Ngày đăng : 07-11-2015
"Một nguyên tắc
được đặc biệt coi trọng trong trường học tại Australia là bảo mật thông tin cá
nhân, bao gồm cả sai phạm của học sinh vì các em không phải tội phạm", chị
Bích Châu có hai con trai đang học ở Melbourne (Australia) viết.
Tại Australia, tôi cảm
nhận được những điều rất khác biệt trong cách giáo dục của trường học. Một điều
tôi thấy rất rõ từ trải nghiệm chính mình khi chứng kiến hai con trai đi học,
là trẻ con Australia rất thích tới trường. Con trai lớn của tôi suốt 11
năm đi học chưa ngày nào đòi nghỉ ở nhà để được vui chơi thỏa thích. Đặc biệt
những năm học tiểu học, cháu luôn đến trường trong niềm phấn chấn vì sắp được
tới một nơi vui vẻ cùng thầy và bạn.
Xuất phát từ việc coi
học trò là những đứa trẻ mới chập chững bước đi đầu đời nên học sinh luôn được
xác định đến trường để học hỏi, để được uốn nắn và việc mắc lỗi là đương nhiên.
Cái các em cần là được giúp đỡ để giảm thiểu sai sót, dần quen với nếp sinh
hoạt tốt, tuỳ theo khả năng và cá tính của từng học sinh, chứ không phải buộc
tất cả đạt một chuẩn mực nhất định, theo đúng quy định chung do các thầy cô đề
ra.
Những trường hợp sai
phạm đều có phương án giải quyết tùy theo cấp độ. Ở mức độ sai phạm nhẹ,
giáo viên chủ nhiệm sẽ ngồi nói chuyện riêng với từng học sinh để tìm rõ nguyên
nhân và đưa ra hướng giải quyết. Cấp độ nặng hơn, học sinh sẽ được đưa lên gặp
hiệu trưởng để thầy/cô trực tiếp trao đổi, giải thích sai phạm của trò. Cấp độ
nặng nhất là mời phụ huynh đến trường nói chuyện tại phòng giám hiệu, có sự
tham gia của hiệu trưởng.
Tuy nhiên, dù ở cấp độ
nào, những sai phạm của học sinh cũng không bị nêu ra trước toàn lớp hay toàn
trường để phê bình làm hạ thấp tư cách của trò và làm gương cho các bạn khác.
Lý do rất đơn giản, học sinh không phải là tội phạm mà là những đứa trẻ đang ở
giai đoạn đầu chập chững vào đời, tập sống, tập làm người. Sản phẩm phát
triển chưa tốt, chưa đúng cách, người ươm mầm có lỗi đầu tiên và các chuyên gia
phải ngồi lại để tìm cách thức sửa sai, tìm phương án tốt nhất cho giai đoạn
phát triển tiếp theo của sản phẩm ấy.
Chính vì nguyên tắc
bảo vệ thông tin cá nhân, tôn trọng bí mật riêng tư mà các cuộc họp phụ huynh ở
Australia không diễn ra theo quy mô tập thể, mang tính đại trà. Mỗi phụ huynh
sẽ gặp riêng giáo viên để trao đổi trong 15 phút tại cuộc họp có tên
"parent teacher interview" (tức phỏng vấn qua lại giữa phụ huynh,
giáo viên). Tại đây, giáo viên sẽ báo cáo tình hình học tập của học sinh, bố mẹ
hỏi han, tìm hiểu về con mình và cuối cùng hai bên thống nhất phương án hợp tác
trong giai đoạn tiếp theo dựa trên những số liệu hiện tại về trẻ. Cuộc họp phụ
huynh được diễn ra vào cuối các kỳ học (ở Australia một năm học chia làm bốn
kỳ, mỗi kỳ hơn hai tháng và giữa mỗi kỳ có 2-3 tuần nghỉ để học sinh lấy lại
sức lực cho việc học tập tiếp theo).
Việc giao lưu giữa
giáo viên chủ nhiệm và giáo viên từng môn với phụ huynh được thực hiện trước sự
có mặt của học sinh. Việc này đòi hỏi tất cả thầy cô đều phải theo dõi từng học
sinh trong suốt quá trình học, ghi chép đầy đủ, để có thể thông báo trong một
bảng tổng kết từng môn học và thái độ của trò đối với môn học đó một cách cụ
thể, chi tiết, đáp ứng yêu cầu của bố mẹ. Việc họp riêng với từng học sinh, phụ
huynh sẽ làm không khí cởi mở hơn, không gây hoang mang, xấu hổ cho những em
học kém hay mắc lỗi hạnh kiểm. Điều này giúp học sinh dễ tiếp thu những phê
bình để sửa chữa khuyết điểm.
Nhớ hồi gia đình mới
qua Australia sinh sống, con trai đầu (6 tuổi) của tôi có biểu hiện thiếu
hứng thú, vô kỷ luật, không tham gia các hoạt động cùng bạn và có thái độ phản
ứng ương bướng, không nghe lời thầy cô khi được nhắc nhở phải thực hiện quy
định ở lớp tiền tiểu học (Prep). Thầy chủ nhiệm đã mời tôi đến gặp gỡ và
nói chuyện. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là thầy không hề đánh giá những
hành vi của con trai tôi là một biểu hiện sai trái của một học sinh hư.
Thầy chủ động nêu giả
thuyết: có những biểu hiện bướng bỉnh ấy là do con tôi mới chuyển qua môi
trường học tập mới, với bạn bè, ngôn ngữ mới, chưa được chuẩn bị tốt về mặt tâm
lý nên dễ gây phản ứng tiêu cực. Thầy cũng nhận xét con trai tôi khá thông
minh, đã biết trước nhiều kiến thức của lớp Prep nên việc phải học lại những
điều đã biết sẽ gây cảm giác chán nản với những kiến thức cũ.
