Tin từ đơn vị khác

NỖI NIÊM CÔ NUÔI DẠY TRẺ

Nỗi niềm cô nuôi dạy trẻ!

          Họ và tên: Lê Thị Dung

          Chức vụ: Giáo viên

          Đơn vị công tác: Trường MN Xuân Cẩm số 1    

Lúc sinh thời Bác Hồ nói về nghề sư phạm(nghề dạy học), Bác nói “ Nghề dạy học là một nghề cao quí nhất, trong các nghề cao quí”. Có một nhạc sỹ viết lời cho một bài hát về ngành sư phạm “Yêu nghề bao nhiêu, em càng yêu người bấy nhiêu”. Chính vì lẽ đó chỉ những ai có cái tâm mới bước chân vào ngành Sư Phạm, ấp ủ trong mình một ước mơ mai này trở thành cô giáo, được dìu dắt, dạy dỗ các em và cái tâm ấy phải rộng mở hơn, to lớn hơn và dạt dào cảm xúc hơn với những ai chọn ngành Mầm Non để mai này thành một cô giáo Mầm Non -Một công việc không phải giản đơn như mọi người thường hay nghĩ.

Trước hết để trở thành một giáo viên mầm non, thì người giáo viên phải có lòng yêu trẻ vì đặc thù của nghề giáo viên mầm non đòi hỏi ở các giáo viên tình yêu của người mẹ đối với trẻ. Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô (không tính giờ trẻ ngủ ở nhà). Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết: kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất…và không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến, bảo vệ trẻ. Tuy nhiên tình yêu của cô dành cho trẻ phải là tình yêu sáng suốt, tình yêu có cả sự dịu dàng và cả những yêu cầu mà trẻ phải thực hiện. Không chỉ yêu trẻ, mà giáo viên mầm non còn phải biết yêu điều mình dạy, nghĩa là yêu chính công việc của mình. Mỗi ngày 8 tiếng, có khi là 10 tiếng làm việc ở trường, nào tiếng trẻ khóc, nào là trẻ chạy va vào nhau ngã, trẻ đánh nhau, rồi soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, rồi áp lực từ quản lý, cấp trên; Tất cả đè nặng lên đôi vai người giáo viên, thử hỏi nếu không yêu trẻ và yêu nghề thì làm sao giáo viên có thể làm hết khối lượng công việc ở trường mà vẫn dịu dàng và yêu thương với trẻ, chưa kể còn áp lực từ phía phụ huyn và áp lực từ chính cuộc sống........................................................................

Yêu trẻ và yêu điều dạy cho trẻ là đặc thù chung của những giáo viên mầm non. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, có những lúc tình cảm thầy trò cũng bị hiểu sai, và tình yêu của cô dành cho trẻ đôi khi cũng bị người đời đánh đổi, tính toán chi li. Khi còn là sinh viên khoa mầm non, sinh viên nào cũng trả lời: em vào ngành này vì em yêu trẻ. Tình yêu ấy liệu có mai một theo thời gian, theo những lo toan cuộc sống?. Nghề giáo viên mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề, những cô giáo mầm non hôm qua, hôm nay và mai sau đã và đang tiếp bước xây dựng trang sử 60 năm đổi mới ngành giáo dục mầm non ngày càng phát triển.

Khi nhắc đến cụm từ “ cô giáo Mầm Non ” người ta hay hình dung ra những hình ảnh như cô ngồi kể chuyện cho các cháu nghe, hát múa, vui chơi cùng các cháu…Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Đó chỉ là những giây phút hiếm hoi người giáo viên được thảnh thơi bên học trò của mình còn phần lớn thời gian phải dành cho việc dọn dẹp, ăn uống, giặt khăn, lau chùi…những công việc không thể không làm như sổ sách, giáo án lại phải chịu bao nhiêu áp lực từ việc dự giờ, kiểm tra đột xuất đến áp lực từ phía phụ huynh. Trong hoàn cảnh ấy người giáo viên không chỉ đơn thuần cần cái tâm để yêu thương mà cũng phải có nghị lực vững vàng lắm mới có thể vượt qua. Chính vì vậy cô giáo Mầm Non đã phải hóa thân giống như người diễn viên diễn nhiều vai vừa là mẹ, vừa là cô , là nghệ sĩ, bác sĩ trong lớp học mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối.

