Ngày: 12/04/2018
88 năm kể từ ngày thành lập đến nay (3/21930 – 3/2/2018), Đảng ta đã trải qua 11 lần đại hội đại biểu toàn quốc với 11 đồng chí Tổng Bí thư. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Trần Phú
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-05-1904. Quê ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Huế, được bổ về dạy trường Cao Xuân Dục ở Vinh. Thời gian này Trần Phú cùng với các giáo viên tiến bộ mở lớp dạy quốc ngữ ban đêm cho thanh niên và công nhân nghèo.
Năm 1925, đồng chí tham gia thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Tháng 07 năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu để gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, để bàn việc hợp nhất Hội thanh niên với Tân Việt. Tại đây, đồng chí Trần Phú được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được huấn luyện về chủ nghĩa Mác – Lênin và về kinh nghiệm cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga.
Đồng chí Trần Phú
Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang học tại trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Tháng 04-1930, đồng chí Trần Phú về nước được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được giao trách nhiệm khởi thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Bản luận cương này được Hội nghị trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 10-1930 thông qua. Cũng tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương.
Sau Hội nghị đồng chí trở về nước tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Tháng 03-1931, chủ trì Hội nghị trung ương lần thứ hai nhằm đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc trong Đảng và chủ trương tập hợp lực lượng các đoàn thể quần chúng: công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên để đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Ngày 19-04-1931, do lời khai của một tên phản bội, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn. Biết đây là Tổng Bí thư của Đảng, bọn địch đã dùng đủ mọi cực hình để tra tấn nhưng chúng đã không thể nào khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi kiên cường này.
Tháng 08-1931, đồng chí lâm bệnh nặng. Ngày 06-09-1931, đồng chí Trần Phú qua đời. Trước khi mất, đồng chí Trần Phú dặn lại các đồng chí của mình: ” Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói đó của người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng mới 27 tuổi đời đã trở thành một vũ khí mà mỗi người Việt Nam yêu nước mang theo để xông vào quân thù, vượt qua những khó khăn trên con đường cách mạng.
2. Lê Hồng Phong
Đồng chí Lê Hồng Phong sinh năm 1902 (có tài liệu ghi 1900), quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi đỗ bằng sơ học, đồng chí Lê Hồng Phong làm thư ký cho một hiệu buôn của người Hoa kiều tại Vinh. Ít lâu sau, đồng chí Lê Hồng Phong được đồng chí Phạm Hồng Thái, công nhân nhà máy Xi pha, giới thiệu vào học nghề thợ máy. Hai đồng chí đã vận động, giác ngộ công nhân đấu tranh đòi quyền lợi.
Tháng 01-1924, đồng chí Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái sang Thái Lan rồi sang Quảng Châu (Trung Quốc) cùng với đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn thành lập Tâm Tâm xã. Cuối năm1924, đồng chí được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về chủ nghĩa Mác- Lênin và các kinh nghiệm hoạt động quốc tế.. Sau khi tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố, năm 1926 đồng chí được cử sang Liên Xô học trường không quân. Lê Hồng Phong tham gia Hồng quân Liên Xô và được phong quân hàm trung tá. Tiếp đó, đồng chí được vào học trường Đại học Phương Đông. Năm 1932, tốt nghiệp được trở về Trung Quốc, bắt mối liên lạc với trong nước và thành lập Ban hải ngoại của Đảng.
Đồng chí Lê Hồng Phong
Tháng 03-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 07 – 1935, đồng chí đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ VII và được cử làm uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã gặp nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và hai người yêu nhau rồi cưới nhau ở Trung Quốc.
Năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong được cử về Việt Nam hoạt động với danh nghĩa là đại diện của Quốc tế cộng sản bên cạnh Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ mặt trận dân chủ, đồng chí đã viết một số sách giới thiệu Liên Xô và phổ biến đường lối chủ trương của Đảng chống chủ nghĩa phát xít.
Năm 1938, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt ở Sài Gòn và kết án 10 tháng tù. Mùa thu năm 1939, hết hạn tù, bọn đế quốc đưa đồng chí về làng quản thúc. Đồng chí chưa kịp liên lạc với Đảng để thoát ly thì bị bọn thực dân Pháp bắt giam lại ở Khám Lớn Sài Gòn rồi đày ra Côn Đảo. Đồng chí bị bọn cai ngục đánh đập tra khảo rất dã man nhưng vẫn không chịu khai báo, một lòng trung thành với Đảng.
