Tin tức : Tin nhà trường

CHUYÊN ĐỀ VĂN 7 RÈN KĨ NĂNG VIẾT BÀI VĂN BIỂU CẢM VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

30/11/2017

CHUYÊN ĐỀ VĂN 7

RÈN KĨ NĂNG VIẾT BÀI VĂN BIỂU CẢM VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC

Đối tượng áp dụng: Học sinh đại trà

Người thực hiện: Phạm Thị Huyền Trâm

I. Lí do chọn chuyên đề

          Chương trình Ngữ văn lớp 7 có hai kiểu bài biểu cảm chủ yếu: biểu cảm về sự vật con người và biểu cảm về một tác phẩm văn học. Nếu như đối tượng của bài văn biểu cảm về sự vật con người là con người, một đồ vật, một loài vật, một loài cây, một phong cảnh thì đối tượng của bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học lại là một bài thơ, một bài ca dao, một câu chuyện... Đây là kiểu bài văn phổ biến, quan trọng  nhất đối với học sinh lớp 7 hiện nay. Trong chuyên đề này, tôi chỉ đề cập đến rèn kĩ năng viết bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học.

II. Thực trạng

Hiện nay chương trình Ngữ văn 7 có số tiết dạy cách làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học chỉ có một tiết (tiết 49). Từ thực tế đó, việc rèn luyện kĩ năng làm văn biểu cảm về một tác phẩm văn học trong chương trình lớp 7 chưa được quan tâm đúng mức. Đây là một tiết học mang tính khái quát, trừu tượng mà thời gian dành cho nó rất ít, học sinh chưa định hình được các bước làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học theo yêu cầu mà thực tế, kiến thức thi cuối kì, cuối năm lại đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng tạo lập một bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học khi kĩ năng làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học của học sinh còn yếu. Dù các em đã được làm quen với kiểu bài văn biểu cảm nói chung khoảng 6 tiết song các tiết học để rèn kĩ năng quá ít, chưa đủ để học sinh hiểu sâu và thuần thục kĩ năng làm bài. Hầu hết các em đều cho rằng văn biểu cảm nói chung và văn biểu cảm về một tác phẩm văn học nói riêng là rất khó. Trong khi đó cảm xúc của các em còn khô khan, nếu có thì cũng chưa biết cách thể hiện. Vì khó nên dẫn đến tâm lí ngại làm bài. Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của xã hội hiện đại, các công ti mọc lên ngày càng nhiều, bố mẹ các em hầu hết đi làm xa, thời gian dành cho việc kiểm tra học tập của con cái càng eo hẹp. Thời gian học trên lớp quá ít ỏi so với kiến thức quá rộng, nếu không có ý thức tự học ở nhà thì học sinh khó có thể tự rèn cho mình kĩ năng làm bài tốt.

III. Những kiến thức cơ bản để làm bài văn biểu cảm

1. Khái niệm chung về văn bản

          Yêu cầu của chương trình Ngữ văn lớp 7 là học sinh phải tập tạo lập một văn bản hoàn chỉnh qua các bài viết hai tiết trong đó có dạng bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học. Vậy, trước hết, thầy phải cung cấp cho học sinh được khái niệm văn bản là gì?

          Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, nó là một thể thống nhất có tính chất trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức. Về hình thức: văn bản phải có bố cục ba phần rõ ràng: Mở bài, thân bài, kết bài. Trong văn bản, các đoạn phải được trình bày theo đúng hình thức của nó và có sự liên kết chặt chẽ bằng các từ, tổ hợp từ thuộc các phép liên kết. Về nội dung: văn bản phải trình bày trọn vẹn được một đối tượng nào đó do yêu cầu của đề bài (của đối tượng biểu cảm

2. Đặc điểm của bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

        Văn biểu cảm về một tác phẩm văn học là trình bày những cảm xúc, ý nghĩ của mình về cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học cụ thể. Tác phẩm văn học mà người viết trình bày cảm xúc, ý nghĩ có thể là một bài văn, bài thơ.