Dư luận xã hội nói chung và phụ huynh nói riêng thường đòi hỏi ở người giáo viên nhiều tố chất khắt khe bởi chính những lời ăn tiếng nói, hành động của cô sẽ góp phần hình thành nên tính cách trẻ sau này. Người ta không phủ định điều đó, nhưng đặt trong hoàn cảnh một giáo viên đảm trách đến mấy chục em, mà ở lứa tuổi đang chập chững khẳng định mình, mỗi em mỗi tính cách khác nhau. Để dung hòa đựơc những tính cách đó đòi hỏi người giáo viên phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết mà không phải lúc nào cô cũng có thể nhẹ nhàng, khuôn mẫu nhưng xin hãy cảm thông bởi các cô cũng chỉ là một con người.

Và có một câu chuyện mà mỗi khi chúng tôi: Những cô giáo trẻ ngồi nói với nhau mà cười trong nước mắt. Đó là vào một buổi họp phụ huynh, khi giáo viên đề nghị cho trẻ nghỉ một ngày để các cô họp chuyên môn thì phụ huynh đã nhao nhao lên rằng: “ Ôi! Nếu nó nghỉ ở nhà thì tôi chết ”, khi được hỏi phụ huynh mới trả lời rằng “không biết đến trường nó sao chứ về nhà quậy lắm, ăn uống thì khó khăn”. Vậy đấy, tôi chỉ biết thở dài. Nếu như phụ huynh không thông cảm mà cứ soi mói, cứ đòi hỏi thì có phải vô hình chung phụ huynh đang đẩy chúng tôi đến gần cái chết?

Trước những lo toan và áp lực công việc của ngành học cô giáo mầm non đã phải nuốt nước mắt vào trong, vì trong vai trò vừa trông con người thì làm sao mà vừa trông con mình được “trông con mình thì ít, trông con người thì nhiều”. Đúng rồi, phụ huynh nào khi giao con cho người khác cũng có nhiều nỗi lo sợ. Và dù chúng tôi có cố gắng thế nào đi nữa cũng không bao giờ làm vừa lòng họ. Vì thế tôi càng ra sức cố gắng… thì càng bỏ bê gia đình, con cái của mình.

Khi còn là một nữ sinh, tôi luôn bị ấn tượng bởi hình ảnh một cô giáo mầm non hiền hòa trẻ trung, được các em nhỏ vây quanh, cô dạy các em múa, hát, dạy học chữ… và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Chính vì điều đó mà tôi ao ước sau này mình trở thành một giáo viên mầm non. Thế nhưng khi điều ước trở thành sự thật, thì nó lại trở thành điều mà tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời của mình. Giá mà tôi đã lựa chọn một nghề khác…

          Thời gian làm việc hàng ngày của tôi không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng. Trường quy định giáo viên có mặt từ 6h30 để dọn dẹp lớp, nếu đến muộn 5 phút sẽ trừ lương. Công việc hàng ngày của tôi là ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án, hằng tuần phải rửa đồ chơi, ngày ngày lau nhà, cọ rửa từng khe gạch,… lúc các con ăn thì cô bày bàn, lúc con ngủ thì cô dọn dẹp.