Ngày 06-09-1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí đã gắng nói to lên nhắn với đồng chí nằm ở buồng bên cạnh: ” Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Cuộc đời hoạt động của Lê Hồng Phong là biểu tượng cho lòng trung thành, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản.
3. Hà Huy Tập
Đồng chí Hà Huy Tập sinh năm 1902, quê ở làng Kim Nặc, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Năm 1923, tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Huế, đồng chí Hà Huy Tập được bổ nhiệm về dạy ở thị xã Nha Trang, rồi lại về dạy tại trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Tại đây, đồng chí được giác ngộ cách mạng.
Năm 1926, đồng chí Hà Huy Tập tham gia Hội Phục Việt. Đồng chí hoạt động tích cực trong phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh, tổ chức học quốc ngữ ban đêm cho công nhân các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy. Vì thế, đồng chí Hà Huy Tập bị đổi đi dạy ở Quỳ Châu. Đồng chí chống lại quyết định nên đã bị cách chức.
Đồng chí Hà Huy Tập
Năm 1927, đồng chí Hà Huy Tập vào hoạt động ở Nam Kỳ. Tháng 07-1928, đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc thống nhất Đảng. Sau đó, đồng chí được giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Năm 1932, học xong, đồng chí tìm cách về nước. Qua Pari, Hà Huy Tập bị chính phủ Pháp trục xuất. Đồng chí sang Bỉ rồi trở lại Liên Xô. Đầu năm 1934, Hà Huy Tập về tới Ma Cao (Trung Quốc), đã cùng với Lê Hồng Phong lập ra ban lãnh đạo Đảng ở hải ngoại. Hà Huy Tập là người chủ trì ban lãnh đạo này và chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng vào tháng 03-1935.
Tháng 07-1936, đồng chí Hà Huy Tập cùng với đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ở Thượng Hải (Trung Quốc) để bổ sung nghị quyết của trung ương trước tình hình mới. Tại hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Hồng Phong. Sau đó, đồng chí trở về Sài Gòn cùng cơ quan Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập viết sách báo giải thích chính sách mới của Đảng, vạch mặt bọn Tơrôtxkít phản cách mạng.
Ngày 14-07-1938, do một tên phản bội chỉ điểm, đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt và kết án tù. Hết hạn tù, bọn thực dân trục xuất đồng chí về nguyên quán. Ngày 30-03-1940, đồng chí lại bị bắt, đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngày 25-08-1941, bọn chúng buộc đồng chí vào tội “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa này” và tuyên bố xử tử hình. Trước toà, đồng chí Hà Huy Tập đã trả lời: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”
Ngày 26-08-1941, đồng chí bị xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu. Là một nhà nho yêu nước theo cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện nhân cách cao cả của một người luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, chiến đấu hy sinh vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Đồng chí là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
4. Nguyễn Văn Cừ
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh 09-07-1912 ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh trường Bưởi. Tháng 06-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Sau ngày Đảng cộng sản Việt Nam thành lập, Nguyễn Văn Cừ được phân công làm Bí thư đặc khu Hòn Gia – Uông Bí. Năm 1932, đồng chí bị địch bắt và đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ cùng với thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp đã buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả lại tự do cho Nguyễn Văn Cừ. Ra tù, về Hà Nội, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng. Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban thường vụ trung ương trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 09-1937.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ
Tháng 03-1938, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập. Sau đó, đồng chí vào hoạt động tại Sài Gòn. Phong trào cách mạng lên cao, địch theo dõi đồng chí rất sát, rồi chúng trục xuất đồng chí ra khỏi Nam Bộ. Trở ra Hà Nội, đồng chí chú trọng việc thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, trực tiếp chỉ đạo báo chí công khai của Đảng.
Mùa thu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào Nam Kỳ cùng với thường vụ trung ương đấu tranh chống bọn Tơrôtxkít giả danh mác xít phá hoại cách mạng. Ký tên Trí Cường, đồng chí viết tác phẩm Tự chỉ trích – một tác phẩm có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn. Với tác phẩm này, đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào việc củng cố sự nhất trí trong Đảng và tăng cường ảnh hưởng, uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân.
Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì ngày18-01-1940 Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, Sài Gòn. Biết đây là Tổng bí thư của Đảng, bọn đế quốc đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất để moi tài liệu. Trước sau đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ngày 28-08-1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân pháp xử bắn tại pháp trường Bà Điểm cùng một số đồng chí khác.
5. Trường Chinh
Đồng chí Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh ngày 09-02-1907. Đồng chí quê ở xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuối năm 1936, đồng chí là đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ. Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải Phóng.
Tại Hội nghị lần thứ bảy, đồng chí được cử vào Ban chấp hành trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám tháng 05-1941, đồng chí Trường Chinh được cử làm Tổng bí thư của Đảng. Đêm ngày 09-03-1945, đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.
Đồng chí Trường Chinh
Vào tháng 02-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng lao động Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương được bầu họp chính thức trong một Đại hội đại biểu toàn quốc.
Năm 1958, đồng chí Trường Chinh làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học Nhà nước. Năm 1976, đồng chí được bầu làm chủ tịch Ủy ban dự thảo hiến pháp của Quốc hội. Ngày 17-07-1986, Ban chấp hành trung ương Đảng họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn từ trần ngày 10-07-1986.
Tháng 12 -1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được suy tôn làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Trường Chinh qua đời ngày 30-09-1988. Đồng chí đã được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.
6. Lê Duẩn
Đồng chí Lê Duẩn (tên thật là Lê Văn Nhuận) sinh ngày 07-04-1907. Đồng chí quê ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1928, đồng chí tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1930, đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương.
Năm 1937, đồng chí giữ chức Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1940, đồng chí bị địch bắt và kết án 10 năm tù. Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội. Cuối năm 1946, Trung ương cử đồng chí vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Đồng chí Lê Duẩn
Từ 1954-1957, đồng chí ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1957, đồng chí được điều ra trung ương công tác. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1978, đồng chí làm Bí thư Quân uỷ trung ương.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 03-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Duẩn tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 10-07-1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác.
7. Nguyễn Văn Linh
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc) sinh ngày 01-07-1915. Đồng chí quê ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, đồng chí tham gia học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo. Ngày 01-05-1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, đồng chí được trả tự do.
Năm 1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, hoạt động ở Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1939, đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Sài Gòn, sau đó được Đảng điều ra Trung Kỳ để lập lại xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1941, đồng chí Nguyễn Văn Linh bị bắt ở Vinh, bị kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh
Năm 1945, đồng chí hoạt động ở miền Tây, Sài Gòn – Chợ Lớn với cương vị Bí thư Thành uỷ, Bí thư đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1949-1960, đồng chí là Uỷ viên và quyền Bí thư xứ uỷ Nam Bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành trung ương Đảng, làm Bí thư, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Năm 1976, đồng chí giữ chức vụ Bí thư thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giữ chức Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của trung ương, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980.
Năm 1981, đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1985, đồng chí được Ban Chấp hành trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kiêm chức Bí thư Đảng uỷ quân sự trung ương (năm 1987).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 06-1991) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 07-1996), đồng chí được tôn vinh làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày 27-04-1998, đồng chí Nguyễn Văn Linh tạ thế để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân. Đồng chí đã được tặng thưởng huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương cao quý khác.
8. Đỗ Mười
Đồng chí Đỗ Mười (tên thật là Nguyễn Duy Cống) sinh ngày 02-02-1917. Quê ở Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào mặt trận bình dân. Năm 1936, đồng chí gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị địch bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hoả Lò, Hà Nội. Tháng 03-1945, đồng chí vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh uỷ Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Đỗ Mười giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông. Từ năm 1946 đến 1954, đồng chí giữ các chức vụ sau: Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Định; Khu uỷ viên khu III kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Phó Bí thư Liên khu uỷ III kiêm Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III; Chính uỷ Bộ tư lệnh Khu tả ngạn sông Hồng.
Đồng chí Đỗ Mười
Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1954, đồng chí Đỗ Mười giữ chức Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 03-1955, đồng chí được bổ sung làm uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa II. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1956-1973, đồng chí Đỗ Mười được bổ nhiệm làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương; Chủ nhiệm Uỷ ban vật giá Nhà nước; Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ xây dựng.
