Châu Văn Liêm
Ngày đăng : 11-09-2012
Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-06-1902 tại Rạch Tra, làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Năm 13 tuổi (1915), sau khi tốt nghiệp sơ học yếu lược ở quê nhà, Châu Văn Liêm được cha mẹ gởi lên học ở Cần Thơ và đã đỗ bằng Tiểu học (Certificat d" études primaires Franco-indigènes), kì thi ngày 7-1-1918 tại trường nội trú Cần Thơ (Internat de Cần Thơ). Bạn học của anh hồi ấy có Trần Ngọc Quế, Lê Văn Sô, Nguyễn Ngọc Cảnh là những thanh niên có tư tưởng tiến bộ, sau đều tham gia cách mạng.
Năm 20 tuổi, Châu Văn Liêm đã đỗ bằng Thành Chung (Diplôme d" complé mentaires études Franco-indigènes), kì thi ngày 07-3-1922 tại Sài Gòn và tiếp tục học lớp sư phạm (Coursnormale).
Những năm học ở Cần Thơ và Sài Gòn, Châu Văn Liêm đã có dịp tiếp xúc với các tài liệu bí mật lưu hành trong nước và ngoài nước như: "Gọi hồn nước" của Á Nam Trần Tuấn Khải, "Nam quốc địa dư" của Lương Trúc Đàm (con trai của cụ Lương Văn Can, người sáng lập nên Đông Kinh Nghĩa Thục); "Hải ngoại huyết thư" của Phan Bội Châu v.v...; đặc biệt là Bản yêu sách "Quyền các dân tộc" gửi tới Hội nghị Véc-xây và một số tờ báo "Le Paria" của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp chuyển về. Ngoài ra, anh thường lui tới viếng chùa Minh Sư ở Bình Thủy, Cần Thơ (còn gọi là Nam Nhã Đường) và được sư thầy trong chùa là người yêu nước (trong tổ chức "Thiên địa Hội") kể cho anh nghe những mẫu chuyện và thơ ca truyền khẩu có nội dung chống Pháp. Các sự việc trên đã gieo vào lòng anh tinh thần yêu nước, chí hướng cách mạng.
Năm 1923 khi còn là giáo sinh lớp sư phạm Sài Gòn, Châu Văn Liêm đã cùng một số bạn "đồng môn" tổ chức đấu tranh chống lại chủ trương của Nha học chính Pháp, buộc các giáo sinh không tốt nghiệp làm phụ giáo.
Năm 1924 Châu Văn Liêm tốt nghiệp sư phạm, rồi về dạy lớp nhứt (Cour supérieur) ở trường Tiểu học Long Xuyên. Một năm sau (1925), Châu Văn Liêm kết tóc xe duyên với cô Phạm Thị Các.
Đầu năm học 1926-1927. thầy giáo Châu Văn Liêm chuyển về trường Long Điền, quận Chợ Thủ (nay thuộc tỉnh An Giang). Ở đây, Châu Văn Liêm đã vận động hợp nhất hai đội banh Mỹ Luông và Long Điền tạo sự đoàn kết bà con hai xã, mà trước đó tên "cò Tây" đã chia rẽ.
Cùng năm, sau khi lên Sài Gòn dự lễ tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (ngày 24-3-1926) trở về, Châu Văn Liêm tổ chức lễ truy điệu Cụ ngay tại sân banh Mỹ Luông. Bà con, cô bác, thanh niên, học sinh, giáo chức Mỹ Luông, Long Điền, Long Kiên đến dự lễ rất đông, biểu dương tinh thần yêu nước của nhân dân địa phương. Mật thám Pháp đã ghi tên Châu Văn Liêm vào "sổ đen" để theo dõi. Châu Văn Liêm là người đề xướng và thành lập "Hội giáo viên và học sinh yêu nước" ở Long Xuyên (giữa năm 1926) và Việt Nam phục quốc Đảng" ở Cần Thơ (tháng 9 năm 1926). Châu Văn Liêm vận động một số bạn bè mở tiệm thuốc ở Thới Lai và tổ chức một ghe đưa đón khách từ Ô Môn đi Thới Lai, Cờ Đỏ (thuộc Cần Thơ), nhằm bí mật nối liên lạc với những người có tâm huyết và phổ biến các tài liệu để giáo dục lòng yêu nước trong đồng bào vùng Ô Môn (nhất là các làng: Thới Thạnh, Thới An, Thới Lai, Phong Hòa,...).
Ở thị xã Long Xuyên cũng như Long Điền, Châu Văn Liêm còn mở những lớp cho người nghèo không biết chữ, tuyên truyền việc dùng hàng nội, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, chống mê tín dị đoan v.v... trong bà con địa phương.
Cuối năm 1927, Châu Văn Liêm được đồng chí Nguyễn Ngọc Ba là cán bộ của Kì bộ "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội" kết nạp vào tổ chức này, cùng một ngày với đồng chí Ung Văn Khiêm tại Tấn Đức - Tân Mỹ - Chợ Mới (nay thuộc tỉnh An Giang). Lúc ấy Châu Văn Liêm tròn 25 tuổi.
Sau đó không lâu, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư chi bộ "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội" đầu tiên của Long Xuyên - Châu Đốc. Đến tháng 2-1928 làm Bí thư Tỉnh bộ "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội" tỉnh Long Xuyên (nay là An Giang), đồng chí chủ trương phát triển rộng rãi các tổ chức công khai như: Hội thể thao Mỹ Luông - Long Xuyên (Mỹ Luông Sport), Hội nông dân, Hội thợ mộc, Hội thợ dệt, Hội cạo gió, Nghiệp đoàn thợ bạc v.v.. để tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức thành sức mạnh đấu tranh đòi quyền lợi về dân sinh, dân chủ. Cơ sở đầu mối để liên hệ với các nơi là tiệm may Mỹ Quang (nay là nhà số 14, đường Phạm Hồng Thái - thành phố Long Xuyên).