Với bằng ấy công việc mỗi ngày, khi vác được thân xác về tới nhà, hôm nào tôi cũng mệt rã rời. Nhiều đêm nghĩ, sao mình lại lựa chọn con đường này?, số tiền lương hơn 2 triệu nhận được quá ít ỏi so với công sức và áp lực đang phải gánh chịu. Với một người phụ nữ bình thường, chỉ một đứa con thôi cũng đã bận tối tăm mặt mũi, không còn phút nào dành cho bản thân, huống chi chỉ có 2 cô giáo trong một lớp 40 cháu. Vừa cho các cháu ăn (với những cháu lười ăn thì đây thực sự là một cuộc chiến), vừa dạy hát múa, dạy chữ, kể chuyện, ru các cháu ngủ, làm vệ sinh cá nhân cho các cháu,…

    Nhưng có lẽ điều không chỉ tôi mà cô giáo nào cũng phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của hàng chục học sinh. Từ miếng ăn, thức uống, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, lúc các em nóng sốt, biếng ăn, chảy mũi... đều phải theo dõi. Phụ trách lớp hơn 40 học sinh và chỉ có 2 giáo viên, ngoài việc dạy trẻ các kỹ năng cần thiết, 2 cô phải làm đủ việc từ cho các bé ăn, ngủ, dỗ dành, vệ sinh lớp… "Một ngày, em phải rửa vệ sinh cho mười mấy học sinh, giặt quần áo bẩn do trẻ ị đùn, tè dầm, lau phòng học, cọ nhà vệ sinh liên tục…

Lớp đông, không thể tránh những lúc để học sinh bị vấp ngã hay đánh nhau. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cứ thấy con có vết cào trên mặt hay bầm tím trên da là quy kết cho giáo viên đánh trẻ. Có người còn đứng trước cửa hỏi con là bị cô nào đánh.  Có cô giáo tâm sự, nhiều lúc nóng giận khi trẻ không nghe lời, quậy phá, nhưng chưa một lần vung tay đánh học sinh. Lúc cảm thấy không thể kìm chế nổi bản thân, chọn cách đóng cửa lớp, đi ra ngoài trấn tĩnh. Cô giáo có 2 con nhỏ tâm niệm rằng, nếu không muốn ai "động" vào con mình thì mình cũng không nên làm gì con người khác. Có hôm ở lớp học khu trung tâm có hội giảng cháu 4 tuổi xin ra ngoài và trốn ra ngoài, cháu chạy về nhà(nhà cháu cạnh trường) nói với ông “Cô đuổi con ra ngoài, không cho học nữa”. Khi không thấy cháu vào, cô bổ đi tìm, té ra cháu đã trốn về, may mà phụ huynh cháu đó là người hiểu và thông cảm cho cô, cháu 3 tuổi năm nay mới đi học nên còn nhiều bỡ ngỡ, hay quấy khóc.

Mặc dù nhiều áp lực, nhưng mỗi sáng khi thức dậy tôi lại tự trấn an mình, nghề nào cũng có sự vất vả khó nhọc riêng, đã lựa chọn con đường này cho mình thì sẽ cố gắng đi đến cùng.

Áp lực với công việc bị nhiều định kiến, ít sự cảm thông của phụ huynh, nếu không vì yêu trẻ sẽ không tiếp tục được công việc. Tôi mong muốn, phụ huynh có cái nhìn đồng cảm, công tâm hơn và cùng nhà trường chăm nuôi, dạy dỗ tốt trẻ nhỏ. "Sự đồng cảm, ghi nhận công sức của giáo viên từ phụ huynh chính là động lực giúp chúng tôi thêm yêu và làm tốt hơn công việc vất vả này”.

Tôi không biết rằng những tâm sự của tôi có làm thay đổi được gì tốt hơn cho giáo viên Mầm Non hay không nhưng đó là những gì rất thật mà tôi đang cảm nhận, tôi rất muốn nhiều người hãy hiểu cho chúng tôi hơn, hãy cùng chia sẻ khó khăn với chúng tôi, tôi rất mong tìm được nhiều sự sẻ chia để giúp cho giáo viên Mầm Non giữ được niềm tin yêu để tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn, nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, có được thời gian chăm sóc trẻ như những đứa con của mình bởi tôi tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với hình ảnh ông lái đò cặm cụi bên sông.

Người viết:

 

 

Lê Thị Dung

Tác giả: mnxuancam

Xem thêm

Tin tức