3. Những nhiệm vụ cụ thể khi làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

          Trong chương trình Ngữ văn 7, các em được làm quen với kiểu bài phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học. Cảm nghĩ về tác phẩm văn học thường gắn với các thao tác nghị luận như phân tích, giải thích, chứng minh còn khá mới mẻ đối với các em. Tuy nhiên, các em đã bước đầu được làm quen với kiểu bài này qua những bài đọc hiểu văn bản ở trên lớp. Do đó, khó khăn của các em khi làm kiểu bài này không phải là ở nội dung kiến thức mà ở kĩ năng thực hành viết văn. Vậy làm thế nào để có thể làm tốt kiểu bài biểu cảm về một tác phẩm văn học – một trong những kiểu bài quan trọng đánh giá năng lực đích thực của một học sinh giỏi văn?

          Trước khi đi vào tìm hiểu các kĩ năng cần thiết cho kiểu bài này, các em cần hiểu bản chất, mục đích của biểu cảm về tác phẩm văn học. Cảm nghĩ về tác phẩm văn học là trình bày những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, đánh giá của mình về tác phẩm văn học – một bài thơ, một câu chuyện…Những cảm nghĩ ấy có thể là: Cảm xúc về cảnh, về người trong tác phẩm; cảm xúc về tâm hồn, số phận nhân vât trong tác phẩm văn học; cảm xúc về vẻ đẹp ngôn từ trong tác phẩm văn học; cảm xúc về tư tưởng của tác phẩm. Điều cốt yếu đối với việc phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học là học sinh phải có ấn tượng tổng thể về tác phẩm, về nhân vật chính hoặc về phong cảnh, tình huống để nói lên ấn tượng ấy, cảm xúc và suy nghĩ trên cơ sở ấn tượng ấy. Đối với lứa tuổi học sinh lớp 7, các em chưa cần biểu cảm về tác phẩm văn học như một nhà phê bình, nghiên cứu văn học, tức là phải biết bóc tách những lớp lang của tác phẩm, biết phân tích lí giải từ hình thức đến nội dung sâu sắc của tác phẩm. Điều các em cần có là những cảm nhận riêng, hồn nhiên, tinh tế về cảnh, con người, sự việc trong tác phẩm văn học; cái hay về ngôn từ cũng như thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm văn học. Tất cả đều hướng các em tới việc sống nhân văn hơn, sâu sắc hơn đồng thời biết cách diễn đạt được sự cảm nhận của mình. Khi lớn lên, các em có thể không cần là nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, là người hoạt động trong lĩnh vực văn học…nhưng các em có thể đọc sách và hiểu về cái hay của sách, có thể nêu lên những cảm nghĩ về một bộ phim, một bức tranh…một cách đúng hướng.

4. Một số đề bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

Đề 1: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.

Đề 2: Một bài ca dao đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc.

Đề 3: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

                   Trên đường hành quân xa

                   Dừng chân bên xóm nhỏ

                   Tiếng gà ai nhảy ổ

                   Cục...cục tác, cục ta

                   Nghe xao động nắng trưa

                   Nghe bàn chân đỡ mỏi

                   Nghe gọi về tuổi thơ

                             (Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh)

Đề 4: Cảm nghĩ của em về hình ảnh người bà trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh.

5. Các bước làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

a) Trước hết, yêu cầu quan trọng là các em phải hiểu kĩ về tác phẩm ấy

          Với những tác phẩm đã được học trên lớp, vấn đề sẽ dễ dàng hơn. Các em cần nhớ nội dung, bố cục, nhân vật, sự kiện (đối với văn xuôi), thuộc được một số đoạn văn hay; thuộc thơ. Đây là yêu cầu gần như bắt buộc. Không thể cảm thụ về tác phẩm văn học nếu không biết tác phẩm ấy có những nhân vật nào, kể chuyện gì; có những ý thơ, hình ảnh ra sao…sau khi nhớ được tác phẩm, các em cần nắm chắc, ghi lại những nội dung cơ bản và nghệ thuật của tác phẩm để có được ấn tượng tổng thể về tác phẩm. Nhưng không cần biểu cảm về tất cả tác phẩm mà cần tìm những chi tiết, từ ngữ, hình ảnh…hay, làm mình xúc động, suy nghĩ, ám ảnh. Trong thơ, ta phải chú ý đến những nhãn tự, còn trong văn, đó là những chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn, một giọt nước mà cho ta thấy cả đại dương. Chẳng hạn như cảm nhận bài thơ Cảnh khuya của nhà thơ Hồ Chí Minh không thể không chú ý đến âm thanh tiếng suối, hình ảnh ánh trăng chiếu qua các tầng cây và hai chữ “chưa ngủ”. Trong khi đó ở bài thơ Rằm tháng giêng, những chữ thể hiện ở cuối bài thơ. Qua những điểm sáng thẩm mĩ đó, chúng ta sẽ hiểu được nội dung cũng như đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

