Thứ ba, 23/07/2024 17:17:12
HƯỚNG DẪN TRÌNH BÀY BÁO CÁO DỰ ÁN DỰ THI CUỘC THI KHKT NĂM HỌC 2016-2017

Ngày: 17/11/2016

HƯỚNG DẪN

TRÌNH BÀY BÁO CÁO DỰ ÁN DỰ THI CUỘC THI KHKT

NĂM HỌC 2016-2017

 

Báo cáo Khoa học tổng kết Dự án/ Đề tài là công bố những gì đã thực hiện, những gì đã được phát hiện và kết luận khoa học rút ra từ quá trình khám phá đó. là cơ sở để Hội đồng thẩm định và giám khảo đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Báo cáo phải phản ánh đầy đủ nội dung, kết quả thực hiện. Các báo cáo phải đóng thành quyển khổ A4 (210 x 297mm), chữ viết có font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13–14.

Với một báo cáo khoa học tham dự Cuộc thi thường có cấu trúc được trình bày theo trình tự như sau:

1. Trang bìa (theo mẫu).

Lưu ý: Tên dự án/ đề tài

- Tên dự án/ đề tài được viết bằng chữ in hoa.

- Tên dự án/ đề tài phải phản ánh cô đọng nội dung nghiên cứu và ý tưởng thực hiện của đề tài. Có nhiều cách đặt tên đề tài. Những thông tin được lựa chọn để đặt tên cho đề tài thường là: nội dung chính của đề tài; mục tiêu nghiên cứu; phương pháp thực hiện đề tài; địa điểm, môi trường hoặc phạm vi thực hiện đề tài.

- Tên dự án không nhất thiết quá dài và đầy đủ các thành phần mà tuân theo nguyên tắc “ít chữ nhất nhưng mang nhiều thông tin nhất”, miễn sao thể hiện được điều cốt lõi nhất mà đề tài cần nhấn mạnh, có kết quả rõ ràng.

- Không nên đặt tên dự án/ đề tài với giới hạn phạm vi nghiên cứu quá rộng, vượt quá khả năng thực hiện.

2. Mục lục.

3. Các từ viết tắt, danh mục bảng biểu (nếu có)

4. Phần chung:

a) Lý do chọn dự án/ đề tài:

- Trong phần này, tác giả nêu rõ do đâu mà có được ý tưởng của đề tài (từ quan sát thực tế cuộc sống, từ chương trình các em đang học, từ sách vở, báo chí các em đang đọc,…?), các em cố gắng viết phần này càng cụ thể càng tốt.

b) Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:

- Nếu đề tài được thực hiện thành công thì nó mang lại lợi ích gì cho xã hội, cho địa phương? Mọi người có thể dùng kết quả này sẽ có thể làm ra những sản phẩm gì, sẽ có thể giúp con người giải quyết được những vấn đề gì, hoặc con người có thêm những hiểu biết gì về thế giới mà chúng ta đang sống? …

c) Mục tiêu nghiên cứu:

- Mục tiêu nghiên cứu cần được làm rõ trong nghiên cứu khoa học, là cái đích về nội dung mà người nghiên cứu đặt ra để định hướng và nỗ lực đạt tới. Mục tiêu của dự án xuất phát từ lý do chọn dự án, trả lời câu hỏi: tại sao lại chọn đề tài này để nghiên cứu?

- Mỗi đề tài có mục tiêu khái quát – gọi là “mục tiêu chung” hay “mục đích” và “mục tiêu cụ thể”.

- Mục tiêu chung – thể hiện ý nghĩa khái quát của đề tài khoa học, trả lời câu hỏi “nghiên cứu để làm gì?”; cách thể hiện mục tiêu chung thường đi liền với các cụm từ chỉ mục đích của nghiên cứu như: nghiên cứu nhằm...; nghiên cứu là để...; nghiên cứu góp phần...

- Mục tiêu cụ thể - thể hiện dự định kết quả mà đề tài cần đạt được, trả lời câu hỏi: Nghiên cứu đạt được đến mức nào?

- Các yêu cầu của mục tiêu nghiên cứu: cụ thể, đo được, khả thi, hiện thực và có thời hạn.

d) Giới hạn phạm vi nghiên cứu:

- Giới hạn phạm vi nghiên cứu của một đề tài khoa học thể hiện quy mô của đề tài, phụ thuộc vào nguồn lực, quỹ thời gian và khả năng nghiên cứu của tác giả.

- Giới hạn phạm vi nghiên cứu xác định số lượng mẫu khảo sát, giới hạn về thời gian nghiên cứu, giới hạn về mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Trong điều kiện khả năng nghiên cứu chỉ có hạn, giới hạn phạm vi nghiên cứu cũng có thể xác định rõ giới hạn về phương tiện và phương pháp nghiên cứu.

- Một dự án nêu được một cách rõ ràng giới hạn phạm vi nghiên cứu sẽ giúp cho hội đồng khoa học, giám khảo đánh giá đúng mức độ đóng góp của đề tài và năng lực nghiên cứu của tác giả.

e) Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp nghiên cứu khoa học trả lời câu hỏi: Nghiên cứu bằng cách nào?

- Các ngành KH khác nhau có các phương pháp NCKH khác nhau. Xác định phương pháp NCKH trước hết là xác định phương pháp tư duy. Các tác giả nghiên cứu có thể chọn phương pháp tư duy theo kiểu diễn dịch hay quy nạp.