Đất nước thống nhất, tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị; tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 07-1981, đồng chí Đỗ Mười giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 03-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Tháng 06-1986, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 06-1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, uỷ viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 06-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII, đồng chí tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng. Tháng 12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VIII, đồng chí Đỗ Mười được suy tôn làm cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng.
9. Lê Khả Phiêu
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27-12-1931. Quê ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ngày 19-06-1949, đồng chí gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Đồng chí Lê Khả Phiêu là cán bộ trưởng thành từ cơ sở và từ trong quân đội. Trong các cuộc kháng chiến đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu liên tục ở các chiến trường Bắc – Trung – Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn.
Từ năm 1964-1993, đồng chí đã đảm nhận các chức vụ: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2; Phó Chính uỷ kiêm chủ nhiệm chính trị Quân khu 9; Phó Bí thư Quân khu uỷ Quân khu 9; Thiếu tướng, Chủ nhiệm chính trị, Phó tư lệnh chính trị Mặt trận 719; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Lê Khả Phiêu
Năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 06-1992, tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ ba, khoá VII, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư, sau đó được phân công Thường trực Ban Bí thư. Tháng 01-1994, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị.
Ngày 26-12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá VIII, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng.
10. Nông Đức Mạnh
Đồng chí Nông Đức Mạnh sinh ngày 11-09-1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Đồng chí xuất thân trong gia đình nông dân dân tộc Tày, bản thân là công nhân lâm nghiệp. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1958 và được kết nạp vào Đảng năm 1963.
Năm 1958-1961, đồng chí học trung cấp nông lâm trung ương. Năm 1962-1963, đồng chí là công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra trong Ty lâm nghiệp Bắc Kạn. Từ năm 1963-1965, đồng chí làm đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông. Năm 1965-1966, đồng chí học tiếng Nga tại trường ngoại ngữ Hà Nội. Từ 1966-1971, đồng chí là sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningrát, Liên Xô.
Đồng chí Nông Đức Mạnh
Năm 1972, trở về nước, đồng chí được phân công làm Phó Ban thanh tra Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Năm 1973-1974, đồng chí làm Giám đốc Lâm trường Phú Lương, Bắc Thái. Từ 1974-1976, đồng chí được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1976-1980, về Bắc Thái, đồng chí là Tỉnh uỷ viên, Phó Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm chủ nhiệm Công ty xây dựng lâm nghiệp rồi trưởng Ty lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Từ 1980-1983, đồng chí là Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Từ 1984-10/1986, đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Từ tháng 11/1986 – 02/1989, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng. Tháng 03-1989, đồng chí được phân công làm Trưởng ban dân tộc trung ương. Tháng 11-1989, đồng chí được bầu bổ sung Đại biểu Quốc hội khoá VIII và được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được trung ương bầu vào Bộ chính trị. Tháng 09-1992, đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội khóa IX. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được trung ương bầu vào Bộ chính trị.
Tháng 09-1997, đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khoá X và được phân công làm thường vụ Bộ chính trị vào tháng 01-1998.
Tháng 04-2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được trung ương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2006, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
11. Nguyễn Phú Trọng
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1957 đến năm 1963, là học sinh trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên) Hà Nội.
Năm 1963, học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương. Năm 1967, đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, công tác tại tạp chí Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng sản. Năm 1973, đồng chí được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Năm 1981, đồng chí được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).
Tháng 8 năm 1983, đồng chí về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10 năm 1983), Trưởng ban (tháng 9 năm 1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3 năm 1989), Phó tổng biên tập (tháng 5 năm 1990) rồi Tổng biên tập tạp chí Cộng sản (tháng 8 năm 1991). Năm 1992, đồng chí được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) được phong học hàm Giáo sư. Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, đồng chí được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII. Tháng 8 năm 1996, đồng chí làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm, phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.
Tháng 2 năm 1998, đồng chí được phân công phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường Đại học KHXH và Nhân Văn.
Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII, đồng chí tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.
Tháng 1 năm 2000, đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, đồng chí kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, đồng chí trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.
Ngày 26 tháng 6 năm 2006, đồng chí đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay đồng chí Nguyễn Văn An.
Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, đồng chí tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, như việc đề ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
19 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 3 tháng 9 năm 201419 - 09 - 2014
Training quản trị Cổng thông tin mới23 - 09 - 2014
Lễ trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ K2323 - 09 - 2014
Lịch công tác tuần 4 tháng 9 năm 2014