          Việc tìm hiểu kĩ về tác phẩm sẽ tạo cơ sở rất thuận lợi cho các em tiến hành bước thứ hai trong việc tạo lập văn bản biểu cảm về tác phẩm văn học. Đó chính là quá trình tìm ý và lập dàn ý.

b) Để tìm ý cho bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học, chúng ta nên đặt ra và trả lời các câu hỏi

          Các câu hỏi đó có thể là:

- Tác phẩm có nội dung gì? Nội dung ấy có gì hấp dẫn hoặc để lại cho em ấn tượng gì sâu sắc?

- Tác phẩm có những đặc sắc nghệ thuật gì? Thể loại, ngôn ngữ, bố cục tác phẩm có gì đặc biệt? Những chi tiết nghệ thuật nào để lại cho em những ấn tượng sâu sắc?

- Những chi tiết, hình ảnh…nào để lại cho em những rung cảm sâu sắc nhất? Những chi tiết, hình ảnh ấy khiến em liên tưởng đến một chi tiết, hình ảnh…trong một tác phẩm nào khác em đã đọc hoặc đã học không?

- Tác phẩm giúp người đọc hiểu thêm điều gì về tác giả (tâm hồn, tư tưởng, nhân cách…)?

- Tác phẩm giúp em có suy nghĩ, cảm xúc gì và rút ra được bài học nào cho chính mình trong cuộc sống?

Ví dụ: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh” của Lí Bạch, chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi như trên và có được những câu trả lời như sau:

- Nội dung: Bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu lắng của nhà thơ Lí Bạch trong khoảnh khắc ngắm trăng nơi đất khách.

- Nghệ thuật:

+ Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt ngắn gọn nhưng hàm súc về một chủ đề quên thuộc “Vọng nguyệt hoài hương”.

+ Bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc: bài thơ có sự giao hòa giữa tình và cảm

+ Ngôn ngữ tự nhiên, giản dị nhưng lại rất tinh luyện

- Điểm sáng nghệ thuật:

+ Hình ảnh ánh trăng sáng vằng vặc đồng vọng với nỗi lòng nhớ quê của tác giả.

+ Năm động từ được tác giả sử dụng tinh tế: nghi, cử, vọng, đê, tư cho thấy được sợi dây cảm xúc của nhà thơ: nhớ quê – thao thức không ngủ được, nhìn trăng, nhìn trăng sáng lại càng nhớ quê.

- Bài thơ giúp ta hiểu gì về nhà thơ?

+ Qua bài thơ, ta hiểu được nỗi nhớ quê hương sâu nặng của nhà thơ trong cảnh sống xa quê. Phải là người yêu quê hương sâu sắc nhà thơ mới có được những tình cảm sâu nặng đến như vậy.

+ Bài thơ còn cho thấy cảnh ngộ cô đơn, những trăn trở nghĩ suy của nhà thơ khi phải sống tha phương trong cơn loạn li.

+ Lí Bạch là nhà thơ tài năng với những câu thơ ít lời, nhiều ý, đọng lại biết bao tinh hoa.

- Qua tác phẩm, em rút ra được những bài học gì?

Bài thơ giúp ta biết trân trọng và thêm yêu quê hương mình hơn.

c) Lập dàn ý

          Bố cục chung của một bài biểu cảm về tác phẩm văn học thường là:

- Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, tác giả và nêu ấn tượng, cảm nghĩ chung của mình về tác phẩm.

- Thân bài: Lần lượt nêu cảm nghĩ của mình về từng khía cạnh của tác phẩm, trọng tâm là cảm nghĩ về những chi tiết, hình ảnh đặc sắc của tác phẩm, ý nghĩa của tác phẩm.