- Tiếp theo phương pháp tư duy là các phương pháp thực hiện nghiên cứu cụ thể:

+ Ngành KH tự nhiên sử dụng phương pháp KH thực nghiệm; Trong NCKH thực nghiệm, phương pháp nghiên cứu trước hết là phương pháp bố trí thí nghiệm, sau đó mới tới phương pháp thực hiện từng thí nghiệm.

+ Ngành KH xã hội sử dụng phương pháp khoa học thu thập thông tin qua quan sát, phỏng vấn, điều tra.

- Tuy vậy, cho dù là lựa chọn phương pháp nghiên cứu nào thì cuối cùng người NCKH đều phải đảm bảo kết quả nghiên cứu là hoàn toàn khách quan và chính xác. Người nghiên cứu cần chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp phù hợp với luận cứ khoa học, với mục tiêu và nội dung khoa học. Với việc so sánh và đối chiếu các nghiên cứu đã thực hiện, người nghiên cứu có thể lựa chọn đi theo phương pháp đã được áp dụng phổ biến hay chọn một phương pháp mới.

g) Nội dung nghiên cứu:

- Nội dung nghiên cứu hay “vấn đề nghiên cứu” là những nội dung khoa học mà người nghiên cứu cần thực hiện để đạt được mục tiêu.

- Khác với mục tiêu nghiên cứu (trả lời câu hỏi nghiên cứu để làm gì?) thì nội dung nghiên cứu trả lời câu hỏi: Nghiên cứu cái gì? (để tránh bị trùng lặp trong báo cáo khoa học).

h) Những điểm mới của dự án/ đề tài (so với các nghiên cứu trước).

5. Phần kết quả và thảo luận.

- Căn cứ theo các nội dung cần giải quyết của Đề tài/ Dự án, tác giả trình bày các kết quả khảo sát, thu thập (các dữ liệu thống kê, biểu đồ, công thức, hình ảnh) phân tích các số liệu, đưa ra những nhận xét đánh giá và ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu, so sánh kết quả với các nghiên cứu khác (của tác giả khác),…

- Tuần tự tất cả nội dung đề ra của Đề tài/ Dự án, cuối mỗi phần cần có đưa ra nhận xét làm cơ sở cuối phần kết quả thảo luận đưa ra đánh giá chung.

- Tránh dẫn dắt dài dòng, suy diễn thiếu căn cứ, và không được đơn thuần liệt kê các số liệu.

- Cần khẳng định độ tin cậy của các số liệu thu thập được thông qua các chỉ số thống kê (nếu có).

6. Kết luận khoa học:

- Kết luận khoa học mang tính khái quát được rút ra từ những, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu là những luận cứ (số liệu đơn lẻ), trong khi kết luận khoa học là những nhận định khái quát thu được từ toàn bộ công việc nghiên cứu.

- Kết luận chỉ có được khi nghiên cứu đã hoàn thành. Điều quan trọng khi đưa ra kết luận khoa học phải xem xét tên và mục tiêu của đề tài sao cho: “Tên dự án/ đề tài” – “Mục tiêu nghiên cứu” và “Kết luận khoa học” phải tương ứng với nhau một cách logic.

Lưu ý: Viết ngắn gọn, khẳng định và trả lời đúng mục tiêu đề ra của Đề tài/ Dự án; Chỉ kết luận những nội dung được đề tài đặt ra nghiên cứu; Không cần phải mào đầu và không cần phải có lời bàn, bình luận.

7. Khuyến nghị (nếu cần):

- Gồm những ý kiến đề xuất quan trọng nhất được rút ra từ kết quả nghiên cứu. Các đề nghị cần được nêu trên cơ sở những nội dung và kết quả đã nghiên cứu để tiếp tục thực hiện hoàn thiện hơn những kết luận của Đề tài/ Dự án.

8. Tài liệu tham khảo/ trích dẫn khoa học:

            Bất cứ một dữ liệu nào không phải của tác giả được sử dụng trong nghiên cứu và trong báo cáo đều phải được trích dẫn tên tác giả và nguồn tài liệu.

            Tài liệu tham khảo được trình bày theo các nguyên tắc: tài liệu tiếng Việt ghi riêng; tài liệu tiếng nước ngoài ghi riêng; thứ tự tài liệu được sắp xếp theo thứ tự vần chữ cái tên tác giả; khi ghi tài liệu tham khảo thường theo mẫu thống nhất (ví dụ: Tên tác giả, năm, tên bài báo, tên tạp chí, nhà xuất bản, số trang).

9. Phụ lục (nếu có).

Phần này bao gồm những nội dung cần thiết nhằm minh hoạ hoặc bổ trợ cho nội dung Đề tài/ Dự án như số liệu, biểu mẫu tranh ảnh, các phương pháp tính toán, các quy trình kỹ thuật, công nghệ, ...

 

-----------------------------

 

Ghi chú:

- Bản thuyết minh của các sản phẩm không được ghi các thông tin liên quan đến trường, lớp, tên học sinh, giáo viên hướng dẫn.....

- Mẫu bìa, xem trang sau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
  Text Box: KHÔNG ĐƯỢC GHI THÔNG TIN TRƯỜNG, LỚP, HỌC SINH, 
GIÁO VIÊN ....




BÁO CÁO  
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC



ĐỀ TÀI

<TÊN ĐỀ TÀI>
Lĩnh vực: <Mã lĩnh vực> (số thứ tự lĩnh vực theo phụ lục I thông tư 38) - <Tên lĩnh vực>

 

 

 

c2hoangthanh
Tin liên quan