Thứ ba, 19/11/2024 18:16:21
Ngân hàng Thế giới đánh giá VNEN không sai, sai ở ...chỗ khác

Ngày: 13/09/2017

Mới đây, Ngân hàng Thế giới chính thức công bố kết quả đánh giá tác động của VNEN đối với giáo dục Việt Nam.

Điều bất ngờ là bản báo cáo hầu như toàn nêu lên những ưu điểm về sự đồng tình của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là kết luận về tình hình học tập của học sinh học theo mô hình VNEN điều mà nhiều người quan tâm nhất.

Kết luận này hoàn toàn khác xa với thực tế qua việc hàng loạt tỉnh thành trong cả nước công bố “tẩy chay” chương trình này trong thời gian vừa qua.

Bản báo cáo khẳng định: “Học sinh VNEN tự tin, sáng tạo hơn, biết quan tâm chia sẻ với người khác.

Điểm thi của môn Tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống.

Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn”.

Mới đọc qua nội dung bản báo cáo, chúng tôi cứ tự hỏi: “Sao những kết luận như thế này quen quá nhỉ?”.

Sau khi tìm hiểu kĩ hơn, chúng tôi được biết báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Tham gia có sự chỉ đạo của ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Đặng Tự Ân, Chuyên gia cao cấp và Cố vấn Trưởng dự án GPE-VNEN; ông Lê Tiến Thành, chuyên gia cao cấp và cố vấn dự án GPE-VNEN…

Bởi thế, khi đọc toàn bộ bản đánh giá dài 185 trang, chúng tôi có thể thấy đánh giá của báo cáo này nhiều mục không khác nhiều so với các chuyên gia VNEN như thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Lê Tiến Thành, thầy Phạm Ngọc Định, thầy Đặng Tự Ân đã nói nhiều lần trên truyền thông thời gian vừa qua.

Vậy là chúng tôi đã hiểu vì sao VNEN ở Việt Nam lại được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao như thế.

Nhưng điều đáng buồn là nó lại hoàn toàn khác xa thực tế đã và đang diễn ra trong ngành giáo dục cả nước hiện nay.

Chúng tôi cho rằng, có được đánh giá về VNEN như thế, Ngân hàng Thế giới cũng đã được đọc các báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo (sau khi tổng kết báo cáo từ các Phòng, các trường gửi lên) cùng với những chuyến đi thực tế để dự giờ thăm lớp, để phỏng vấn, gặp gỡ phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Nhưng có thể họ không biết rằng những nơi họ đến đã được bố trí trước, những người họ phỏng vấn lại chẳng bao giờ dám nói thật lòng, dám nói đúng thực trạng những khó khăn, bất cập trong việc dạy VNEN và những tiết học họ được quan sát, dự giờ hoàn toàn đã được đạo diễn, tập tành nhiều lần trước đó.

Và bây giờ, thầy và trò đang trở thành những diễn viên diễn kịch thượng hạng hay sao?

Thế nên chúng tôi mới nói rằng, Ngân hàng Thế giới đánh giá không sai với những gì mình đã ghi nhận được.

Cái sai ở đây là sai từ những vị cán bộ chuyên gia cấp Bộ, Sở xuống Phòng đã không dám công khai sự thật về việc áp dụng VNEN nóng vội dẫn đến việc dạy học không hiệu quả mà tìm mọi cách để bưng bít thông tin che đậy những sự thật mà hàng trăm phụ huynh biểu tình phản đối chương trình học VNEN, hàng chục tỉnh thành tuyên bố không dạy VNEN trong năm học này vì tính thiếu khả thi và không có kết quả như mong muốn.

Cái sai của những vị lãnh đạo cấp dưới cơ sở cụ thể là ban giám hiệu các trường học chỉ biết lo cho “cái ghế” của mình nên phải “cuốn theo chiều gió”.

Cái sai ở chính những giáo viên đang ngày đêm giảng dạy VNEN “vì lo cho chén cơm manh áo hằng ngày nên chấp nhận cách im lặng là vàng”, sai của nhiều phụ huynh muốn lên tiếng phản đối VNEN nhưng lại sợ con mình bị trù dập chỉ dám nói lao xao bên ngoài.

Bí quyết ngụy trang để nâng tầm VNEN

Từ những ngày đầu triển khai VNEN, các trường học đều phải báo cáo về những khó khăn, thuận lợi khi áp dụng mô hình VNEN, những mặt đạt được và những điểm còn hạn chế.

Tuy nhiên, những bản báo cáo từ cơ sở đưa lên chỉ được phép ghi những điều hay, những điểm tích cực như:

Học sinh tự tin, năng động và sáng tạo. Các em đã biết tương tác với bạn để tìm ra kiến thức, biết chia sẻ, hợp tác, nói lời đề nghị với cô.

Chất lượng học tập cuối năm được nâng lên rõ rệt”…

Đã có không ít trường đưa báo cáo lên bị cấp trên trả lại vì đã dám ghi những mặt còn hạn chế.

Những tiết dạy học quay video phát trên mạng hoặc dạy dự giờ cho các chuyên gia giáo dục thăm lớp.

Để có được tiết dạy trơn tru, học sinh nói như diễn thuyết, các em trao đổi, đối chất với bạn thậm chí biết đặt câu hỏi luôn với cả giáo viên. Biết nhận xét đúng sai giúp bạn, biết nhận xét cả chính bản thân mình…

Xem xong tiết dạy ai cũng vui, cũng cười hớn hở, cũng gật gù vì tiết học đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhưng mấy ai biết rằng (hoặc biết cũng làm lơ) cả thầy và trò cùng nhiều giáo viên trong trường phải vật vã biết bao ngày mới được như thế.

Riêng điểm số mấy kì thi, đã có nhiều trường phải lặng lẽ tổ chức thi lại cho học sinh VNEN vì điểm thi lần đầu quá thấp.

Bởi chẳng có trường học nào dám dũng cảm để lại chất lượng thê thảm đến như thế.

Và cũng không giáo viên muốn mình bị chửi, bị đổ thừa rằng không biết dạy, không chịu học hỏi, đổi mới…

Thế nên, với việc ôn tập kĩ hơn và đề thi dễ hơn, học sinh đã dễ dàng đạt được kết quả cao như mong muốn.

Chung quy, để câu chuyện VNEN dây dưa chưa đến hồi kết giữa hai luồng ý kiến (mà một bên là đại diện phụ huynh (giáo viên chỉ dám ủng hộ ngầm), một bên là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo các cấp giáo dục hiện nay), xét cho cùng, lỗi lớn nhất vẫn thuộc về cơ sở bởi tội “báo cáo láo”.

Nếu ngay từ đầu, giáo viên và ban giám hiệu các trường đều đồng loạt lên tiếng về những hạn chế trong chương trình VNEN thì đâu đến nỗi con cháu mình và chính mình đang phải ngày đêm chịu đựng.

Người ta thường mang những suy nghĩ “vì miếng cơm manh áo”, “vì danh vọng và chỗ đứng”, “vì cả gia đình phía sau”… để tự an ủi, tự bào chữa cho thói hèn nhát, cho lối sống ích kỉ “mũ ni che tai”của chính mình.

Lối sống này đang trở nên nguy hiểm vô cùng. Bởi vì tội báo cáo láo mà nhiều chuyện đang trắng trở thành đen, đang đen bỗng thành trắng trong nháy mắt.

Làm thế nào để chữa được căn bệnh này? Thiết nghĩ thật không hề đơn giản.

Nguyễn Trung Kiên
Tin liên quan