+ Cảm xúc 1: Tên cảm xúc ->Trích khổ thơ hoặc đoạn thơ tương ứng với cảm xúc-> Lựa chọn chi tiết, hình ảnh, ngôn từ nghệ thuật đặc sắc để giảng giải, phân tích, liên tưởng, bày tỏ cảm xúc->Khái quát cảm xúc 1.

+ Cảm xúc 2: Tên cảm xúc ->Trích khổ thơ hoặc đoạn thơ tương ứng với cảm xúc-> Lựa chọn chi tiết, hình ảnh, ngôn từ nghệ thuật đặc sắc để giảng giải, phân tích, liên tưởng, bày tỏ cảm xúc->Khái quát cảm xúc 2.

+ Cảm xúc 3....

- Kết bài: Khẳng định lại giá trị của tác phẩm và cảm xúc của em về tác phẩm.

* Ví dụ

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, chúng ta có thể xây dựng dàn ý như sau:

- Mở bài: “Qua đèo Ngang” là bài thơ hay, bộc lộ những tâm sự riêng của Bà Huyện Thanh Quan trong khoảnh khắc đặt chân lên đèo Ngang trong một buổi chiều tà. Đây là một trong những bài thơ trung đại mà em yêu thích.

- Thân bài:

+ Cảm xúc 1: Cảm nhận về bức tranh cảnh đèo Ngang trong buổi chiều tà được tác giả ghi lại trong bốn câu thơ đầu:

* Cảnh thoáng đãng mà heo hút: Cỏ cây chen lá, đá chen hoa

* Thấp thoáng sự sống của con người nhưng vẫn hoang sơ: Lom khom dưới núi tiều vài chú – Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

* Cảm nhận như có nỗi buồn xâm chiếm lòng người khi đọc bốn câu thơ đầu

+ Cảm xúc 2:  Đồng cảm, thấu hiểu tâm trạng của nữ sĩ khi đọc bốn câu thơ cuối.

* Âm thanh tiếng chim hay chính là tiếng lòng, tâm sự nhớ nước thương nhà của tác giả?

* Tâm trạng cô đơn, không người sẻ chi của nhà thơ giữa núi đèo hoang sơ, rộng lớn, cô liêu: Một mảnh tình riêng ta với ta.

+ Cảm xúc 3:  Thích phong cách thơ trang nhã, cổ điển, mang màu sắc hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: Giọng thơ trầm buồn, nghệ thuật đối cổ điển, tả cảnh ngụ tình.

- Kết bài: Khẳng định sức hấp dẫn của bài thơ “Qua đèo Ngang” đối với các thế hệ độc giả.

Điều cần chú ý là các ý trong dàn bài của bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học không chỉ nêu lên nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm mà quan trọng là phải nêu được những tình cảm, cảm xúc của người làm văn trước những nội dung hay nghệ thuật đó

 d) Viết bài

- Khi thực hiện bước này, nhất thiết người viết phải bám sát vào dàn bài đã lập để triển khai hệ thống cảm xúc.

- Về hình thức bài văn: bố cục của bài viết, các đoạn trong bài phải được trình bày theo trình tự lô gíc, có sự liên kết chặt chẽ cả nội dung lẫn hình thức, các câu trong đoạn phải thống nhất với nội dung của đoạn. Các đoạn trong bài được trình bày theo các cách lập luận (diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, song hành…)

- Về nội dung của bài văn: tùy từng yêu cầu của đề bài và phần dàn ý đã lập mà chúng ta triển khai các cảm xúc rõ ràng. Tránh tình trạng diễn nôm bài thơ.

e) Đọc và sửa lỗi

       Đây là bước cuối cùng khi hoàn thiện bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học. Người viết phải có thói quen rà soát lại bài làm của mình để sửa lỗi về nội dung lẫn hình thức. Về nội dung, soát lại hệ thống cảm xúc. Về hình thức, soát lại bố cục, các đoạn văn, các câu văn diễn đạt, lỗi chính tả thường mắc phải.

IV. Thực hành rèn kĩ năng làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học

  Đề 1: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.

