Tin tức : Trao đổi KN - PPDH

Mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Thị trấn Thắng, Hiệp Hòa

Ngày đăng : 11-06-2015

Trao đổi 23/05/2015

Mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Thị trấn Thắng, Hiệp Hòa

Giáo dục Việt Nam đã và đang thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học dựa trên các phương pháp tiên tiến, hiện đại được tiếp thu từ những nền giáo dục của các nước phát triển. Có thể nói, có rất nhiều phương pháp dạy học được chúng ta đã nghiên cứu và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước nhà. Một trong những phương pháp đó có thể kể đến là mô hình trường học mới VNEN.

Năm học 2014-2015 là năm học đầu tiên Trường Tiểu học Thị trấn Thắng thực hiện nội dung dạy học theo mô hình trường học mới VNEN đối với môn Toán khối lớp 3 và các nội dung khác như hình thức tổ chức giờ học, phương pháp giảng dạy, mô hình quản lý lớp học, trang trí lớp...

Việc đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm đã và đang được ngành giáo dục triển khai một cách sâu sắc, quyết liệt, hơn nữa Tiểu học Thị trấn Thắng là 1 trong 5 trường của tỉnh được chọn thí điểm thực hiện việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo chương trình Dự án JICA Nhật Bản từ năm 2005 đến năm 2007, đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho nhà trường khi triển khai áp dụng mô hình trường tiểu học mới, qua thực tiễn triển khai thực hện hiện, mô hình trường học mới đã để lại nhiều cảm nhận tốt đẹp.

Trở lại những thập niên của thế kỷ trước, với lối dạy học “thầy giảng, trò nghe”. Trò học tập một cách thụ động trên cơ sở lời giảng của thầy, không có môi trường để tự nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, ít cơ hội được chủ động hợp tác, chia sẻ với thày cô, bạn bè... và chiều ngược lại, người thầy cũng không biết học trò của mình học được gì qua giờ học. Ngoài học kiến thức theo lối truyền đạt truyền thống, các học trò của chúng ta không hoặc ít được hướng dẫn tham gia những hoạt động giáo dục khác ngoài việc tham gia trực nhật lớp... Cách đây hơn 25 thế kỷ, Khổng Tử từng nói: "Tôi nghe, tôi quên/Tôi nhìn, tôi nhớ/Tôi làm, tôi hiểu". Ba câu nói đơn giản đó có thể diễn đạt một cách hùng hồn về nhu cầu đối với việc học theo cách chủ động. Tư tưởng của Khổng Tử đã được các nhà nghiên cứu giáo dục học phương tây bổ sung và mở rộng thành Luận điểm- Phương pháp học chủ động (The Active Learning Credo): "Tôi nghe, tôi quên/Tôi nghe và nhìn, tôi nhớ chút ít/Tôi nghe, nhìn, hỏi hoặc thảo luận, tôi bắt đầu hiểu/Tôi nghe, nhìn, thảo luận và thực hành, tôi bắt đầu học được kỹ năng và kiến thức/Tôi dạy cho người khác, tôi thành thạo".

Như vậy có thể thấy rõ tính Ưu Việt của mô hình trường tiểu học mới VNEN. Ở đó khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên và học sinh một cách tối đa; Ở đó học sinh được trao đổi, học hỏi qua lại lẫn nhau, được tạo môi trường học thích thú, động viên giữa giáo viên và người học; Ở đó bảo đảm sự tham gia nhiệt tình, chủ động và đầy đủ của học sinh trong suốt quá trình khám phá, tìm tòi; Ở đó, học sinh có cơ hội tiếp xúc, trình bày và hoàn thành những ý kiến sáng tạo, sáng kiến độc đáo của mình... giáo viên giờ đây trở thành một người hướng dẫn, người huấn luyện, người tư vấn và là bạn cùng học đối với những nhóm nhỏ học sinh, cá nhân học sinh hay đôi khi là cả lớp... Có thể nói một cách tổng quan là: Ở đó phát huy được hết “Năng lực cá nhân” của cả người hướng dẫn (GV) và người học (HS).

Sau những nỗ lực cố gắng, Trường Tiểu học Thị trấn Thắng đã có những giờ học mà ở đó học sinh say sưa tìm tòi, khám phá dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, sáng tạo của người thầy và sự hợp tác, chia sẻ tích cực của bạn bè với mô hình lớp học theo các nhóm ở tất cả các lớp.


Học sinh chủ động hơn trong giờ học...


Cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động học tập trên lớp, các em học sinh còn được tham gia vào việc trang trí không gian lớp học của mình để có những không gian lớp đẹp, ý nghĩa, góp phần tạo hứng thú cho học sinh trong các tiết học.


Tích cực, chủ động với các hoạt động khác.


Công tác giữ gìn vệ sinh trường lớp luôn sạch, đẹp được tất cả các em thực hiện trong mỗi ngày đến trường.


Ý thức hơn về việc vệ sinh, bảo vệ môi trường...


Cùng với các nội dung đó, các em còn được tham gia vào việc trồng và chăm sóc cây xanh, các chậu cây cảnh được các em chăm sóc hàng ngày, tạo những góc thiên nhiên tươi đẹp ở tất cả các lớp.


Tự chăm sóc góc thiên nhiên của lớp.

Các em học sinh còn chủ động tham gia các hoạt động như: Tổ chức múa hát giữa giờ, đọc sách tại thư viện ngoài trời, sinh hoạt sao...


Thay đổi phương thức tham gia các hoạt động ngoài giờ.


Có thể nói, sau những cố gắng, nỗ lực của mỗi thầy cô, các em học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Thắng giờ đây không chỉ đến trường với các bài toán, bài văn... mà mỗi ngày đến trường các em được thể hiện hết các năng lực cá nhân của mình dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình và tâm huyết của mỗi thầy, cô, bè bạn. Điều đó chỉ có thể có được với sự thấu hiểu tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học với mô hình trường học mới VNEN.

Ngô Thị Kim Dung

Xem thêm...
Văn bản mới nhất

Website đơn vị