Nhờ tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng theo khuynh hướng Mác-xít-Lêninnít được truyền bá công khai trên các tờ báo như: La Cloche fêlée (Chuông rè) của Nguyễn An Ninh, L"An-nam của Phan Văn Trường... xuất bản ở Sài Gòn từ tháng 12-1923 đến tháng 2-1928. Hai tờ này đã đăng lại một số tờ của báo L"Humanité (báo Nhân Đạo) - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, báo Le Paria (Người cùng khổ) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản tại Pháp và nguyên văn "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do Các Mác - Ăng-ghen khởi thảo (đăng từ số 53, ra ngày 09-3-1926 đến số 60, ra ngày 26-4-1923 đến số 60, ra ngày 26-4-1926 trên La Cloche fêlée); và nghiên cứu "Đường Kách mệnh". Từ tiếp thu những nội dung trên, năm 1928 đồng chí Châu Văn Liêm mở một lớp huấn luyện bồi dưỡng cho các cán bộ ở Long Xuyên - Chợ Mới.
Cuối năm 1928, đồng chí Châu Văn Liêm cáo bệnh không dạy học ở Long Xuyên nữa sang Sa Đéc - nay thuộc tỉnh Đồng Tháp cùng với một số anh em lập trường tư thục "Sa Đéc học đường" làm nơi liên lạc với các đồng chí trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội như: đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương, cô giáo Đô, cô giáo Đức... và làm cơ sở công khai hợp pháp để hoạt động cách mạng.
Ngoài việc mở trường tư thục, đồng chí Châu Văn Liêm còn về quê nhà Ô Môn bí mật mở các lớp huấn luyện cho thanh niên ở các làng: Thới Thuận, Phong Hòa, Thới An, Thới Thạnh, Thới Lai...
Để tránh các mật thám theo dõi, tháng 2-1929 đồng chí Châu Văn Liêm được Kì bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội điều về hoạt động tại Sài Gòn. Tháng 3-1929 đồng chí dự Hội nghị Kì bộ để bầu Kì ủy Nam kì, tại căn nhà số 14 đường La Caze (Chợ lớn), gồm 5 đồng chí: Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Côn, Trần Ngọc Quế, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bí thư Kì bộ. Đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Châu Văn Liêm được Hội nghị cử đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội với tư cách là đại diện kì bộ Nam kì.
Do yêu cầu bức bách của phong trào cách mạng ở Nam kì ngày 07-1-1929 tại Khánh Hội - Sài Gòn, đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì hội nghị bầu ra Ban lâm thời chấp ủy tương đương (Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời) của An Nam cộng sản Đảng gồm 5 đồng chí và cử đồng chí Châu Văn Liêm làm bí thư.
Từ ngày 3 đến 7-2-1930 tại Hương Cảng - Trung Quốc hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Quốc tế cộng sản chủ trì. Đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu đại diện cho An Nam cộng sản Đảng đến dự, Sau hội nghị trở về nước, đồng chí Châu Văn Liêm cùng với đồng chí Nguyễn Thiệu tiến hành thống nhất tổ chức Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam (từ Nha Trang đến Cà Mau) và thành lập Ban lâm thời chấp ủy Nam kì (tức Xứ ủy Nam kì) và cử đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Châu Văn Liêm tự nguyện nhận nhiệm vụ phụ trách tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.
Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân Pháp đàn áp khủng bố phong trào cách mạng trong cả nước.
Ngày 4-6-1930 tại quận Đức Hòa (lúc ấy thuộc Chợ Lớn, nay là tỉnh Long An) nổ ra nhiều cuộc biểu tình trên 10.000 người do đồng chí Chấu Văn Liêm lãnh đạo kéo đến dinh quận trưởng giương cao cờ búa liềm, hô to đòi các yêu sách: giảm sưu, giảm thuế, không đàn áp đánh đập những người dân vô cớ... Cuộc đấu tranh kéo dài suốt từ 7 giờ sáng đến tối. Quận trưởng Huỳnh Văn Đẩu (tức Sành) ra lệnh cho bọn bộ hạ ở Đức Hòa "án binh bất động" và chờ binh từ Sài Gòn - Chợ Lớn đến ứng cứu.
Theo báo cáo số 235 đề ngày 9-7-1930 của quận trưởng Đức Hòa gửi Biện lí Sài Gòn (hiện lưu tại kho Lưu trữ Trung ương II - Thành phố Hồ Chí Minh) thì "Đến 21 giờ, theo lệnh của người An Nam cầm đầu, những người biểu tình vẫn tiến lên, Ông Dreuil gọi họ dừng lại nhưng họ luôn đi tới, có người An Nam kích động dẫn đầu hô to: "Đừng sợ chết", "Chục này còn chục khác! Trăm này còn trăm khác". Ông Dreuil bèn ra lệnh nổ súng, đồng thời hạ sát người An Nam cầm đầu đang cương quyết tiến thẳng tới ông... chỉ còn cách khoảng 2 thước. Lúc đó là 21 giờ 5 phút... đồng chí Châu Văn Liêm đã ngã xuống trong khí thế đấu tranh sôi sục cách mạng. Bọn địch đã đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ở Đức Hòa ngày hôm ấy.
Thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công ơn to lớn của đồng chí Châu Văn Liêm, Bí thư An Nam cộng sản Đảng, người con trung hiếu của quê hương Cần Thơ.