1. Mở bài:

- Tình bạn là một trong số đề tài có truyền thống lâu đời trong lịch sử văn học Việt Nam.

- Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là một bài thơ thuộc loại hay nhất trong đề tài tình bạn và cũng thuộc loại hay nhất trong thơ Nguyễn Khuyến nói riêng, thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói chung.

- Bài thơ giúp em cảm nhận được tình bạn giản dị, chân thành, cao đẹp của nhà thơ đã vượt lên mọi lễ nghi vật chất thông thường.

2. Thân bài:

a. Cảm xúc 1: Mở đầu bài thơ, em thực sự xúc động trước tiếng reo vui, hồ hởi của nhà thơ khi được người bạn quí đến thăm nhà:

                   Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Lời thơ mở đầu thật tự nhiên, như lời nói thường mà vẫn toát ra tình cảm mừng vui chân thành của Nguyễn Khuyến khi được bạn quí tới thăm nhà. Cụm từ “bấy lâu nay” chứng tỏ người bạn của nhà thơ từ lâu rồi chưa đến thăm nhà thơ. Và cũng chứng tỏ việc hôm nay“bác tới nhà” thật là quý báu, rất đáng mừng, đáng vui, đáng…mở tiệu đãi bạn để thỏa lòng mong nhớ, thỏa tình nghĩa cố nhân. Và cách xưng hô của nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng rất đáng để chúng ta học tập. Nhà thơ xưng với bạn mình là “bác” vừa thể hiện sự gần gũi, thân thiết, chân thành, lại vừa bày tỏ thái độ kính trọng. Em như thấy được trước mắt mình là hình ảnh cụ tam Nguyên Yên Đỗ đang dang rộng vòng tay và nở một nụ cười thật tươi, thật trìu mến để ôm bạn vào lòng. Giây phút đón bạn ấy của nhà thơ thật là cảm động.

b. Cảm xúc 2: Nhưng em cũng thật sự bất ngờ trước hoàn cảnh tiếp đón bạn của nhà thơ Nguyễn Khuyến

                   « Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

                   Ao sâu nước cả khôn chài cá,

                   Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.

                   Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

                   Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

                   Đầu trò tiếp khách, trầu không có, »

Sáu câu tiếp theo, giọng điệu bài thơ có sự thay đổi, từ giọng vui sang giọng kể và miêu tả. Nhà thơ kể về gia cảnh của mình: Vợ con đi vắng, chợ ở xa, ao sâu không đánh được cá, vườn rộng không bắt được gà, rau cải quá non, cây cà mới nhú nụ, giàn bầu, giàn mướp cũng chỉ nụ với hoa…Tất cả đều thiếu vắng, trống trơn không có thứ gì gọi là…để đãi bạn. Thậm chí miếng trầu để vào chuyện theo tập quán quê hương “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng không có nốt. Lời thơ cứ nhỏ nhẹ, chân chất, thật thà mà hóm hỉnh, vừa như để thanh minh với bạn, vừa để giới thiệu cảnh sống thanh bần của gia đình mình. Nếu chú ý giọng điệu thơ và cách dùng từ ngữ của Nguyễn Khuyến, ta sẽ thấy, đằng sau cái nghèo thiếu, hiện hữu như vẫn ẩn chứa, hứa hẹn một cuộc sống giàu có, phong lưu. Ngắm lại cửa nhà của cụ Tam Nguyên ấy, ta thấy cụ đâu có cô độc, nhà đâu có quá heo hút. Cụ vẫn có vợ con, trẻ già, gia đình vẫn có thể đi chợ mua bán. Nhà vẫn có ao sâu   nuôi cá, lại có vườn rộng nuôi gà, nhà gieo được cải, trồng được cà, có giàn bầu, giàn mướp…Tất cả đang sẵn sàng, thịt cá không thiếu, rau quả đang non tơ mơn mởn. Có điều – bác ơi, đúng dịp bác đến thì… gia cảnh nhà tôi chẳng có gì gọi là xứng đáng để đãi bác! Đằng sau những câu thơ kể thực, tả thực kia như thầm thì những tiếng thanh minh, hóm hỉnh vui đùa của Nguyễn khuyến. Nói khác đi, nhà thơ đã nói rất khéo léo, rất sang trọng về sự nghèo thiếu của mình. Trong nghèo thiếu, con người không bi quan, than thở, trái lại vẫn bình thản để giãi bày, tìm sự cảm thông, chia sẻ.

c. Cảm xúc 3 : Và đến cuối bài thơ, em thực sự xúc động và cảm phục trước tình bạn giản dị, chân thành mà cao đẹp của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ.

