Thứ ba, 19/11/2024 18:36:43
Giáo viên nên cân nhắc việc sử dụng “lệnh phạt” với học sinh

Ngày: 20/03/2017

Là học sinh khó có em nào mà không bị mắc lỗi, vi phạm trong quá trình học tập, rèn luyện ở nhà trường phổ thông: khi thì không thuộc bài, mất trật tự, nói chuyện riêng, lúc thì vi phạm tác phong, giờ giấc, nói năng thiếu văn hóa…

Biểu hiện vi phạm nội quy nhà trường của các em thì muôn hình vạn trạng, thời nào cũng có. 

Những em sai phạm một lần hoặc vài lần, nhà trường, thầy cô giáo chỉ cần nhắc nhở, nhẹ nhàng. 

Có em vi phạm nhiều lần, có tính hệ thống thì phê sổ đầu bài, phê bình, khiển trách trước lớp, trước cờ, mời phụ huynh đến trao đổi, phối hợp… 

Thầy cô cần cân nhắc khi áp dụng các hình thức phạt trẻ. (Ảnh minh họa trên vov.vn)

Có thể nói, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định, không vi phạm đạo đức nhà giáo (năm 2008) thì ý thức, đạo đức, cách ứng xử của giáo viên đối với học sinh, nhìn chung có chuyển biến, bớt đi nhiều tình trạng thầy, cô giáo la mắng, thậm chí đánh học sinh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở một số địa phương vẫn để xảy ra một vài vụ việc giáo viên hành hung, đánh học sinh gây thương tích, khiến dư luận xã hội lo lắng, bức xúc. 

Trong bối cảnh xã hội - văn hóa hiện đại có nhiều đổi thay, việc giáo dục, dạy dỗ con em, học sinh của phụ huynh, thầy cô giáo đặt ra không ít khó khăn, thách thức, chỉ có những người trong cuộc, trong ngành mới thấu hiểu điều này. 

Cũng vì mục đích giáo dục, chủ nhiệm đứng lớp mong muốn tập thể lớp, học sinh của mình ngày một tiến bộ thì ngoài biện pháp giáo dục, nhắc nhở, động viên, nhiều thầy cô giáo hiện nay vẫn duy trì một số hình thức “phạt” học sinh.

Ví dụ như: trong giờ gây mất trật tự nhiều lần thì bắt đứng lên tại chỗ hoặc đứng góc bảng đến hết tiết dạy; em nào không thuộc bài, dưới điểm trung bình, thầy cô giáo yêu cầu về nhà chép phạt 1.000 lần (nội dung câu hỏi mà trả lời được); 

 

Cho bạn tát học sinh vì trót nói tục giáo viên cần xem xét lại cách hành xử

 

Em nào vi phạm nội quy nhà trường bị mức phê bình trở lên, giáo viên chủ nhiệm giao nhiệm vụ trực nhật, dọn vệ sinh lớp học cả tuần;

Có giáo viên có “sáng kiến” nộp quỹ lớp đối với các em mắc lỗi, mỗi lỗi nộp 1.000 đồng…

Thực tế cho thấy, các hình thức “phạt” nói trên của giáo viên đã phát huy được hiệu quả, tác dụng. 

Hầu hết, các em học sinh đều chấp hành nghiêm túc “lệnh phạt” của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. 

Nhiều em (lớp lớn) có ý thức, biết xấu hổ, có lòng tự trọng với thầy, cô giáo, bạn bè, sau một, hai lần bị “phạt” rất biết sợ và không bao giờ tái diễn, mắc lỗi nữa. “Phạt” một vài em nhưng lại có tác dụng răn đe các học sinh khác. 

Nhờ thế, phong trào, thi đua, kỷ cương của lớp thêm ổn định, nền nếp, nghiêm túc. Nhiều bậc phụ huynh khá đồng tình với cách “phạt” của giáo viên, nhà trường.

Thầy, cô giáo bộ môn, chủ nhiệm nào cũng đều mong muốn lớp mình tốt, từng em học sinh chăm ngoan, học giỏi. 

Tuy nhiên, nếu giáo viên lạm dụng quá mức các hình thức “phạt” học sinh sẽ không còn hiệu quả, tính răn đe. 

Gặp đúng những học sinh cá biệt, chây lười, ý thức kém, bất chấp, thách thức “lệnh phạt” thì coi như giáo viên gặp khó, nếm thất bại. 

Một số đồng nghiệp của tôi từng chào “thua” trước một vài em cá biệt: giáo viên bảo đứng lên góc bảng mà học sinh vẫn cứ đứng trơ trơ ra đấy; yêu cầu về nhà chép phạt nộp cho thầy vào tiết dạy sau, học sinh đáp lại ngay: “Em không chép phạt, thầy làm gì được em nào”… 

 

Roi vọt là yêu thương

 

Có em do tố chất, năng lực học tập còn hạn chế, dường như, môn nào, lần nào, giáo viên gọi lên kiểm tra bài cũ đều không thuộc bài mà các thầy, cô giáo lại liên tục và thường xuyên áp dụng “lệnh” chép phạt mấy ngàn lần cũng là điều không nên. 

Điều đấy dễ tạo áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi cho các em, vì lo chuyện chép phạt mà học sinh xao nhãng việc học hành. 

Là người trong cuộc, tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo trong sứ mệnh “trồng người”, giáo dục con trẻ hôm nay.

Mỗi em một hoàn cảnh, một tâm tính. Mỗi giáo viên có những cách thức giáo dục riêng của mình. 

Tôi thiết nghĩ, thầy cô giáo nên cẩn thận, cân nhắc trong việc sử dụng các “lệnh phạt” đối với học sinh. 

Làm thế nào, mỗi khi sử dụng “lệnh phạt”, các em mắc lỗi chỉ một lần thôi, phạt rồi biết sợ, không tái phạm nữa? Làm thế nào, không cần những “lệnh phạt” mà các em đều ý thức, chăm ngoan?

Sông Trà
Sông Trà
Tin liên quan