nước lọc, nước canh và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như cam, chuối,…
Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, chỉ sau khoảng 1 tuần - 10 ngày, các nốt thủy đậu sẽ khô và bong vảy, sau một thời gian vết thâm sẽ hết và không để lại sẹo.
4. Bệnh ngoài da
Rôm sảy là bệnh ngoài da rất thường gặp vào mùa hè, trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ li ti xuất hiện ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như: trán, cổ, ngực, lưng...
Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết không gây tác hại gì. Để phòng bệnh cho trẻ, trong những ngày nắng nóng, cha mẹ cần chú ý tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, lau khô da sau đó rắc một lớp phấn rôm thật mỏng, cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn mát.
Một khi trẻ bị rôm sẩy nặng thì cha mẹ không nên rắc phấn rôm nữa mà đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị phù hợp. Đồng thời, hạn chế để bé không gãi làm trầy xước da, dễ gây nhiễm trùng.
Các căn bệnh trên, nếu trẻ mắc bệnh ở cấp độ nhẹ có thể điều trị tại nhà với sự hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu tình trạng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong vài ngày tiếp theo thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Tác giả: MN Lương Phong 1