                             « Bác đến chơi đây, ta với ta! »

Câu kết của bài thơ, âm điệu và ngôn từ bỗng thay đổi, thân mật và ngọt ngào. Bao nhiêu nghèo thiếu, bao nhiêu lúng túng, ngượng ngùng bỗng tan đi hết, để cho tình bạn, tình người thăng hoa. Mọi của cải vật chất đều không còn ý nghĩa gì nữa. “Bác đến chơi đây, ta với ta” là đủ, là điều mà tôi cần nhất, tôi khát khao, trông chờ nhất. Cum từ ta với ta trong bài thơ này của Nguyễn Khuyến gợi nhớ đến cum từ ta với ta trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Về ngôn ngữ, hai cum từ đó hoàn toàn giống nhau. Nhưng về ý nghĩa thì chúng rất khác nhau. Đại từ ta trong thơ Thanh Quan dùng để nói chính nhà thơ, nói về một “cái tôi” riêng lẻ thầm kín buồn lặng, cô đơn. Hai chữ ta nhưng chỉ là một nghĩa. Còn ta trong thơ Nguyễn Khuyến thì tuy một âm ta nhưng lại nói về hai người, nhà thơ và bạn. Nói về hai người bằng một âm của một đại từ nhân xưng như thế, cụ Yên Đổ đã ca ngợi một tình bạn gắn bó, thân mật tưởng không thể tách rời, chia đôi. Thêm nữa, cụm từ ta với ta gắn với mấy tiếng trước Bác đến chơi đây và đặt sau những dòng thơ kể sự thiếu thốn vật chất bỗng như một tiếng cười xòa bật lên, thật là vui vẻ. Rõ ràng, tình bạn, tình người là quý nhất, cao hơn của cải, vật chất. Kết cấu thơ và cách dùng từ, chơi chữ của nhà thơ đất Hà Nam thật tài hoa.

d. Cảm xúc 4:  Cũng giống như Bà Huyện Thanh Quan viết Qua Đèo Ngang, Nguyễn Khuyến sáng tác bài thơ Bạn đến chơi nhà theo thể thất ngôn bát cú Đường luật với sự phối hợp thanh điệu, vần điệu, bố cục, đối xứng, số tiếng, số câu rất hài hòa. Đây cũng là bài thơ Nôm, viết bằng chữ Nôm, dùng từ ngữ thuần Việt giản dị, dân dã mà rất đỗi trong sáng, thanh cao. Trong và thanh hơn cả là một tấm lòng chân thành đối với bạn. Nhà thơ như muốn nói với bạn và với tất cả chúng ta rằng: Tình bạn, tình người cao hơn của cải.

3. Kết bài:

          Tóm lại, bài thơ được tạo ý bằng cách dựng lên một hoàn cảnh không có gì khi bạn đến chơi, để rồi hạ một câu kết: “Bác đến chơi đây ta với ta”, nghe như một tiếng cười xòa, mà từ đó ấm lên một tình bạn đậm đà, hồn nhiên, dân dã, bất chấp mọi điều kiện. Từ tình bạn, bời thơ còn ẩn chứa một triết lí sâu xa: Tình người cao hơn của cải. Lời thơ thuần Việt, giản dị, trong sáng và thật là nhuần nhị, dễ hiểu và dễ thuộc.

Đề 2: Một bài ca dao đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc.

