Ngày: 17/11/2017
Ngày Nhà giáo là một ngày đặc biệt để tôn vinh các giáo viên, và có thể bao gồm những hoạt động kỷ niệm để vinh danh giáo viên vì những cống hiến đặc biệt của họ trong một lĩnh vực nào đó, hoặc cho cộng đồng nói chung. Ý tưởng tổ chức Ngày Nhà giáo bắt nguồn ở nhiều nước trong thế kỷ 19; theo đó, các nước thường tổ chức tưởng niệm một nhà giáo của nước mình hoặc một dấu mốc quan trọng trong giáo dục.
Ví dụ, kể từ năm 1915, Argentina tổ chức Ngày Nhà giáo vào ngày 11/9 là ngày mất của Domingo Faustino Sarmiento - một chính khách, nhà giáo dục, nhà văn và là Tổng thống Argentina (1868-1874). Với tư cách là Tổng thống, ông đã thiết lập nền tảng cho nhà nước Argentina bằng việc phát triển hệ thống giáo dục quốc gia, thúc đẩy thương mại và nông nghiệp, khuyến khích giao thông và truyền thông.
Hay như ở Ấn Độ từ năm 1962 đã lấy ngày 5/9 là sinh nhật của Tiến sĩ Sarvepalli Radhakrishnan (1888-1975) - triết gia, nhà văn nổi tiếng, Thủ tướng Ấn Độ từ năm 1962 đến 1967 để kỷ niệm Ngày Nhà giáo.
Đó cũng là lý do chính vì sao một số nước tổ chức Ngày Nhà giáo vào những dịp khác nhau.
Theo UNESCO, ngày quốc tế vinh danh các giáo viên trên toàn thế giới được lựa chọn vào ngày 5/10 hàng năm (lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1994), với tên gọi ngày Quốc tế Giáo viên. Ngày này được Tổ chức Giáo dục Quốc tế (EI) cũng chính là Liên bang Công đoàn Toàn cầu đại diện cho lĩnh vực Giáo dục trên toàn thế giới lựa chọn. Mặc dù có ngày Quốc tế Giáo viên chung cho toàn thế giới nhưng ở nhiều quốc gia, ngày lễ tôn vinh các nhà giáo lại được chọn riêng và có cách thức tổ chức khác nhau.
Có rất nhiều quốc gia công nhận ngày 5/10 là Ngày Giáo viên, chẳng hạn như Azerbaijan, Bulgaria, Estonia, Đức, Lithuania, Cộng hòa Moldova, Hà Lan, Pakistan, Philippines, Qatar, Romania, Nga, Serbia và Mauritius…
Mặc dù có Ngày Quốc tế Giáo viên chung cho toàn thế giới nhưng nhiều quốc gia cũng chọn riêng một ngày lễ tôn vinh các nhà giáo.
Tại Việt Nam, Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) 20/11 ngày hội của ngành giáo dục, nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này.
Thầy trò TPHCM trong lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Về nguồn gốc Ngày Nhà giáo Việt Nam, theo Wiki, tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo”.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam. Những nǎm sau đó, ngày lễ này còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam.
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”.
Ngoài Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng kỷ niệm Ngày Nhà giáo để tôn vinh những người tận tụy vì sự nghiệp giáo dục đào tạo. Các quốc gia tổ chức ngày kỷ niệm này theo những sắc thái khác nhau, tùy thuộc vào lịch sử và nền văn hóa đặc trưng.
Tại Ba Lan, ngày 14/10 được coi là Ngày Nhà giáo, để kỷ niệm thành lập Ủy ban Giáo dục Quốc gia ngày 14/10/1773 qua sáng kiến của vua Stanisoaw Poniatowski. Vào ngày này, học sinh thường tặng hoa và kẹo cho giáo viên. Ngoài ra còn học sinh còn diễn kịch và các hoạt động khác.
Tại Chile, vào năm 1967, ngày 11/9 đã được lựa chọn là Ngày Nhà giáo. Sau đó ngày 10/12 hàng năm được chọn, bởi vào ngày này, nhà thơ Chile Gabriela Mistral đã nhận giải Nobel. Năm 1977, Ngày Nhà giáo lại chuyển sang ngày 16/10, nhằm tôn vinh sự thành lập Hiệp hội Giáo viên Chile.