Cuối cùng thầy đề xuất đưa con trai tôi lên
học lớp một, đúng với lứa tuổi của cháu ở Australia (tại Việt Nam cháu cũng
đang học dở lớp này nhưng chuyển sang môi trường mới tôi lo con chưa biết
tiếng, chưa quen chương trình nên cho cháu học lớp Prep để chuẩn bị kiến thức
trước). Được sự đồng ý của tôi, cháu nhảy cóc lên lớp một và kết quả là vẫn
theo tốt với chương trình, rất vui vẻ, sung sướng mỗi khi được tới trường.
Vậy là không những con
trai tôi không bị khiển trách mà còn được thầy giáo tận tình theo dõi, tìm hiểu
nguyên nhân và giúp tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề hợp lý, khoa học. Tôi
tự cảm thấy mình và con trai đều quá may mắn. Nếu ngày ấy con trai tôi thường
xuyên bị khiển trách, thậm chí bị phạt trước lớp hay trước toàn trường, điều gì
sẽ xảy ra với cháu tiếp theo.
Tôi nhận thấy ở
Australia, cách giáo viên đánh giá lỗi của học trò thật khác biệt với cách ngày
xưa thầy cô của tôi vẫn hay bắt lỗi các trò. Nếu học trò ở Việt Nam thời tôi
khi không làm bài hay làm bài không tốt đều bị quy chung là lười nhác, vô ý
thức, mải chơi bời; nếu nghịch ngợm, hiếu động thì bị coi là trò hư, cá biệt.
Ngược lại ở Australia, các giáo viên không bắt lỗi trò cho tới khi tìm hiểu ra
đúng nguyên nhân. Nếu làm bài không được, hoặc làm kém sẽ được xác định lại
trình độ để cho bài dễ hơn, đúng với khả năng.
Ngay trong một lớp
học, các học sinh cũng được chia ra làm nhiều nhóm, học theo các trình độ khác
nhau dựa theo năng lực từng em, việc giao bài tập cho mỗi em cũng khác. Em nào
nghịch quá sẽ có giáo viên được cắt cử giúp đỡ thêm riêng hoặc thậm chí chuyên
gia tâm lý sẽ tới kiểm tra xem có thuộc dạng chậm phát triển hay bị bệnh lý cần
hướng dẫn theo một chương trình trợ giúp để giảm bớt sự tăng động, hoạt động
thái quá.
Có lần tới trường, tôi
thấy con trai mình không nghe giáo viên giảng bài, cứ vơ vẩn nhìn ra cửa
sổ. Tôi đã gặp cô giáo nhờ để ý, nhắc nhở con nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, đáp
lại sự lo lắng của tôi là nụ cười thật thân thiện. Cô giáo đã nói rằng, tôi
đừng quá lo, con trai tôi vẫn đáp ứng được chương trình học tại trường, vẫn hiểu
bài, vậy là ok rồi. Với trẻ con, không thể đòi hỏi chúng tập trung cao độ như
người lớn. Lâu lâu để trẻ thoải mái đầu óc, nhìn ra cửa sổ cũng không sao.
Rồi cô hóm hỉnh bảo, đến người chồng đã ngoài
50 tuổi khi ngồi nói chuyện với cô vẫn chẳng tập trung, đôi khi mắt vẫn nhìn ra
cửa sổ... Hôm đó, tôi về nhà trong tâm trạng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng,
khi hiểu con mình đã không sai và cô không hề bắt lỗi con vì những điều mà
chính tôi đã làm quá nghiêm trọng.
Tất cả những gì tôi đã
viết trên đây chỉ để nói lên, chúng ta những người làm cha mẹ, làm công tác
giáo dục hãy đến với trẻ bằng tình yêu thương thực sự, với tấm lòng độ lượng,
khoan dung chứ đừng dùng kỷ luật sắt, những quy định hà khắc vô cảm, những
đấu tố phê bình trước đám đông mang tính chất bêu riếu, hạ thấp cá nhân mang
tính chất trừng phạt cho nhớ đời. Tất cả điều ấy chỉ khiến trái tim nhỏ bé, bộ
não non nớt của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng và có thể trở thành vết thương
các em mang theo suốt trong hành trình tiếp theo của cuộc đời.
Tôi bỗng nhớ chuyện
của mình vài chục năm về trước, trong một lần đùa nghịch gây ồn ào ở lớp mẫu
giáo, đã bị cô giáo bắt phạt đứng trong phòng kho tối. Trái tim nhạy cảm, mong
manh trẻ thơ của tôi bị tổn thương do xấu hổ với bạn bè và tủi thân với chính
mình. Để rồi sau đó, tôi rất sợ phải quay lại gặp giáo viên ấy, phòng học ấy và
những người bạn đã chứng kiến cảnh tôi bị phạt.
Từ một đứa trẻ nhút
nhát, tôi càng trở nên nhút nhát hơn, chỉ cố chiều lòng người khác, tuân thủ vô
điều kiện quy định của nhà trường, thầy cô trong lo âu chồng chất. Cứ thế, theo
thời gian, tôi nhanh chóng gia nhập vào đội ngũ đông đảo những bạn bè cùng
trang lứa - những người được đưa chung vào một khuôn, đúc đồng loạt để gần như
cho ra cùng một chủng loại với đặc điểm chính: tính cách mờ nhạt, ở nhà sợ cha
mẹ, đi học sợ thầy cô, đi làm sợ sếp. Cho đến giờ, nghĩ về từ "phê bình
trước toàn trường", tôi vẫn thấy ớn lạnh sống lưng.
Bích Châu
09/2014
22