1. Mở bài:

          Ca dao dân ca Việt Nam vô cùng phong phú và sâu sắc, đằm thắm và mượt mà biết bao! Nó là tiếng hát tâm tình bơi bờ xôi ruộng mật, lưu truyền trong dân gian, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta từ bao đời nay. Có những khúc hát ru chứa chan tình yêu thương, ngọt ngào, tha thiết. Có bài ca nói về đất nước quê hương, với nương dâu, ruộng lúa, với hình ảnh người dân quê hiền dậu, cần cù hay làm đáng yêu. Cánh cò “bay lả bay la”, đầm sen “lá xanh bồng trắng lại chen nhị vàng”. Có tiếng “nghé ọ” và con trâu hiền lành gặm cỏ trên đồng xanh, có cô thôn nữ tát nước “múc ánh trăng vàng đổ đi”… Tất cả như đem đến cho lòng người gần xa bao niềm thương nỗi nhớ. Nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm hồn em là câu hát nói về cánh đồng lúa quê hương và hình ảnh cô thôn nữ đứng giữa đồng quê một sớm mai hồng rạng rỡ qua bài ca dao:

          “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát.

          Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông

                   Thân em như  chẽn lúa đòng đòng,

          Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”.

2. Thân bài

a. Cảm xúc 1: Điểm hấp dẫn của bài ca dao này trước hết là ở cách vận dụng thể thơ lục bát biến thể. Ca dao thường được diễn đạt bằng thể thơ lục bát. Nhưng ở bài này, tác giả dân gian đã sử dụng thơ lục bát biến thể mở rộng câu thơ thành 12, 13 từ rất độc đáo. Câu thơ trải dài như chính không gian bát ngát, mênh mông được gợi ra trong bài ca dao.

b. Cảm xúc 2 : Em vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn cánh đồng thân thuộc, thẳng cánh cò bay của cánh đồng quê hương miền Trung.

                   “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát.

                   Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông”

“Ngó” gần nghĩa với nhìn, trông, ngắm… Từ “ngó” trong văn cảnh này gợi tả một tư thế say sưa ngắm nhìn, một cách quan sát kĩ càng, một lối nói dân dã mộc mạc, bình dị mà đậm đà. Cô thôn nữ “đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng” rồi lại “đứng bên tê đồng ngó bên ni đông” dù quan sát ở vị trí nào, góc độ nào, cô cũng cảm thấy sung sướng tự hào trước sự “mênh mông bát ngát…bát ngát mênh mông” của ánh sáng đồng quê hương. Hai chữ “bên ni” và “bên tê” vốn là ngôn ngữ miền trung (tiếng địa phương Nghệ Tĩnh) dùng để trỏ vị trí bên này, bên kia được đưa vào bài ca dào gợi lên tính chất mộc mạc, chất phác của một tình quê hôn hậu. Nghệ thuật đảo từ ngữ “Mênh mông bát ngát” rồi lại “bát ngát mênh mông” thể hiện một bút pháo điều luyện trong việc miêu tả cánh đồng làng quê rộng bao la bát ngát một màu xanh, xa trồng hút tầm mắt chẳng thấy đâu là bến bờ. Có yêu quê hương tha thiết, mới có cái nhìn đẹp, cách nói say mê đậm đà thế!

          Hai câu đầu bài ca dao được cấu trúc đăng đối song hành, làm hiện lên trước mắt chúng ta một cảnh đẹp: cánh đồng bao la, trù phú của quê nhà, rất thân thuộc với mỗi con người Việt Nam chúng ta như nhà thơ Hoàng Cầm đã viết:

                             “Xanh xanh bãi mía bờ dâu

                             Ngô hoai biêng biếc

                             (…) quê hương ta lúa nếp thơm nồng”…

                                                (Bên kia sông Đuống)

Bằng tấm lòng yêu mến tự hào nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mảnh đất thương yêu thân thiết mà từ bao đời nay tổ tiên ông bà con cháu, từ thế hệ này qua thế hệ hác đã đem mô hôi, xương máu để bồi đắp và gìn giữ, nên nhà thơ dân gian mới có thể viết được những lời ca mộc mạc mà đắm thắm nghĩ tình, làm xao xuyến lòng ta như vậy.

c. Cảm xúc 3: Không chỉ cánh đồng quê hương miền Trung làm em xao xuyến mà hình ảnh cô thôn nữ xuất hiện giữa cánh đồng ấy cũng đem đến cho em một cảm xúc tự hào khó tả.

