Thứ ba, 19/11/2024 16:43:32
“Người lớn ơi, chúng ta còn độc ác và ngu muội tới bao giờ?”

Ngày: 13/04/2018

Mới đây sự việc nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (TPHCM) nhảy lầu tự vẫn ngay tại trường với lá thư tuyệt mệnh đã gây chấn động dư luận. Chuyện học hành, thi cử, kỳ vọng là một gánh nặng khủng khiếp đối với con trẻ dù đã được cảnh báo từ lâu.
 Sáng này 10/4, nam sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy từ mái tôn lầu 4 của dãy phòng học tự vẫn - sự việc diễn ra ngay trước mắt bạn bè và thầy cô. Đây là một học sinh giỏi với điểm trung bình môn 8.9, nhưng sau sự việc, mọi người phát hiện trong cuốn sổ của em để lại lá thư tuyệt mệnh mà phía cơ quan công an cho hay, nội dung em đề cập là do áp lực trong học tập và áp lực gia đình muốn em có điểm số tốt hơn.

 

Nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập
Nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến, TPHCM nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập

 

Từ câu chuyện của em, rất nhà giáo dục, nhà tâm lý đã phải thốt lên đầy đau đớn về những "hậu họa" mà người lớn đẩy xuống cho con trẻ dù đã được nhắc đến từ lâu.

Bà Thu Hà, tác giả cuốn sách giáo dục "Con nghĩ đi, mẹ không biết" nổi tiếng đã nghẹn ngào: "Người lớn ơi, chúng ta còn độc ác và ngu muội tới bao giờ nữa?".

Cách đây không lâu, bà Thu Hà cũng đã nhắc đến chuyện một học trò ở TPHCM nhảy từ lầu 5 xuống sau khi em đạt điểm sát hạch đầu năm môn Anh văn là 3 điểm, bài viết có hơn 1,2 triệu lượt người theo dõi. Từ câu chuyện của cậu bé, bà mong có thể cảnh báo nhiều gia đình khác, cứu được nhiều đứa trẻ khác vẫn đang sống trong áp lực.

Cha mẹ muốn con học ngoại ngữ này, ngoại ngữ nọ, điểm số này nọ nhưng theo bà Hà, họ quên mất ngôn ngữ để hiểu chính mình và hiểu con nhưng lại không thèm học. Thế nên tiếng kêu cứu của người mình yêu nhất, ở ngay cạnh lại không nghe được.

"Nhiều ba mẹ đã trao cho điểm số cái quyền lực quá lớn, nhiều ba mẹ làm cho con mình hiểu rằng điểm kém sẽ hủy hoại cả cuộc đời con. Nhiều gia đình không vứt nổi những nặng nề ngoài bậu cửa", bà Hà viết.

Bà Thu Hà cũng nhấn mạnh thông điệp "Học để sống". Với tất cả các môn học ở trường, con học để vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng!

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ (Phòng khám Nhi đồng thành phố) chia sẻ bà thực sự cảm thấy bất lực khi chứng kiến bản năng sinh tồn của nhiều đứa trẻ Việt tàn lụi dần. Chúng không còn "ham sống sợ chết". Chúng không thể vùng vẫy để vượt qua những thử thách của cuộc sống này. Chúng vật vờ để tồn tại, không còn hồn nhiên ngây thơ, không biết cười giòn tan. Chúng sống chìm ngập trong những mệnh lệnh, những lời chê trách.

 


Học trò ở TPHCM tranh thủ ngủ trong thang máy ngay trước giờ đến trường.

Học trò ở TPHCM tranh thủ ngủ trong thang máy ngay trước giờ đến trường.

 

Theo chuyên gia Võ Thị Minh Huệ, việc bố mẹ ép con học như điên khiến con chán sống, muốn tự tử cũng là tội ác. Khoan đổ lỗi cho nhà trường, xã hội, con mình sinh ra thì trước hết mình phải là người chịu trách nhiệm, phải cho con tình yêu thương để con được bình yên. Trẻ em ở Việt Nam bị ám ảnh hai việc, nhỏ thì ám ảnh việc ăn và lớn thì ám ảnh chuyện học. Trong khi, hai nhu cầu này là hoàn toàn tự nhiên và để sinh tồn chúng sẽ tự ăn tự học.

"Làm việc tại phòng khám, tôi gặp rất nhiều đứa trẻ tuổi teen đang có suy nghĩ cái chết sẽ chẩm dứt dự ám ảnh này. Bố mẹ không thể phớt lờ và né tránh điều này", bà Minh Huệ nhấn mạnh.

Không chỉ là trường hợp đặc biệt, khi làm việc với ngành giáo dục TPHCM, bác sĩ Lâm Hiếu Minh (bệnh viện Tâm thần TPHCM) đã không ít lần cảnh báo số học sinh đi khám bệnh tâm thần tăng không ngừng mỗi năm, nhất là vào mùa thi cử. Thậm chí, ông lo ngại cứ đà này, phòng khám tâm thần nhi không đủ chỗ, bác sĩ làm không xuể. Đặc biệt, khi đã vào viện thì phần lớn tình trạng của các em đã nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, cuộc sống.

Hay như ông Nguyễn Tiến Đạt, khi đang công tác ở vị trí Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ông cũng đề cập đến vấn đề truyền thống của người Việt là hiếu học. Nhưng chúng ta đang dạy học thế nào mà bây giờ con trẻ quay sang oán ghét thầy cô và oán ghét cha mẹ quanh chuyện bắt các em học.

Ông Đạt tâm tư, đây là mối nguy đang bào mòn tinh thần của người Việt. Khi đã chán ghét những người thân yêu, gắn bó quanh mình nhất thì các em có thể yêu thương, trân trọng và tha thiết với điều gì?

c2xuancam
Tin liên quan