Lưu Hữu Phước

Ngày đăng : 11-09-2012

Nhìn lại "Khúc tráng ca thế kỉ" giáo sư - viện sĩ - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là người lính tiên phong đưa âm nhạc vào trận chiến giành dộc lập tự do cho Tổ quóc. Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam ông để lại hàng trăm ca khúc, nhạc kịch mang tinh thần lạc quan cách mạng, một ý chí tiến công bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu dân tộc, khát vọng của một tâm hồn nghệ sĩ - chiến sĩ.

Ông sinh ngày 12-9-1921 trong một gia đình nhà Nho ở Ô Môn - Cần Thơ và lớn lên trong tiếng hát ru của những làn điệu dân ca quê mẹ. Năm 11 tuổi ông đã học xong bậc Tiểu học ở quê nhà. Sau đó học tiếp ở trường Collège Cần Thơ cùng với Nguyễn Mỹ Ca và Mai Văn Bộ. Sau khi đỗ Thành Chung ở tuổi 16 (năm 1937), Lưu Hữu Phước lên Sài Gòn tiếp tục học ở trường Lycée Petrucký. Tại đây ông đã gặp Trần Văn Khê, Huỳnh Văn Tiểng cùng với Mai Văn Bộ nơi hội tụ những học sinh sinh viên yêu nước, cùng nhau rèn đức luyện tài, nuôi dưỡng ý chí cách mạng.

Từ những năm 1940 - 1940, Lưu Hữu Phước cùng với anh em sinh viên Nam Bộ đã tổ chức hành hương về cội nguồn dân tộc như: Đền Hùng, Đền thờ Trần Hưng Đạo, Tháng Gióng, Sông Bạch Đằng v.v.. gợi cho anh nhiều cảm xúc về đất nước, tổ tiên, anh hùng dân tộc nên đã cho ra đời nhiều bài hát nổi tiếng như:Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát Giang Trường Hận, Người xưa đâu táv.v...đặc biệt là bài "Tiếng gọi sinh viên" trở thành "Tiềng gọi thanh niên", bài hát chính thức cho phong trào thanh niên việt Nam, sau đó sửa lời thành "Quốc ca dân khúc". Nhân dân Nam Bộ hát chào cờ, trước khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I thông qua chọn bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao làm quốc ca.

Mỗi chặng đường lịch sử đầy hào hùng của dân tộc ta, tác phẩm của Lưu Hữu Phước lại ra đời cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, phong trào cách mạng bùng lên chống xâm lược như: bài "Lên đàng" là bài hát tiêu biểu của thế hệ thanh niên trong cách mạng tháng 8-1945 và kháng chiến chống Pháp. Bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" trở thành lãnh tụ ca - thành ca khúc nghi lễ của Đảng và Nhà nước ta. Bài "Hồn tử sĩ" trở thành nhạc mặc niệm trong nghi thức. Bài hát "Thiếu nữ Việt Nam" trở thành nhạc hiệu của chương trình phát thanh phụ nữ Việt Nam, "Giải phóng miền Nam" trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Với ca khúc này nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã đi lưu diễn ở nhiều nước cuốn hút, thôi thúc bạn bè quốc tế: Nga, Nhật, Pháp Ý, Cuba, Trung Quốc... góp phần khích lệ bạn bè thêm niềm tin yêu và ủng hộ cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân ta... Bài "Khúc khải hoànca" là nhạc hiệu của đài vô tuyến truyền hình Việt Nam, bài "Tiến về Sài Gòn" được Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn làm nhạc hiệu của đài. Các ca khúc trên mang ý nghĩa thời đại của lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh số lượng tác phẩm nổi tiếng đồ sộ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn có nhiều đóng góp to lớn trong lãnh đạo, quản lí ngành nghề. Khi ở cương vị Vụ trưởng Vụ âm nhạc và múa, ông đã kiên trì chủ trương bảo lưu và phát triển âm nhạc dân tộc trong các trường nhạc và đoàn văn công. Thông qua số lượng tác phẩm trong thi tuyển và trình diễn, cải tiến nhạc cụ dân tộc và khuyến khích nhạc công học và sử dụng nhạc cụ dân tộc tương ứng như: Violon với nhị, Flute với sáo trúc, Ơboa tương ứng với Sona... Khi là Viện trưởng Viện âm nhạc và múa, ông muốn viện là một mô hình khép kín từ sưu tầm, khai thác tới nghiên cứu rồi giảng dạy, sáng tác, biểu diễn... Khi ấy Viện đã có chương trình SKPVAT - tức sưu tầm, khai thác và phát triển vốn âm nhạc truyền thống trong cả nước bằng phương tiện ghi âm, chụp hình, quay phim, có lớp Đại học dân tộc, có đội biểu diễn thể nghiệm và có bảo tàng âm nhạc truyền thống. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là người có công lớn trong việc thành lập dàn nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1959, ông đã tập hợp những nghệ sĩ tài năng của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Ca múa Quân đội, Đoàn quân nhạc và trường âm nhạc Việt Nam. Dàn nhạc được vinh dự trình diễn chào mừng Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1960, vinh dự được Bác Hồ cầm đủa trực tiếp chỉ huy dàn nhạc.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là người có công lớn trong tổ chức và xây dựng nhà hát giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc và Kịch đầu tiên của Việt Nam.