                             Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

                             Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

 Hai cầu thơ cuối là hình ảnh cô thôn nữ ra thăm đồng. Niềm vui sướng trào dâng. Cô không ví mình với “hạt mưa sa” với “tấm lụa đào” như có người con gái đã nói về thân phận mình. Trái lại, cô đã lấy “chẽn lúa đòng đòng” để so sánh với cuộc đời đẹp tươi, nhiều mơ ước của mình. “Chẽn lúa” còn gọi là dảnh lúa, một bộ phận của khóm lúa. Hình ảnh “Chẽn lúa đòng đòng” thể hiện sự phát triển trưởng thành sinh sôi nảy nở, hứa hẹn một mùa vàng bội thu sây hạt trĩu bông. Có lúa thì con gái rồi mới “chẽn lúa đòng đòng”. Câu ca dao “Thân em  như chẽn lúa đòng đòng” gợi tả một vẻ đẹp xinh tươi duyên dáng, một sức lực căng tràn. Đây là mộ hình ảnh khoẻ khoắn, trẻ trung và hồn nhiên yêu đời của cô thôn nữ được nói đến trong tiếng hét lời ca sau bờ dâu ruộng lúa.

          Trên cái nền xanh của cánh đồng, trong hương thơm ngào ngạt của lúa đòng đòng, dưới ánh hồng bình mình rực rỡ, trong làn gió mát rượi, ta thấy hiện lên bức chân dung cô thôn nữ thật đáng yêu vô cùng. Và chẽn lúa ấy lại đang “Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. “Phất phơ” nghĩa là nhẹ nhàng đung đưa, uốn lượn… Chẽn lúa đòng đòng “phất phơ” bay nhẹ làn gió trên đồng nội vào một buổi sơm mai hồng thơ mộng. Thiếu nữ hân hoàn sung sướng thấy hồn mình phơi phới hướng về một ngày mai hạnh phúc như “chẽn lúa đòng đòng” đang “phất phơ”dưới ánh bình minh. Tại sao nhà thơ đồng quê lại dùng hình ảnh “ngọn nắng”? Có thể dùng hình ảnh làn nắng, tia nắng thì ý câu ca dao vẫn đúng. Nhưng “ngọn nắng” hay hơn, sát nghĩa hơn. Vì đó là tia nắng, làm nắng đầu tiên của một ngày đẹp trời, ánh hồng ban mai đang tụ hội và rập rờn ngọn lúa xanh.

3. Kết bài:

          Bài ca dao “đứng bên ni đồng…” là một bài ca dao trữ tình đặc sắc đã ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước qua hình ảnh cánh đồng lúa bát ngáy mênh mông và vẻ đẹp duyên dáng, tươi trẻ, cần mẫn và yêu đời của nàng thiếu nữ làng quê Việt Nam. Bài ca dao được sáng tạo nên bằng bút pháp nghệ thuật độc đáo. Cách dùng từ chính xác, gợi cảm. Biện pháp tu từ so sánh, phép song hành đối xứng cách đảo từ ngữ và sử dụng tiếng địa phương đã làm cho ý tưởng, lời ca đậm đà, ý vị. Có thể coi đó là một “viên ngọc quý” trong kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam. Học bài ca dao này ta thấy tâm hồn mình thêm gắn bó, yêu thương, quê hương đất nước, biết quý trọng và biết ơn những người nông dân vất vả dãi nắng dầm mưa để làm nên những bát cơm đầy dẻo thơm.

V. Kết luận

          Kĩ năng làm văn biểu cảm nói chung và kĩ năng làm văn biểu cảm về một tác phẩm văn học nói riêng, nếu giáo viên và học sinh làm tốt có thể gọi đó là hạnh phúc của cả hai. Bởi vậy ngay từ khi lên lớp 7, giáo viên cần chú ý rèn  cho các em học sinh phương pháp và kĩ năng làm văn dạng này. Với cách dạy đơn giản và dễ hiểu về kỹ năng làm  nói trên, chắc chắn giáo viên sẽ giúp các em học sinh viết những bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học đúng và tiến tới viết hay.

c2danhthang

Xem thêm...

Thư viện ảnh


  • 2016-11-28

  • 2016-11-28

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online:

Hôm nay:

Tổng lượng truy cập: