Ngày của
cha (Chủ nhật của tuần thứ ba trong tháng Sáu) là dịp để con cái bày tỏ lòng
biết ơn với người cha của mình. Nhưng với trẻ nhỏ, làm sao chúng có thể thể
hiện lòng biết ơn khi đó là một định nghĩa khó hiểu với bé.
Với những đứa trẻ dễ bị xao lãng, luôn là trung tâm của sự chú ý và được
nuông chiều, lòng biết ơn là một phạm trù đạo đức rất khó dạy. Nhưng lòng
biết ơn có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của trẻ, đó
còn là đạo lý tốt đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Người
cha có thể nhân dịp này để dạy cho con về sự trân trọng cha mẹ của các bé.
Tại sao lại cần lòng biết ơn?
Lòng biết ơn có thể bị lầm tưởng là một phạm trù đạo đức xa xưa, không còn
mấy giá trị trong cuộc sống hiện đại. Nhưng không phải thế, theo kết quả của
nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau được tiến hành bởi các viện tâm lý tại
Mỹ, trên các đối tượng từ độ tuổi tiểu học cho đến trung học, trẻ có đức tính
biết ơn sẽ có một cái nhìn lạc quan hơn trong cuộc sống. Từ đó trẻ tránh bị
trầm cảm và đạt được kết quả tốt hơn trong trường học.
Để giải thích cho việc này, ta cần hiểu rằng trẻ em thời hiện đại ngày càng
có thêm điều kiện sống theo chủ nghĩa tiêu dùng. Một trẻ nhỏ có thể dễ dàng
xin bố mẹ chiều theo những ý muốn vật chất của chúng, từ đồ ăn vặt cho đến đồ
chơi. Như thế, trẻ không cần phải trải qua quá trình phấn đấu đạt được mục
tiêu, điều này dễ khiến bé không học được sự chăm chỉ, yêu thích lao động.
Cùng lúc, trẻ cũng không hiểu được những giá trị quý báu, dù nhỏ nhặt, mà
chúng được sở hữu và hưởng thụ bấy lâu. Khi được giao tiếp với xã hội bên
ngoài, khởi điểm là môi trường trường lớp, trẻ sẽ rơi vào áp lực ganh đua cho
bằng chúng bạn trong các giá trị vật chất xa xỉ. Ảnh hưởng này sẽ tiếp tục
kéo dài trong suốt quá trình phát triển của bé. Vì thế, cha mẹ cần quan tâm
dạy trẻ về giá trị đạo đức này từ sớm.
Biết ơn cha
Lòng biết ơn mang một ý nghĩa rất rộng, nó có thể bao gồm sự trân trọng những
giá trị của cuộc sống, trân trọng những con người xung quanh mình... Ngày của
cha là một cơ hội tốt để những người cha có con nhỏ có thể bắt đầu dạy trẻ
cách trân trọng những cống hiến của chính họ.
Hãy dạy cho trẻ hiểu được giá trị của những thứ mà bé có thể hưởng thụ hàng
ngày. Người cha nên dành một buổi trò chuyện với trẻ về vấn đề này. Lấy ví dụ
như một món đồ chơi hoặc một món ăn vặt mà trẻ thường được thưởng thức và so
sánh chúng với những chi phí sinh hoạt, sức lao động mà cha mẹ phải bỏ ra để
chi trả.
Cha còn có thể giải thích cho bé biết giá trị công sức lao động của công việc
cha làm hàng ngày, so sánh chúng với những ngành nghề khác nhau. Hiểu được
giá trị của lao động mà cha đã phải bỏ ra và các trách nhiệm mà bố mẹ phải
gánh vác, trẻ sẽ bắt đầu trân trọng những gì mình đã có.
Một cách tốt để dạy cho trẻ lòng biết ơn chính là làm gương. Nhân Ngày của
cha, cha và bé có thể cùng nhau tổ chức một buổi lễ nho nhỏ để bày tỏ lòng
biết ơn đối với người ông (ông nội và ông ngoại). Bất kỳ người lớn nào cũng
có những câu chuyện về người cha của mình, đó là những bài học, kinh nghiệm
mà họ tiếp thu được.
Hãy kể lại cho bé nghe những câu chuyện đó như một cách để ghi nhớ và bày tỏ
lòng trân trọng đối với bậc sinh thành và nuôi nấng bố mẹ trẻ. Chắc chắn
những câu chuyện này sẽ không chỉ hấp dẫn trẻ mà còn cho bé thấy được tấm
gương về lòng biết ơn.
|