Trên mặt trận lí luận phê bình âm, nhạc, ông tập trung vào các chủ đề: thừa kế, phát huy vốn âm nhạc truyền thống dân tộc, đường lối dân tộc hiện đại trong âm nhạc, xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng... Trong suốt chặng đường dài đấu tranh cách mạng, ông luôn luôn kiên định lập trường âm nhạc chính trị "Âm nhạc là vũ khí đấu tranh cách mạng, làm âm nhạc để phụng sự Tổ quốc". Quan điểm trong sáng tác và hoạt động âm nhạc của ông là: chống âm nhạc phản động đồi trụy, ngoại lai, xây dựng nền âm nhạc xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Trong kho tàng âm nhạc, ông để lại có trên 50% tác phẩm đề cập đến tuổi trẻ, vào những ngày cuối đời ông vẫn đặc biệt quan tâm đến tuổi trẻ, đã đề xuất chương trình giáo dục âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc ở các trường văn hóa phổ thông.

Với tài năng và đức độ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng: Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam việt Nam "1966 - 1976", Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; năm 1969 là Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, ông đã kinh qua các chức vụ: Giáo sư - Viện sĩ Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (1976 - 1986), Viện sĩ Thông tấn - Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc Quốc gia (1980-1989), Đại biểu Quốc hội khóa VI - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (1976 - 1986), Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1984), Viện sĩ Thông tấn ngành âm nhạc, Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa Dân chủ Đức (1986), năm 1987 ông là thành viên Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, ông được phong giáo sư cấp 2 ngành Âm nhạc học. Bên cạnh đó, Lưu Hữu Phước còn giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau trong công tác Đảng, từ Ủy viên Đảng bộ Bộ Văn hóa; Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin đến Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam...

Trân trọng và ghi nhận những đóng góp quý báu của cố Giáo sư - Viện sĩ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đối với sự nghiệp cách mạng và nền âm nhạc nước nhà - Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có phần thưởng danh dự Nhà nước "Giải thưởng Hồ Chí Minh" tháng 10-1966.

Giáo sư - Viện sĩ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã đi xa nhưng âm vang của những khúc ca trong sáng, hào hùng vẫn vang vọng mãi với non sông đất nước. Nhân dân cả nước cũng như nhân dân Cần Thơ mãi mãi biết ơn và tự hào về người nhạc sĩ lớn, tài ba của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

(Theo quyển Danh nhân di tích lịch sử văn hóa tỉnh Cần Thơ, do Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cần Thơ xuất bản năm 2003 )

Xem thêm...